Lênh đênh với sóng nước khi ánh hoàng hôn hắt xuống dòng Đế Võng huyền thoại, khám phá nét đẹp văn hóa, tự nhiên của nơi cuối sông đầu biển một thời cảng thị tấp nập là một lựa chọn khó thể chối từ nếu du khách có dịp về với Hội An.
Những trải nghiệm khó quên
Xế chiều, chúng tôi bước xuống thuyền để bắt đầu cuộc hành trình. Địa điểm xuất phát chỉ cách bờ biển Cửa Đại mấy chục bước chân, dòng sông hiền hòa lượn lờ men theo các làng chài như dải lụa nơi hanh hao cát trắng. Nơi đây từng là một tuyến thủy lộ quan trọng kết nối giao thương giữa hai đô thị Đà Nẵng, Hội An ở nhiều thế kỷ trước với tên gọi mỹ miều Lộ Cảnh Giang. Hiện nay, một phần tuyến sông này chảy qua thị xã Điện Bàn đã bị vùi lấp còn đoạn gần cửa biển mà chúng tôi chuẩn bị hành trình vẫn sóng sánh con nước.
Trong cơn gió chiều lồng lộng, hướng dẫn viên bắt đầu phát cho chúng tôi những bộ đồ truyền thống để mọi người trải nghiệm hát bả trạo. Khi tiếng hò xướng lên, mọi người sải chân và chèo theo nhịp điệu. Tuy không thuần thục lắm nhưng ai nấy cũng cảm thấy hào hứng khi được trải nghiệm thực tế loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của ngư dân miền biển. Trên tàu du lịch luôn có loại nước mát ngâm rau húng ướp lạnh mà những lao động chuẩn bị sẵn là một loại giải khát tuyệt vời mang đậm chất bản địa trong chiều hè oi bức.
Trải dọc theo dòng sông, mấy làng chài cuối cùng của Hội An hiện ra rất đỗi mộc mạc. Vẫn những nếp nhà cũ kỹ, hàng dừa cao vút xào xạc tàu lá như trò chuyện với nhau và cả đội tàu im lìm neo bờ sau tháng ngày vươn khơi tạo thành một bức tranh thủy mặc tưởng như không còn ở nơi đô thị dập dìu. Neo mình giữa sông, những tiếng trầm trồ trên tàu không ngớt vang lên khi xung quanh những ngư dân đang miệt mài quăng chài mưu sinh. Họ thực hiện thuần thục “vũ điệu” này như một nghệ nhân. Với nhiều cư dân địa phương, đó vẫn là một phần sinh kế chính của họ. Một hình ảnh lao động rất bình dị nhưng đẹp hút hồn trong mắt du khách bởi không nhiều lần trong đời họ chứng kiến hình ảnh này. Và rồi, một người, hai người kéo theo nhiều người sau đó trên tàu đề nghị được trực tiếp quăng chài. Tất nhiên hầu hết những lần bủa chài đến từ du khách đều không đúng kỹ thuật do sức vóc và độ khéo léo có hạn nhưng điều đó không quan trọng bằng việc họ được chính mình trải nghiệm để lưu kỷ niệm đẹp trong chuyến đi.
Đổi mới để hướng đến khách nội địa
Những đám mây dông xám xịt kéo về từ phía đại ngàn khiến con tàu phải cắt ngắn hành trình và cập vào cồn nổi nơi cuối sông. Điều này làm mọi người có đôi chút tiếc rẻ, tuy nhiên sự rộn ràng nhanh chóng trở lại khi cuộc chơi tiếp tục ở phía bãi bồi. Chúng tôi được chia thành các đội với hai thành viên vào vạch xuất phát để… thi chèo thúng và lấy cá từ cọc phía xa xa về bờ. Tất nhiên trong suốt quá trình trải nghiệm chúng tôi luôn được các bác ngư dân hỗ trợ tận tình để thúng không mất thăng bằng. Đây là một sản phẩm trải nghiệm mới được nghiên cứu để hướng đến dòng khách nội địa vốn ưa thích các hoạt động trải nghiệm sôi động, hấp dẫn. Hành trình khép lại bằng việc du khách được “chiêu đãi” bằng chính các loại thủy sản được người dân đánh bắt ngay trên dòng Đế Võng. Ẩm thực và cách thưởng thức đều rất dân dã nhưng ai cũng tấm tắc nhắc nhau “đánh chén” vội trong cơn mưa bay lất phất.
Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Jack Tran Tours nhìn nhận, lâu nay dòng sản phẩm mà đơn vị xây dựng chủ yếu hướng đến phân khúc khách quốc tế và khi dịch bệnh xảy đến doanh nghiệp đã nhận thấy sự hụt hẫng rõ ràng khi đã nghiêng hẳn về thị trường khách nước ngoài nên đang hướng đến cải tạo sản phẩm để có thể đáp ứng cả nhu cầu của khách trong nước.
Rồi mai này, khi dòng Cổ Cò thông tuyến, khúc sông Đế Võng không còn lỗi hẹn với chợ Cầu (thị xã Điện Bàn), với núi Ngũ Hành (TP.Đà Nẵng), du khách sẽ được du ngoạn, chiêm nghiệm phố, làng của một dải cát trắng miên man xứ Quảng. Không chỉ dòng khách quốc tế, thị trường khách trong nước sẽ tìm về với Đế Võng một khi sản phẩm du lịch được “thay áo mới” phù hợp hơn để tận hưởng không gian thanh bình nhưng cũng luôn tràn ngập sức sống mãnh liệt của cư dân vạn chài nơi Cửa Đại.