Nằm phía tây Khu đền tháp Mỹ Sơn, đập Thạch Bàn (Duy Phú, Duy Xuyên) được người Pháp xây dựng trong những năm 30 của thế kỷ trước nhằm chặn dòng nước từ các con suối trên đỉnh Hòn Đền đổ về, nơi được xem là chốn trú ngụ của các vị thần linh cai quản Mỹ Sơn.
Hoang sơ Thạch Bàn. Ảnh: KHÁNH LINH |
Theo lời những bô lão quanh vùng kể lại, xuất xứ của tên Thạch Bàn là cách gọi một loại đá có dạng chiếc bàn vuông, tồn tại rất nhiều ở những ngọn đồi thấp - nơi mà ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn bắt gặp. Để đắp đập người Pháp chủ yếu dùng phương pháp thủ công và được giám sát kỹ lưỡng. Có lẽ vì vậy mà trải qua gần trăm năm đập Thạch Bàn vẫn vững chắc như bức tường thành. Dù thời gian đã trôi xa, nhưng câu chuyện ma mị gắn với những đàn heo, đàn gà vàng Hời chạy sáng rực dưới trăng hay những tượng thần, phiến đá tạo hình nằm rơi vãi vẫn còn truyền tụng về dấu vết của một nền văn hóa xưa cũ.
Đặc biệt, không giống các hồ nước khác, hồ Thạch Bàn dường như rất ít khô cạn do nguồn nước chủ yếu lấy từ các con suối chảy ra tận chốn rừng sâu và trên đỉnh núi thiêng Hòn Đền, tựa như sự hiện diện bất tử của các vị thần để bảo vệ Mỹ Sơn vĩnh cửu. Vào những lúc nước tràn đầy nhìn từ xa lòng hồ mênh mông trải dài như bất tận với hàng chục cồn, đảo cây rừng xanh ngát càng tô điểm thêm nét hoang sơ. Khung cảnh càng hoang liêu hơn khi hoàng hôn buông xuống phủ thẫm vàng lên những đảo Mồ Côi, Bình Phong… trong tiếng chuông chùa An Hòa ngân nga gợi bao cảm xúc mơ hồ trong lòng lữ khách về một thời đã qua với những thịnh suy được mất…
Ngày nay, hồ Thạch Bàn với dung tích hơn 9,5 triệu mét khối nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất của người dân các vùng phía tây Duy Xuyên. Ngoài chức năng cung cấp nước tưới cho đất lúa 3 xã Duy Thu, Duy Phú và Duy Tân, hồ còn có tác dụng phòng lũ, giảm thiên tai và tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Đặc biệt, để khai phá tiềm năng du lịch, thời gian qua nhiều dự án du lịch đã được triển khai khảo sát thăm dò nhằm kết nối Mỹ Sơn với Thạch Bàn, mới đây nhất là dự án du lịch cộng đồng Mỹ Sơn với tour đi thuyền khám phá lòng hồ, viếng chùa An Hòa trải nghiệm du lịch sinh thái bên ngoài di sản. Và, ai đó đã từng nói, đến Mỹ Sơn không chỉ thăm đền tháp mà còn là chốn để chiêm nghiệm về những điều huyền bí. Ngoài đỉnh Hòn Đền vẫn nghìn năm mây phủ, là kỳ bí Ao Vuông gắn với câu chuyện xây tháp của người Chăm xưa. Chợt nhận ra, Mỹ Sơn vẫn còn bao điều bí ẩn. Và với những khách lãng du, một không gian bên ngoài di sản đã mở ra để đón nhận những ai thích quay về với thiên nhiên, hay tìm về quá khứ.
KHÁNH LINH