Mệt mỏi trước hư danh

CHU THỤY 06/08/2016 06:51

Mỗi lần lướt qua giải thưởng văn nghệ nào đó hoặc đối diện sự ồn ào trong giới văn nghệ xung quanh chuyện thẩm định tác phẩm, tôi lại nhớ gương mặt “mệt mỏi trước hư danh” của nhạc sĩ Tinh Túy.

Thực ra Tinh Túy không hẳn là nhân vật. Ông là bạn học hồi lớp 7 của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ông chỉ trở thành nhân vật khi được Nguyễn Quang Lập viết và in trong cuốn tạp bút “Bạn văn 2” (NXB Hội Nhà văn – 2013) dưới cái tựa “Trọc phú”. Qua mô tả, trong đêm giới thiệu ca khúc của mình, nhạc sĩ Tinh Túy khiêm tốn bước ra sân khấu cúi chào với “vẻ mệt mỏi trước hư danh”. Bỏ học từ năm lớp 7, loanh quanh làm hậu đài cho một đoàn văn công kiểu kéo dây mắc đèn khuân bục, rồi nhờ rẻo đất vài ngàn mét ông giám đốc xí nghiệp đông lạnh hào phóng cho (nhưng đoàn văn công không ai chịu lấy) mà sau này Tinh Túy “trúng” lớn, trở thành tỷ phú. Thoắt cái, từ Tinh Túy đại gia chuyển sang Tinh Túy nhạc sĩ, dù chỉ viết phần lời còn người khác viết phần nhạc. Dụng tâm và… tốn tiền đến mức ấy, vậy mà Tinh Túy vẫn ra vẻ “mệt mỏi trước hư danh”, thì còn gì hài hước cho bằng!

Nhắc lại chút hư danh của nhạc sĩ Tinh Túy, nhân chuyện giới văn nghệ sĩ vừa rộ lên nhiều tranh luận liên quan đến giải thưởng. Ở tầm quốc gia, đó là thẩm định liên quan đến cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh, còn ở tầm khu vực là những tranh luận không chính thức xung quanh các giải thưởng về nhiếp ảnh.

Ở đây, tôi chỉ đề cập câu chuyện nóng bỏng nhất, khi cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bị trượt khỏi vòng 3 đề cử Giải thưởng Nhà nước. Hai vòng trước, “Nỗi buồn chiến tranh” đạt tỷ lệ rất cao, 100% ở tuyến cơ sở và 90% ở ủy ban chuyên ngành cấp bộ. Nhưng đến vòng 3 rớt xuống còn 76%, tức thiếu đến 14% so với quy định. Điều khá “thú vị” là trong 28 thành viên hội đồng bỏ phiếu vòng 3, chỉ có… 4 người hoạt động trong lĩnh vực văn chương gồm Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Hoàng Nhuận Cầm. Lá phiếu bầu của 24 người còn lại thực sự đã tạo ra “mức độ rủi ro” lớn cho đứa con tinh thần của Bảo Ninh, đến độ nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - lên tiếng đề nghị bỏ phiếu lại.

Xem ra “hậu vận” của “Nỗi buồn chiến tranh” chưa đoán định được. Nhưng mức độ quan tâm của dư luận sau sự cố về tỷ lệ phiếu bầu đã tạo sức ép lớn, thậm chí được xem là điềm lành cho giới văn nghệ, bởi nhiều người đồng loạt lên tiếng đòi “trả lại chỗ đứng” cho một tác phẩm bị lọt sổ qua một vòng bình chọn.

Nếu ai dõi theo “Nỗi buồn chiến tranh” hẳn còn nhớ tác phẩm này dù đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được dịch sang tiếng Anh, Ba Lan, Pháp… nhưng lúc trình làng đầu tiên (năm 1987) lại chỉ được biết đến dưới nhan đề “Thân phận của tình yêu”. Dù với nhan đề nào, tác phẩm cũng sớm tạo ra sự chú ý đặc biệt. Nhiều hội thảo mini mở ra để bình luận, phân tích, mổ xẻ về sự mới lạ trong cách tiếp cận đề tài – một đề tài vốn dĩ vẫn đang bị tránh né vào thời điểm đó: chiến tranh qua góc nhìn cá nhân, qua thân phận con người. Kỹ tính như nhà văn Nguyên Ngọc mà vẫn dành lời khen ngợi hết lời “đây là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới”.

Vậy giải thưởng “treo” trước cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, là hư danh hay hữu danh?

Sẽ là hư danh, nếu tác giả nháo nhào tìm kiếm sự ủng hộ qua các phiếu bầu, trong điều kiện tác phẩm hoàn toàn “mất tích” trên văn đàn. Đằng này thì ngược lại. Nhiều nhà báo còn kể khổ khi thời gian gần đây không biết tìm gặp Bảo Ninh ở đâu. Trên diễn đàn mạng, nhà văn Hồ Anh Thái bình luận rằng, một nhà văn chân chính viết văn không phải vì giải thưởng; có những người viết theo mục đích để “săn” giải thưởng nhưng chắc chắn trong trường hợp của Bảo Ninh viết văn là một nhu cầu tự thân. Thông qua chuyện xét giải cho tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Hồ Anh Thái kêu gọi cần phải có một hội đồng công tâm, trung thực và minh bạch… Mà không riêng gì nhà văn Hồ Anh Thái, dư luận hiện đang “soi” về mức độ chính xác trong từng lá phiếu, khi có đến 24/28 thành viên hội đồng không hoạt động trong lĩnh vực văn chương!

Sự quan tâm về một vòng bỏ phiếu cho một tác phẩm cụ thể, ở đây là trường hợp cụ thể của “Nỗi buồn chiến tranh”, đã hé lộ thân phận của những giải thưởng trước đó. Không chỉ có “Thân phận của tình yêu” (tên gọi khác của “Nỗi buồn chiến tranh”) rơi vào vòng xoáy cân đong đo đếm về tỷ lệ phiếu bầu, mà chính các giải thưởng cũng cần soi rọi lại thân phận. Chỉ 4 thành viên hội đồng hoạt động trên lĩnh vực văn chương có đủ thẩm quyền để bầu chọn cho một cuốn tiểu thuyết, vậy mà quy chế đưa ra phải cần đến số phiếu đạt tỷ lệ 90%, thì những lần bỏ phiếu chọn liệu có chính xác?

Đã có nhiều dẫn chứng về chuyện giới văn nghệ sĩ chuộng hư danh, suốt ngày cứ chăm chăm tìm cách đánh bóng tên tuổi nhưng lại vờ vịt mang khuôn mặt “mệt mỏi trước hư danh”, như gã trọc phú trong tác phẩm của Nguyễn Quang Lập. Nhưng cũng có lắm chuyện phiền toái khác, các tác phẩm xứng tầm lại phải lụy bởi những lá phiếu. Làm sao để trả cái “danh” về đúng vị trí của nó, một khi lĩnh vực văn nghệ luôn đầy rẫy chuyện yêu ghét và cảm tính?

CHU THỤY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mệt mỏi trước hư danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO