(QNO) - Do hệ thống miễn dịch suy yếu, những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm COVID-19 và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục cũng như có nguy cơ tử vong cao vì COVID-19. Dưới đây là những mẹo tự chăm sóc bản thân cho những bệnh nhân đái tháo đường trước đại dịch COVID-19.
Theo Tiến sĩ Kapil Agarwal, bác sĩ phẫu thuật tổng quát tại Apollo Spectra Delhi, Nehru Enclave, những người mắc bệnh tiểu đường và các bệnh từ trước khác như các vấn đề về tim có thể gặp phải các biến chứng sức khỏe gây tử vong nếu họ bị nhiễm COVID-19. Nhiều nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng bệnh nhân có thể mắc bệnh tiểu đường sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và thậm chí sau khi hồi phục.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy bệnh nhân tiểu đường nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Một số yếu tố như suy giảm phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm tăng cao và thậm chí tình trạng tăng đông máu là nguyên nhân làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Không chỉ vậy, các bệnh đi kèm có sẵn liên quan đến bệnh tiểu đường như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và bệnh thận mãn tính càng làm xấu thêm tiên lượng. Thậm chí hạ đường huyết có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường và tác động tiêu cực đến kết quả lâm sàng.
Tiến sĩ Agarwal đã khuyến nghị những người mắc bệnh tiểu đường phải tuân theo những biện pháp cần thiết trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp.
Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng
Cố gắng ăn uống một cách thận trọng và đảm bảo bạn bao gồm protein, chất béo tốt và vitamin trong chế độ ăn uống. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy tránh xa thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, calo và đường. Hãy ăn trái cây tươi, rau và các loại đậu. Nói không với đồ ăn vặt, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và các loại thực phẩm có chất phụ gia.
Tập thể dục hàng ngày
Hãy tập thể dục như đi bộ, thể dục nhịp điệu, yoga, plank, chống đẩy và kéo xà. Tham khảo sự tư vấn của bác sĩ của bạn về các bài tập mà bạn có thể thực hiện tại nhà. Nếu bạn đang làm việc tại nhà thì hãy thường xuyên vận động trong khi làm việc.
Lập kế hoạch và thời gian cho bữa ăn hợp lý
Bạn có thể lên kế hoạch cho bữa ăn của mình với sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng. Lập danh sách những thực phẩm bạn phải ăn và xóa khỏi chế độ ăn của mình. Tránh thức ăn có nhiều muối và calo. Có thể tiêu thụ một bát salad hoặc xúp để giúp bạn đối phó với tình trạng kháng insulin.
Đừng bỏ qua thuốc của bạn
Nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin từ trước, thì hãy thường xuyên dùng thuốc. Tránh ở gần người bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống COVID-19. Nhớ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội và thường xuyên vệ sinh tay. Bạn sẽ phải theo dõi bệnh tiểu đường của mình và giữ liên lạc với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự biến động nào về lượng đường trong máu hoặc những thay đổi trong cơ thể.
Tuân theo một thói quen ngủ thích hợp
Nghỉ ngơi có thể làm giảm cortisol (một loại hormone căng thẳng), nguyên nhân gián tiếp gây ra lượng đường trong máu cao. Ngủ tối thiểu 8 tiếng là điều cần thiết để mọi người luôn năng động và tràn đầy năng lượng.
Không căng thẳng
Bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách thiền và tập yoga. Hãy dành ra một chút thời gian chất lượng cho bản thân, đừng ngồi cô đơn và cố gắng hòa nhập với các thành viên khác trong gia đình.