Dừng đèn đỏ, được đưa tận tay mảnh giấy. Đón con, cũng được tặng mảnh giấy. Bước từ siêu thị ra, lại giấy… Không phải giấy chào mua hàng khuyến mãi, mà là tờ rơi quảng cáo dạy thêm trong hè. Để ý, người đưa giấy vừa quay lưng là giấy rơi xuống đường. Chẳng ai thèm đọc kỹ, sau khi đã liếc qua. Đơn giản quảng cáo giáo viên đứng dạy là sinh viên. Có con cháu học thêm, phải tìm thầy cô cho xứng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Phải người tận tâm, giỏi, kinh nghiệm, dạy trường danh tiếng. Nước chảy về chỗ trũng. Có lớp chật đến nỗi, căn phòng 18m2, 30 em ngồi bệt xuống đất, đứa cúi gầm trên bàn xa lông. Học vậy, chất lượng hay không, khỏi cần nói thêm. Nhưng, phải học, vì con cháu hối thúc, phụ huynh lo ngại. Học, để bớt sợ, còn sợ chi, cũng khỏi nói thêm.
Cầm tờ giấy trên tay, nhớ mới đó đã hơn 20 năm. Đói rã họng. Anh bạn trên mấy lớp có sáng kiến: dạy thêm, kèm môn văn cho con bà chủ bán sắn bên cổng đại học tổng hợp. Tiền dạy là mình và anh được ăn sáng miễn phí. Ba củ sắn bằng ngón tay cái, dài chừng gang tay. Bữa anh bận đi uống rượu làm thơ thì mình đứng lớp thay, không biết con bà chủ có tiếp thu chi được từ mớ chữ nghĩa lộn xộn được sinh ra từ sắn không. Được chừng hai tháng, bà tuyên bố thôi không học nữa, chắc con thưa lại với mẹ là học được sắn, sắn và sắn. Cầm tờ giấy, cứ tưởng tượng những giáo viên tương lai chiều chiều tối tối ngồi đếm có bao nhiêu cô cậu “nộp mạng”, rồi méo xệch. Đời sinh viên, phần lớn là khổ, hè không về nhà mà chạy làm thêm để trả nợ thuê nhà, áo quần sách vở, rồi… tình phí! Dạy để quen nghề. Dạy để vui và… dạy để tập quen với buồn vì ra trường rất dễ thất nghiệp. Dạy đâu phải dễ, nhưng sao bây giờ thầy cô đông khinh khủng. Chưa ai làm thống kê bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, từ đó, bao nhiêu người bẻ ngoặt cuộc đời đi làm những việc trên trời dưới đất, dính vào tù tội, bất lương, mà khởi thủy họ được đào tạo làm thầy, đi đầu các nghề trong rèn luyện, dạy bảo, nuôi nấng hàm dưỡng nhân cách và lý tưởng hành thế, cứu người, giúp đời.
Tờ giấy vo tròn trên tay, nhưng không dám vứt đi. Những số điện thoại trong đó méo rồi rách theo mồ hôi tay. Những ước mơ đã tan chảy khi chưa trọn hình hài. Biết làm sao được. Mình vừa chuyển nhà. Nhìn đống sách không nhiều nhưng không ít, rã rượi. Cố gắng giữ sau rất nhiều lần di chuyển, bây giờ ý nghĩ loại bỏ bùng lên. Phải bỏ bớt. Sách công cụ, tác gia danh giá thì giữ lại. Sách của anh em tặng cũng không nỡ bỏ. Rồi nghĩ dông dài cuốn này cuốn kia không cần nữa, nhưng bất ngờ con bé hỏi có không ba, thì phải bình thản mà ừ ầm coi chỗ đó chỗ đó. Nhưng phải bỏ. Chịu khó ngó lại tên sách, không ít cuốn nhảm nhí như tấn tuồng chữ nghĩa lập danh ở đời. Nhớ câu kinh điển rằng cái còn lại là văn hóa. Nhìn đống sách bị dồn vào một góc, vào tay ai cũng kệ, mệt, sức mình cũng dở dở ương ương, lại vịn thơ Nguyễn Khuyến để chiêu tuyết cho hành động mất dạy của mình “sách vở ích gì cho buổi ấy”. Có người đến xin mang đi. Ok. Họ ra khỏi nhà, lòng trống trơn.
Đang vượt ngã tư, điện thoại réo. Tờ quảng cáo vô tình rơi. Hết điện thoại, tất nhiên không quay lại lượm và tất nhiên thấy mình mất dạy, rồi nhớ đống sách cũ, mặt mình bắt đầu méo.
TRUNG VIỆT