Mênh mang quê nhà

THÁI HIỀN 21/01/2024 12:30

Sa thức giấc khi nắng len vào căn phòng nhỏ. Nắng kéo dài thành vệt xuyên qua những hạt bụi mỏng lơ lửng bay. Sa mở cửa sổ, gió lùa lên mặt, lên tóc. Lành lạnh.

Gió đưa theo mùi của chợ. Sống lâu ở nơi này, Sa đã quen với từng nhịp thanh âm, nhiều khuôn mặt người và cả mùi chợ mỗi sớm mai trộn lẫn trong không khí.

Tựa lưng bên cửa sổ, Sa đón nghe thanh âm lao xao bán mua vọng lại từ chợ cóc trong ngõ nhỏ. Xa nơi này, Sa sẽ nhớ ông già gầy gò ngay đầu ngõ, ngồi bên chiếc tủ kính bày bán vài ba thứ bánh trái quà vặt, mỗi sớm chiều, thưa vắng khách. Ông lặng nhìn xe cộ vun vút qua mang theo khói bụi trong đôi mắt nhuốm màu sương khói.

Sa sẽ nhớ sạp hàng của chị, bữa ghé qua gặp chị ngồi bệt dưới đất giữa một đống ngổn ngang rau củ, hành hẹ, bên cạnh cô con gái nhỏ chừng sáu tuổi đang nghịch một mình, đôi bàn tay bẩn lấm lem. Chiếc áo chị mặc không rõ màu trời hay màu bụi, cũ nhàu.

Sa chợt thương người đàn bà có nụ cười hiền lành, tồi tội, mới ngoài ba mươi nhưng xuân sắc đã vội qua trong biết bao nhọc nhằn cuộc sống. Và Sa nhớ cả anh xe ôm thuê nhà cuối ngõ, khuôn mặt sạm nắng gió, thường ngồi chờ khách bên kia đường.

Hôm anh chở, Sa hỏi thăm cuộc sống hai cha con anh thế nào. Giọng anh buồn buồn: “Cũng tàm tạm thôi em”. Tàm tạm nghĩa là anh phải ráng chạy thêm những chuyến chở khách khuya đêm.

Vừa chạy xe vừa lo đường xa vắng có an toàn, lo thằng nhỏ ở nhà một mình có sao không. Sa nghe anh kể nỗi buồn cứ thế duềnh lên trong lòng. Rồi cha con anh cũng phải đi qua những tháng ngày tàm tạm ấy chứ. Phải không?

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Trong thành phố hơn tám triệu người, nơi người ta dễ bày biện ra biết bao sự giàu sang, lấp lánh, thì những lo toan, ước mong nhỏ bé của những người nghèo cảm giác sao xót xa.

Những số phận lặng lẽ trôi. Họ đã đi đến thành phố này, đã lặn lội bao năm nhọc nhằn mưu sinh nhưng không tìm thấy được điều mình ước muốn. Cuộc sống thì không ngừng vội vã trôi về phía trước như dòng sông cuộn chảy. Sa cũng phải hòa mình vào cuộc sống mưu sinh ấy.

Có những ngày trong quán nhỏ, Sa ngồi khóc một mình với bao khó khăn trong công việc và những mối quan hệ phức tạp nơi công sở. Nhưng Sa không nói với mẹ những điều đó, sợ mẹ buồn.

Có đôi lúc nhìn lại con đường mình đã đi qua Sa hơi mỏi mệt. Đó không phải là Sa của những tháng ngày sinh viên nhiều mộng tưởng. Thành phố thì ngày càng nhiều bụi và ồn ào. Mười năm sống ở phố đủ để Sa quen dần với điều đó. Nhưng quen không có nghĩa là Sa thích nó. Nhưng dù thích hay không thì Sa vẫn phải đi về phía trước. Cuộc sống nơi này dẫu sao cũng đổi lại cho Sa nhiều cơ hội. Đó là sự lựa chọn.

Và Sa sẽ nhớ bà. Da diết. Tuần sau thì bà đi. Cuối cùng bà đã bán căn nhà. Chủ mới sớm thôi sẽ đập đi xây lại toàn bộ. Nghĩ đến đó thôi, Sa cảm giác sao buồn thấm thía. Nơi này đã lưu giữ năm tháng tuổi trẻ của Sa.

Sa nhớ những đêm mở cửa sổ, ngồi ngóng chờ tiếng rao đêm phát ra từ chiếc loa rè rè được gắn trên chiếc xe đạp cà tàng của người đàn bà lam lũ. Chiếc xe len lỏi vào từng ngõ nhỏ bằng tiếng rao “Ai bánh khúc đây”.

Âm thanh vang vọng vào không gian lúc xa lúc gần văng vẳng. Tiếng rao nối ký ức vào hiện tại. Sa như thấy lại phảng phất trong đêm hương thơm mùa rau tầm khúc tháng Giêng của mẹ. Cũng có đêm Sa mở cửa sổ chỉ là đợi những giọt mưa cuối cùng của đêm còn sót lại rớt xuống chậu hoa nở muộn ngoài kia...

Một chiều mùa hạ, nắng gắt, tám năm trước. Sa đứng tần ngần trước ngôi nhà hai tầng sơn xanh đã phai, chầm chậm đẩy cánh cửa sắt hoen gỉ màu xám dán thông báo có phòng trọ cho thuê.

Bà đưa Sa lên xem gác hai, không gian vừa đủ cho Sa cùng bạn ở. Khi về, bà khẽ nắm tay Sa bảo: “Con đến ở cùng bác cho vui”. Có phải cái nắm tay ấm tình của bà hôm ấy đã níu Sa ở lại dù bạn Sa đã chuyển đi lâu rồi.

Dù sau này Sa đi làm có điều kiện tìm nơi ở mới tốt hơn. Hay còn bởi, Sa cảm nhận được nỗi cô đơn của bà trong cái nắm tay ấy. Sa thương bà. Lần nào đi qua tầng một, gặp bà ngồi bên mớ quần áo cũ cần đơm khuy, may lại vài đường chỉ sứt, cái ý nghĩ bà mượn cây kim, sợi chỉ, hết khâu vào rồi lại gỡ ra cho ngày trôi qua cứ lởn vởn trong tâm trí Sa.

Bà đun nước lá cho Sa vào những ngày đông buốt giá trên cái bếp sực mùi hơi than tổ ong ngột ngạt. Nhiều đêm Sa đi về khuya, nghe tiếng lạch cạch mở cổng, bà lật bật ra hỏi: “Đi đâu về muộn thế con”. Những lúc đó Sa khựng lại, ngỡ như mẹ đang đợi cửa Sa về.

Bữa cơm tối cuối cùng bà, có bông bí xào tỏi, cá bống kho, tép rang khế, những món quê kiểng ông thích. Bà đặt trên mâm một bộ bát đũa riêng cho ông như không có gì thay đổi.

Ông ngủ một đêm dài hôm trước rồi không tỉnh dậy nữa. Sáng đó, sau khi làm xong hết mọi việc, như mọi ngày, bà vào gọi ông dậy ăn sáng. Nhưng gọi mãi, không có tiếng ông trả lời, bà biết ngày đó rồi cũng đã đến...

Những câu chuyện về ông, bà kể Sa nghe đến thuộc. Lặng lẽ bà sống trong những hồi tưởng ân tình đã qua, trong nỗi buồn đã không thể yêu thương người bạn đời của mình nhiều hơn trong cuộc đời hữu hạn này. Con trai bà đi làm ăn xa, lập gia đình trong đó không về ngoài này nữa.

Mấy năm nay, từ ngày ông mất, năm nào anh cũng gọi điện về giục bà bán nhà. Bà chỉ im lặng, không một lời trách cứ. Im lặng cho đến ngày anh gọi điện về bảo: “Con nợ một khoản tiền lớn người ta…”.

Những giọt nước mắt người già mờ đục như sương khẽ rỉ ra theo những nếp nhăn, bà thắp nén hương thơm lên bàn thờ ông như một lời tạ lỗi, xin ông được bán nhà...

Bà nhắc Sa nhớ về mẹ. Mấy năm qua, Sa mải miết đi làm, vài ngày nghỉ trở về nhà cũng vội vã. Cũng bởi ước muốn sớm mua được căn chung cư ở thành phố, Sa đón mẹ lên. Mẹ thì bảo: “Con cứ vững tâm đi, phấn đấu cho những ước mơ, mẹ còn mạnh, tự lo cho mình được. Năm tháng tóc bạc thêm ra, thêm ngấm vào người cái tình quê gừng cay muối mặn. Mẹ không muốn rời đi đâu nữa. Còn cha con nữa, đất không nhang khói…”.

Tiếng mẹ nhẹ như trôi ngang qua những vạt ký ức từ năm nào cha còn sống. Xa mờ. Bùi ngùi. Những lúc ấy, Sa im lặng. Sa đâu muốn tranh luận làm mẹ buồn. Sa đã từng tin những suy nghĩ của người già có thể thay đổi được, nhất là khi cả cuộc đời mẹ chỉ nghĩ cho Sa. Nhưng giờ Sa hiểu, mảnh đất đó đã là cuộc đời của mẹ mất rồi.

Đã lâu rồi Sa không về ăn cùng mẹ một bữa cơm. Biết đâu nỗi chờ mong của mẹ như tuổi xếp dần lên vai nặng trĩu. Anh con trai về đón bà đi rồi. Sa cũng thu xếp những ngày phép cuối cùng bắt chuyến tàu trở về với mẹ.

Mẹ chờ Sa ở cuối con đường, trong cái ngõ nhỏ xanh mướt những cây tre cao vút. Bước theo sau, Sa mới nhận ra mẹ gầy đi nhiều quá. Sa thấy cả sự nhọc mỏi của đôi chân sau những tháng năm trải dài vất vả tảo tần của mẹ.

Sa về nhà mà nằm đòng đưa võng ngó bầy chim sẻ gọi nhau líu ríu trên mái nhà phủ rêu xanh cũ kỹ. Chúng về rỉa những hạt thóc sót lại từ những bó rơm nếp khô mẹ quăng lên chờ ngày bện chổi. Rồi ào ào chúng vội bay đi như khi chúng đến.

Mẹ sàng sảy gạo bên hiên. Đôi bàn tay xương gầy phủ kín những vết đồi mồi xoay tròn cái sàng lúc nhanh, lúc chậm. Chiều mùa đông trời xuống nhanh. Lúc bóng tối loang dần từ cổng vào khắp sân thì mẹ đứng lên đi thổi cơm.

Những đốm lửa sáng bừng trong căn bếp nhỏ. Cái bếp lấm lem đầy bồ hóng ấm dần bởi mùi củi chẻ, mùi lửa, mùi cơm sôi thơm thơm. Sa đã sắm bếp ga xoong nồi cho mẹ đầy đủ, nhưng mẹ bảo: “Mẹ thích nhen lửa, vừa nấu vừa sưởi ấm quen rồi”. Sa cũng thích cái không gian bồ hóng đen thui này, nó gợi lên biết bao cảm giác của một thời khốn khó.

Đêm tháng Chạp, ở nhà mẹ, trời lạnh hơn phố, sương rơi váng vất ngoài vườn, lá nguyệt quế láng mướt. Hồi cha còn khỏe, mấy cây chè trước sân lúc nào cũng xanh. Sớm mai, khi hơi sương còn thoảng qua trên mặt đất mát lành, mẹ đã trở dậy hái lá, đun nước, ủ chè cho cha. Nay thì chỉ còn lại hai cây chè già cỗi, thi thoảng mẹ mới hái lá vào ủ một ấm nhỏ.

Đêm yên ắng quá, Sa nghe được cả tiếng trò chuyện rỉ rả của đám côn trùng ngoài vườn. Sương đêm bảng lảng tràn xuống mái ngói rêu ẩm. Sa nghe tiếng bước chân mẹ rất khẽ, bước chầm chậm lên những bậc cầu thang gỗ đã lên bóng bước chân người.

Mẹ đi đóng lại ô cửa sổ mở. Rồi mẹ lặng lẽ đến bên giường, ấp những ngón tay xương gầy lên mái tóc Sa như những ngày còn nhỏ dại. Sa nhắm mắt, thật khẽ, thật khẽ chìm vào giấc ngủ. Sa mơ thấy mình ngồi dưới cây khế góc vườn, bao năm qua cây chẳng lớn thêm nữa.

Ngày nhỏ Sa ốm yếu, hay bệnh vặt, mẹ thường hái lá khế vắt nước hạ sốt cho Sa. Trời quê xanh lơ giữa nền trắng. Mênh mang. Sa ngồi nhìn những cánh hoa khế tím biếc, mỏng manh, lặng rơi trong gió, úp mặt vào lòng bàn tay nhỏ, làm sao trở về được giấc mơ ngày cũ trong ngôi nhà bình yên của mẹ. Choàng tỉnh giấc. Mùa đông đã gần tàn. Mùa xuân sắp sửa sang. Sa nhớ mẹ vẫn hay bảo, mỗi con đường đi của đời người như thế nào đều bắt đầu từ những sự lựa chọn…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mênh mang quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO