Một cuộc trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) diễn ra từ ngày 20 đến 24.4 tại Trung tâm Văn hóa thị xã Điện Bàn đang thu hút nhiều người tìm đến, với các câu chuyện cảm động về những người mẹ anh hùng.
|
Tuổi trẻ thị xã Điện Bàn tham quan tại cuộc trưng bày. Ảnh: Đ.B |
Tổ chức ngay trên vùng đất có rất nhiều Bà mẹ VNAH, cuộc trưng bày giới thiệu hơn 60 hiện vật, tư liệu cùng hơn 100 hình ảnh chân dung các Bà mẹ VNAH do Ban Quản lý quần thể Tượng đài VNAH sưu tầm, bảo quản, tuyển chọn. Bà Hoàng Bích Hạnh - Giám đốc Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH chia sẻ, đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4), nhằm tri ân, tưởng nhớ các Bà mẹ VNAH. “Thông qua sự kiện này nhằm giáo dục niềm tự hào và tôn vinh những giá trị lịch sử của người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tình cảm cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...” - bà Hoàng Bích Hạnh nói.
Những hiện vật trưng bày đã cất lên tiếng nói lịch sử của mình. Người xem rưng rưng xúc động với hành trình của một bức thư tay từ người con nơi chiến trận gửi về cho mẹ. Bức thư được mẹ cuộn tròn cho vào một ống tre già có nắp đậy kín, rồi bỏ vào chiếc hũ sành, sau đó đem chôn ở khu vườn phía sau nhà. Bức thư của người con Lê Ngọc Lân gửi về cho mẹ Trình Thị Quy ở xóm Ấp Bắc, thôn Kim Đới, Tam Thăng, Quảng Nam vào ngày 1.8.1959. Và dầu nằm trong vùng chiến sự ác liệt, bom đạn cày xới, quân thù lùng sục, nhưng lá thư vẫn vẹn nguyên. Nay trở thành kỷ vật của một cuộc chia ly, như nội dung bức thư con trai gửi mẹ, tưởng kéo dài chỉ vài năm, nhưng đã đằng đẵng hơn chục năm trời... Trong 60 hiện vật được trưng bày, ở gian bày biện kỷ vật của các Bà mẹ VNAH tỉnh Quảng Nam là nơi khiến người xem dừng chân lâu nhất. Một chiếc khăn thêu tay - kỷ vật của Bà mẹ VNAH Đoàn Thị Tiến - được gói ghém cẩn thận kèm theo câu chuyện từ cô thuyết minh viên, rằng chiếc khăn này do con trai mẹ Tiến là Nguyễn Quang Tùng tự tay thêu tặng người yêu, trước khi cùng đồng đội bước vào trận chiến khốc liệt. Chiếc khăn như một lời hẹn ước mãi dở dang của chàng trai tuổi vừa ngoài 20, hy sinh khi là xã đội phó xã Quế Xuân (Quế Sơn). Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người yêu liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng mới tìm đến trao cho mẹ Tiến chiếc khăn tay và kể câu chuyện hẹn ước của mình. Và nay, chiếc khăn trở kỷ vật của một thời đạn bom…
Dựng nên cuộc trưng bày chỉ với một đối tượng duy nhất: những Bà mẹ VNAH với hình ảnh, câu chuyện cuộc đời của các mẹ, hẳn không dễ. Nhưng như chia sẻ của những người thực hiện, sau các cuộc vận động, sưu tầm hiện vật, từ nay trở đi họ muốn mang đến chia sẻ với nhiều người hơn về cảm xúc mà họ đã trải qua, khi lắng nghe những câu chuyện, chạm tay vào từng kỷ vật. Không gian trưng bày nhỏ gọn, nhưng gần như chuyển tải đủ về sự hy sinh của những người mẹ trong thời chiến, những cống hiến lặng thầm nhưng vĩ đại. Chị Nguyễn Thị Phượng (nhà ở đường Bùi Thị Xuân, phường Vĩnh Điện) nói rằng, cứ nhắc đến Mẹ Thứ, thì cứ tưởng như đã biết nhiều về đức hy sinh và những câu chuyện xung quanh cuộc đời người mẹ đặc biệt này. Nhưng ở cuộc trưng bày, với những hiện vật gắn với cuộc sống thường ngày của mẹ, như chiếc hũ đựng gạo, chiếc đèn dầu dùng để thắp sáng và làm ám hiệu cho du kích, chiếc mâm đã bị thủng do bom đạn, hay cái ống ngoáy trầu của tuổi già... mới vỡ ra nhiều hơn về cuộc đời đặc biệt của người phụ nữ này.
Và hẳn sẽ thật thiếu sót nếu cuộc triển lãm này không giới thiệu đến một quần thể tượng đài duy nhất của cả nước, với những hình ảnh, hiện vật về các Bà mẹ VNAH. Bà Hoàng Bích Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH chia sẻ, gần 6 năm kể từ khi Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH khánh thành và đưa vào sử dụng, công trình này đã đón tiếp hơn 500 nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hoa và viếng hương tưởng niệm. Với hơn 700 hình ảnh, hiện vật về các Bà mẹ VNAH trên cả nước vận động và sưu tầm được, Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH trở thành “địa chỉ đỏ” để các thế hệ tìm tới. Dịp lễ này, cùng với các hoạt động ở khắp nơi, đã có rất nhiều đơn vị, địa phương “đặt lịch” tổ chức hoạt động tri ân, về nguồn tại quần thể Tượng đài Mẹ VNAH.
LÊ QUÂN