Những hẻm gió thiên tạo hay đài đón gió nhân tạo dựng lên đâu đó dọc biển miền Trung không chỉ để nghe tiếng gió, mà đôi khi còn đo đếm cảm xúc và gợi mở về phận người trước gió…
1. “Hôm nay trời ngưng gió. Bình thường, cứ vào buổi chiều như thế này, anh sẽ nghe tiếng gió hú và cảm nhận được luồng gió rất mạnh thổi dọc theo con hẻm này”. Một người bạn mới quen ở thành phố biển Quy Nhơn thủ thỉ khi đang cùng tôi rời Eo Gió.
Thoạt đầu, tôi đến địa danh quen thuộc ở xã đảo Nhơn Lý này chỉ để check-in như bao du khách dừng chân Quy Nhơn. Nhưng chút tiếc nuối thoáng qua của người bạn đã nhắc tôi nhớ lại những vết xước trên mỏm đá ở nơi “có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam” như nhiều du khách hào phóng khen tặng.
Nhìn từ xa, thấy rõ hình chiếc yên ngựa giữa hai mỏm núi cao kề bên biển. Nhìn từ trên cao, lại giống chiếc phễu. Nên dễ hiểu vì sao rãnh núi này mang tên “Eo Gió”, luôn hứng luồng gió rất mạnh từ biển...
Hơn cả sự tình cờ, hai điểm mà tôi dừng chân ven bờ biển trong chuyến ngang qua các tỉnh Nam Trung Bộ những ngày nắng gắt cuối tháng 9 đều là “đài đón gió”, mà Eo Gió là điểm dừng chân đầu tiên.
Điểm đầu tiên do thiên nhiên tác tạo, còn điểm kế tiếp - tháp Nghinh phong ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên) - lại do con người dựng nên. Ai đến đây cũng dễ nhận ra bóng dáng ghềnh Đá Đĩa trong cảm hứng thiết kế tháp Nghinh phong, lại được khéo léo dẫn chuyện bằng truyền thuyết quen thuộc “Trăm trứng nở trăm con”.
Hai cột đá cao chính giữa mang hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dưới chân mỗi tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau, ngụ ý về 50 người con theo cha xuống biển, theo mẹ lên rừng. Giữa hai cột đá cao ấy, có một lối đi hẹp chỉ vừa cho 2 người.
Nghinh phong, là đón gió. Khách xa đến đây luôn thử bước chậm theo lối đi giữa 2 cột tháp để cảm nhận thanh âm trong trẻo tạo ra từ tiếng gió thổi qua khe đá, với giai điệu du dương không trùng lặp…
Trên lối đi ở tháp Nghinh phong, tôi thoáng nghĩ về một mũi đất cũng mang tên “đón gió” phía nam bán đảo Vũng Tàu. Và tâm tư vẫn chưa dứt khỏi hình ảnh pho tượng Phật bà Quan Âm ở xã đảo Nhơn Lý nằm dưới đỉnh Eo Gió ngoài Quy Nhơn. Thiện nam tín nữ vẫn tin rằng, từ pho tượng ấy, có ánh mắt thiện lành đang dõi theo và phù hộ độ trì cho bà con ngư dân ngoài khơi.
2. Làm sao kể cho hết những miền đất hứng gió dọc theo dải đất liền hình chữ S , dải đất “nằm phơi phới bên bờ biển xanh” như nhạc sĩ Phạm Duy từng tưởng tượng.
Dọc biển, cư dân thường đặt tên cho những nơi có dãy núi cánh cung, hõm xuống, giống yên ngựa, hứng gió là Eo Gió. Như ở hòn Lao của Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay ngoài đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mà đâu phải chỉ phía biển mới có “eo biển hút gió”. Thử ngược lên vùng trung du xứ Quảng mà xem. Có một Eo Gió trên tuyến ĐT 615, khi bạn từ phía Kỳ Lý đi đường bộ ngang qua đỉnh đèo về phía Tiên Phước… Vào mé Quảng Ngãi, thậm chí có cả đèo lẫn núi mang tên Eo Gió.
Ngược về quá khứ, địa danh “Eo Gió” còn thấy ký chú trên bản đồ dẹp yên miền Nam năm Giáp Ngọ 1774 (Giáp Ngọ niên bình Nam đồ) do Đoan quận công Bùi Thế Đạt (1704 - 1778) vẽ trong chiến dịch quân Trịnh tiến đánh chúa Nguyễn, vẽ từ Đồng Hới vào đến biên giới Cao Miên.
“Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” gồm 14 bức, là một phần của “Hồng Đức bản đồ”. Dò theo địa danh trên một trang bản đồ, thấy ghi rõ Chiêm Thành tổ mộ (mộ tổ của vua Chiêm Thành), Hiền mẫu tổ mộ (mộ bà nội chúa Hiền, tức bà Đoàn quý phi), Đại Chiêm môn (cửa Đại), Điện Bàn phủ trị, Đà Nông hải môn (cửa biển Đà Nẵng)… Và trong số những địa danh quen thuộc của xứ Quảng đó, bất ngờ thấy có cả cụm “Eo Gió - Tân Mỹ xã - Phúc Minh xã - Hàn thị”.
Sau này, có nhà nghiên cứu khảo sát thực tế tại Eo Gió và căn cứ Hồng Đức bản đồ đã nhận ra “Eo Gió” là một vị trí chiến lược về quân sự cổ, nằm trên con đường thượng đạo xưa.
3. Đầu tuần này, khi đọc bản tin các tàu cứu nạn của lực lượng hải quân, cảnh sát biển chính thức kết thúc đợt tìm kiếm 13 ngư dân Quảng Nam gặp nạn ngoài khơi Trường Sa, nỗi buồn tự dưng dâng ngập trong tôi.
Ngay từ khi cơn lốc xoáy nhấn chìm 2 tàu câu mực khoảng 1 tuần trước đó ở vùng biển cách Eo Gió (Quy Nhơn) 240 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, nỗi lo lắng đã chập chờn. Giờ thì họ vẫn mất hút đâu đó dưới đáy biển sâu nghìn thước, quê nhà vừa có thêm những hòn vọng phu, hồn treo cột buồm…
Nhớ lại thảm nạn bão Chanchu năm 2006, trong vai một người đưa tin, tôi lui tới vùng biển Bình Minh (Thăng Bình) nhiều lần. Dạo đấy, cơn cuồng phong quét ngoài khơi xa, nhưng phía trong bờ có không biết bao nhiêu vết thương mưng mủ... Đúng 10 năm sau, tôi quay lại vùng cát bỏng ấy.
Nỗi đau ít nhiều nguôi ngoai. Tiếng cười cũng có vẻ trong trẻo hơn. Vài ba cháu bé mồ côi cha đã vụt lớn thành thiếu nữ. Buổi trưa nắng gắt theo một ngư dân ra trảng cát thắp nén hương ở cụm mộ gió, tôi nghe tiếng thì thầm của gió biển như vỗ về trên những ngọn phi lao… Phải rồi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
Tự dưng nhớ đến một “đồi gió hú” trong văn chương nước Anh, để gọi tên cho những “miền gió hú” dọc dài miền Trung. Vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire được nữ nhà văn Emily Brontë chọn làm không gian để độc giả bước vào tiểu thuyết và bà dành những trang đầu để giúp bạn đọc hình dung về ngọn đồi Wuthering Heights (Đồi gió hú).
“Wuthering là một tính ngữ tỉnh lẻ giàu ý nghĩa, nó mô tả sự náo động của khí quyển bủa vây vị trí ngôi nhà khi trời dông bão”, nơi ở của nhân vật Heathcliff được “vẽ” bằng gió như thế, qua lối chuyển ngữ của dịch giả Dương Tường. Nhưng nữ nhà văn Emily Brontë kịp trấn an độc giả khi viết tiếp, rằng những ngọn gió náo động ấy là ngọn gió trong lành, ở trên này lúc nào cũng có, ta có thể đoán được sức gió bắc thổi vượt qua bìa đồi mạnh như thế nào thông qua độ cong oằn của những vạt cây…
*
* *
Không phải lúc nào cũng đón được những “ngọn gió trong lành” như ở Yorkshire. Người miền gió hú dọc miền Trung bao đời nay cứ nghe tiếng gió, đón gió, cậy nhờ gió, vui với gió và lắm phen ngã quỵ cùng gió.
Có những luồng gió tưởng đang thổi đâu đó rất xa, nhưng vẫn đủ cứa vào lòng người những vết xước, dai dẳng.