Mẹ và chiếc áo của người lính Gạc Ma

XUÂN THỌ 01/08/2017 08:37

Sau gần 29 năm lấy áo ra mặc mỗi khi nhớ con, người mẹ già xứ Quảng đã hiến tặng kỷ vật ấy cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (đặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa). Chiếc áo ấy, được bà sửa lại từ chiếc áo của lính hải quân mà con trai bà đã khoác ở tuổi đôi mươi, trước khi đi làm nhiệm vụ và mãi mãi ở lại biển Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) vào tháng 3.1988.

Bà Lê Thị Muộn trong một lần chụp ảnh cùng chiếc áo bà ba được may lại từ chiếc áo hải quân của con trai mình. Ảnh: XUÂN THỌ
Bà Lê Thị Muộn trong một lần chụp ảnh cùng chiếc áo bà ba được may lại từ chiếc áo hải quân của con trai mình. Ảnh: XUÂN THỌ

Bà tên Lê Thị Muộn, 86 tuổi, hiện sống ở TP.Đà Nẵng. Là mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự (SN 1968), là một trong 64 chiến sĩ đã hy sinh ở trận chiến Gạc Ma cách đây 29 năm.

Tang chồng tang

Đà Nẵng những ngày tháng 7. Tiết trời ngột ngạt, oi ả. Trong căn nhà ở đường Hưng Hóa 3, ông Phan Văn Dân đang quét bụi trên bàn thờ em trai – liệt sĩ Phan Văn Sự. Ông Dân cho biết, gia đình ông có 8 anh chị em, quê ở Hội An. Trong đó, Phan Văn Sự đăng ký nhập ngũ năm 20 tuổi, đi lính hải quân, năm đầu ở đất liền; đến tháng 2.1987 đăng ký đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, gần 1 năm sau thì hy sinh trong trận Gạc Ma. “Thời điểm đó việc thông tin liên lạc còn quá nhiều khó khăn, nên việc kết nối giữa Sự và gia đình rất hiếm hoi. Đến tết năm 1988, Sự được đơn vị cho nghỉ phép về quê ăn tết cùng gia đình, với thời gian 3 ngày. Tết năm đó, tôi trực ở đơn vị (lúc này ông Dân đi lính ở Sư đoàn 375 - NV), ngoài Sự với cha mẹ ra, còn có 2 người chị cùng ăn tết. Khi hết hạn nghỉ phép, Sự trở lại Trường Sa. Một thời gian sau gia đình nhận tin Sự hy sinh” - ông Dân kể.

Tin con trai hy sinh khiến cho người cha là Phan Văn Bé đang điều trị bệnh phổi chuẩn bị xuất viện bỗng trở nên suy sụp nhanh, và không qua khỏi. Vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng ở Trường Sa đặt các đơn vị quân sự tại đất liền vào thế sẵn sàng chiến đấu, do đó ông Dân không được phép về lo hậu sự cho cha. Phải đến 10 ngày sau, khi tình hình dịu đi đôi chút, ông Dân mới được đơn vị cho 4 ngày phép về để tang cha, cũng như đón di ảnh của em trai. Hai đám tang cùng lúc, lấy ngày 27.1 âm lịch làm ngày giỗ.

Áo con, mẹ mặc

Đi qua nỗi đau tưởng chừng như quỵ ngã vì cùng lúc mất chồng, mất con, bà Muộn cho rằng mình may mắn hơn những người mẹ khác, là còn chiếc áo của con trai để làm kỷ niệm. Đó là chiếc áo mà liệt sĩ Phan Văn Sự mặc khi còn làm nhiệm vụ ở đất liền trong năm đầu nhập ngũ. Trong chuyến đi Trường Sa, Phan Văn Sự để quên chiếc áo này ở đơn vị, sau khi hy sinh, đơn vị chuyển lại cho gia đình. “Kể từ lúc đơn vị đưa chiếc áo ấy cho gia đình, đi đâu mẹ tôi cũng mang theo bên mình, nói là để thằng Sự nó luôn ở bên mẹ” - chị Phan Thị Lưu, chị ruột thứ 3 của liệt sĩ Sự chia sẻ.

Ông Phan Văn Dân quét dọn bàn thờ liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Phan Văn Dân quét dọn bàn thờ liệt sĩ Phan Văn Sự. Ảnh: XUÂN THỌ

Tuy nhiên, chuyện bà Muộn đi đâu cũng mang theo chiếc áo của người con liệt sĩ phải đến những năm sau này mọi người mới biết. Bởi, theo lời bà Muộn, khi đơn vị chuyển trả chiếc áo của liệt sĩ Phan Văn Sự, bà đem cất kỹ, khi đi đâu cũng mang theo nhưng chỉ mình bà biết. Lúc đi ngủ, bà giấu chiếc áo vào trong bọc gối, mấy năm trời như vậy. “Đến khi đơn vị thằng Sự về viếng hương, hỏi thăm thì tôi đem áo ra cho họ xem và kể sự tình, lúc đó mọi người mới rõ, kể cả mấy đứa con trong gia đình” - bà Muộn cho hay. Tôi hỏi sao bà lại “giấu” như vậy, bà bảo do thương anh Sự quá, nhưng sợ các con thấy như thế sẽ lo lắng cho mẹ nên không để lộ.

Sau khi mọi người đã biết chuyện, bà sửa chiếc áo hải quân của người con trai liệt sĩ thành kiểu bà ba để mặc chứ không giấu mang theo bên mình như trước nữa. Bà Muộn nói: “Kể từ ấy, hễ muốn thằng Sự nó “ôm” là tôi lấy áo ra mặc, ấm áp lắm. Hồi đó nó còn trẻ lắm, mới 21 tuổi, chưa yêu đương gì. Nếu Sự còn sống, có lẽ bây giờ cũng đã lập gia đình, đề huề con cái như các anh chị”. Thì bà nói vậy, kiểu tiếc nuối của người mẹ có con hy sinh. Và cũng chắc chắn rằng, điều ấy làm bà rất tự hào. Hôm giữa tháng 7.2017, được mời vào Cam Ranh dự khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, bà Muộn đã hiến tặng chiếc áo kỷ niệm của con trai cho khu tưởng niệm. “Mình già quá rồi, chẳng giữ để làm chi nữa. Hiến tặng cho khu tưởng niệm để anh em đồng đội đến thăm, hay lớp sau này nhìn mà biết được thế hệ trước đã hy sinh như thế nào” - bà Muộn tâm sự.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ và chiếc áo của người lính Gạc Ma
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO