Gần 30 năm trôi qua, mẹ vẫn ra hiên nhà trông đợi, nuôi hy vọng một ngày nào đó con trai mẹ sẽ trở về từ biển, lại ra ruộng be bờ tát nước, bắt cá đồng...
Mẹ Trương Thị Ngò cất giữ cẩn thận từng kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Ảnh: MINH HẢI |
Lần theo con đường làng, tôi tìm nhà mẹ Trương Thị Ngò (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn). Hỏi thăm, ai cũng chỉ cứ đi tới phía trước lũy tre già nằm ở mé ruộng là đúng mẹ Ngò đấy.
Mẹ Ngò là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, hy sinh ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đúng như lời chỉ dẫn, đi thêm một đoạn, tôi gặp cụ bà đứng ở bờ tre. Thấy khách lạ, cụ bà lên tiếng: “Con hỏi ai?”. “Dạ, con tìm nhà mẹ Ngò”. “Có chi không con? Mẹ đây!”. Bà mẹ già 89 tuổi, tóc bạc trắng, tươi cười, mời khách vào nhà, nhưng ánh mắt vẫn không thôi trông về phía xa xăm, nơi lúa đồng đón nắng mới.
Con mẹ vẫn còn sống
Năm 1985, Nguyễn Bá Cường nhập ngũ thuộc Lữ đoàn Bộ binh 173 (Quân khu 5), một năm sau đi học ở Học viện Hải quân Nha Trang. Khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, Nguyễn Bá Cường hủy khóa học lớp hoa tiêu ở Nga đã đăng ký trước đó và xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Nguyễn Bá Cường hy sinh ngày 14.3.1988, khi Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Nguyễn Bá Cường là liệt sĩ duy nhất ở Quảng Nam trong số 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma. |
Căn nhà cấp bốn, hai gian, một gian làm chỗ thờ phượng, gian còn lại vừa đủ để chiếc giường tre làm chỗ mẹ nghỉ ngơi. Nhìn lên bàn thờ, hai di ảnh chìm trong nghi ngút khói hương. Thấy tôi chú ý, mẹ lại gần bàn thờ giải thích: “Bên phải là ảnh của ba thằng Cường, ổng mất cách đây bốn năm rồi. Bên trái là ảnh của thằng Cường”. Mẹ lụi cụi tìm bật lửa đốt nhang, bàn tay nhăn nheo run run cắm vào nồi hương, rồi bất ngờ ôm chầm lấy tôi, òa khóc. “Cường con mẹ chưa chết đâu. Nó vẫn công tác ngoài đảo. Mấy chục năm ni, đêm đêm, mỗi lần nghe tiếng xe hơi thắng lại ở dưới quốc lộ, mẹ lại dậy ra mở cửa ngóng chờ”. Tôi dìu mẹ lại bên gường, mẹ kể: “Thằng Cường là con út, nó ngoan ngoãn lắm. Năm 1980 thi đậu Đại học Tổng hợp Đà Lạt ngành Vật lý. Học được một năm, nó về xung phong đi bộ đội. Má khuyên, con cứ học hết đã, vì hai anh trai con cũng đang phục vụ trong quân ngũ. Nhưng nó cứ nằng nặc đòi đi, lén ba má qua xã đăng ký nhập ngũ. Hết cách, ba nó bảo thôi cứ để nó đi. Cầm lòng không đậu, chiều ý con, tôi bán chục ang lúa, bầy gà, con heo để chuẩn bị tết, gom góp tiền đưa con lên Đà Lạt xin trường cho hoãn học”.
Lau khô nước mắt, mẹ kể tiếp: “Nhập ngũ được sáu tháng, đơn vị cho về phép thăm nhà. Nó chạy ra ruộng bắt cá đồng về hai mẹ con cùng nấu ăn. Nó còn thì thầm cho mẹ hay là nó chuẩn bị lên đường ra đảo. Thấy mẹ lo lắng, nó nói, má đừng lo, con ra đảo công tác xong thì về đi học tiếp mà. Đó cũng là lần cuối cùng nó ăn bữa cơm gia đình”.
Kỷ vật của con
Mẹ Ngò sinh 3 người con trai, Nguyễn Bá Xuân, Nguyễn Bá Hùng và Nguyễn Bá Cường (Út Cường). Cả ba đều phục vụ quân đội, Nguyễn Bá Hùng là thương binh, Út Cường hy sinh. Trong thâm tâm mẹ lúc nào cũng nhớ về út Cường. Cầm trên tay tấm hình ngả màu của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, mẹ Ngò nghẹn ngào: “Nhớ câu nói thằng út: Má yên tâm, con ra đảo công tác thôi mà. Rồi bất ngờ một ngày người ta đem giấy báo tử tới. Nhưng mẹ không nhìn thấy thi thể nó. Mẹ không tin nó đã chết”. Mẹ Ngò cho hay, năm 1985, Út Cường được giao về Lữ đoàn Bộ binh 173 (Quân khu 5), một năm sau thì đi học ở Học viện Hải quân Nha Trang. Cường đã đăng ký đi học lớp hoa tiêu ở Nga, nhưng khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, Cường hủy khóa học để lên đường làm nhiệm vụ.
Thượng sĩ Nguyễn Bá Cường (hàng ngồi, ở giữa) cùng đồng đội tại Học viện Hải quân Nha Trang. |
Từ ngày Nguyễn Bá Cường ra đảo làm nhiệm vụ, mẹ Ngò chỉ biết tin tức của con theo từng lá thư ít ỏi gửi về. “Tết năm 1988, lá thư cuối cùng thằng út gửi về chúc mọi người vui vẻ, kể rằng ra đảo vậy mà thong thả, anh em ngoài này đông vui lắm. Ba má, anh chị đừng lo”. Nhiều tháng tiếp theo đó, trông đợi thư con vẫn không thấy tin tức, sau nhận giấy báo tử. “Đêm nào má cũng khấn cho con thằng út được mạnh khỏe, để về với má” - anh Nguyễn Bá Xuân, con trai đầu của mẹ Ngò nói.
Nhẹ nhàng lôi chiếc hòm mà mẹ đóng ngày nào cho cậu tân sinh viên lên Đà Lạt học, cẩn thận lấy ra từng trang báo Nhân Dân cũ đã úa nhàu, năm (1988) có bài viết tuyên dương về những người lính Trường Sa, trong đó có Thượng sĩ Nguyễn Bá Cường, và sổ đoàn viên, những tấm ảnh trắng đen thời sinh viên và trong quân trường. Không nói một lời, nước mắt mẹ Ngò cứ chảy khi chạm vào chiếc ba lô với 2 bộ lễ phục quân đội trắng tinh cùng chiếc cà vạt, chiếc quần màu xanh… “Đây là những kỷ vật còn lại của thằng út, đơn vị gửi về cùng giấy báo tử. Bao nhiêu năm nay mẹ cất giữ, chờ ngày nó về lại mặc” - mẹ Ngò rưng rưng nói. Mẹ lau lại di ảnh, dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ chuẩn bị cho mâm giỗ út Cường, miệng rì rầm điều gì không rõ. “Bây giờ mẹ chỉ có mơ ước chiều chiều ra biển ngắm biển đảo quê hương, nhìn xem nơi con mẹ công tác. Nhưng tuổi già, biển rộng, đảo xa, mẹ chỉ còn biết ngày ngày ra đầu ngõ trông đợi Út Cường của mẹ trở về”.
MINH HẢI