Miền núi chờ sự đổi thay

TRỊNH DŨNG 18/04/2017 08:51

Thiếu nguồn lực, thiếu tích lũy nội tại và thiếu sản phẩm là những lực cản chủ yếu khiến miền núi chậm phát triển. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4 (tổ chức vào ngày 18&19.4), chuyện phát triển kinh tế - xã hội miền núi sẽ được đem ra luận bàn và thống nhất xây dựng một cơ chế mới phù hợp hơn để tạo động lực mạnh mẽ cho vùng tây.

Sắp xếp dân cư là nội dung cần tiến hành để phát triển kinh tế - xã hội miền núi.Ảnh: T.D
Sắp xếp dân cư là nội dung cần tiến hành để phát triển kinh tế - xã hội miền núi.Ảnh: T.D

Nền móng phát triển

Phát triển kinh tế - xã hội miền núi luôn được quan tâm trong chiến lược phát triển của Quảng Nam. Con số 20.900 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bao gồm 30% vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước (6.102 tỷ đồng) đầu tư cho 9 huyện miền núi giai đoạn 2013 - 2016 thông qua các chương trình, dự án theo Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND đã tạo nền móng cơ bản cho kinh tế - xã hội phía tây phát triển, giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ. Sự đầu tư này đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân. Thu nhập bình quân đầu người của các huyện miền núi trong tỉnh giai đoạn 2013 - 2016 duy trì mức tăng hằng năm khoảng 11,4%, tỷ lệ hộ nghèo từ 49,7% đã giảm xuống còn 34,9% (giảm 5,57%/năm). Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư ấy vẫn chưa thể tạo nên động lực mạnh mẽ cho miền núi, khi nền sản xuất vẫn lạc hậu, chất lượng lao động kém, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, trình độ dân trí thấp, khó chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH-ĐT, so với năm 2012, cơ cấu kinh tế miền núi vẫn chưa có sự chuyển dịch rõ nét. Kinh tế có mức tăng trưởng nhưng quy mô vẫn còn rất nhỏ. Đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài. Khả năng tự tích lũy và tái đầu tư phát triển của khu vực rất khó khăn. Tổng thu nội địa năm 2016 do 9 huyện quản lý thu chỉ khoảng 895 tỷ đồng. Nguồn thu này chỉ chiếm 6,5% so với thu nội địa toàn tỉnh và mới chỉ đạt 50% yêu cầu chi thường xuyên. Sau 3 năm, chỉ có 11/19 chỉ tiêu theo nghị quyết đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo là 2 chỉ tiêu quan trọng có tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chính điều này đã phản ánh mức sống người dân được nâng lên đáng kể. Hiện 8 chỉ tiêu còn lại tuy có tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu (số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ đạt chuẩn văn hóa, sử dụng nước hợp vệ sinh, chợ, lao động qua đào tạo, số xã đạt nông thôn mới, sản lượng lương thực bình quân đầu người, tỷ lệ hộ sử dụng điện). Theo ông Lê Phước Hoài Bảo chính điều kiện tự nhiên phức tạp, điểm xuất phát thấp hoặc do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư có hạn, chưa tập trung mạnh cho sản xuất… đã trở thành lực cản khiến độ chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền núi - đồng bằng ngày càng bị kéo dãn ra.

Chờ hiệu lực từ một đề án

Theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trong phiên họp bàn về một đề án phát triển kinh tế miền núi giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025, sẽ không còn cơ chế xin - cho, xây dựng một đề án mở, tạo điều kiện cho các địa phương tự quyết. Vấn đề cần tiếp tục luận bàn chính là mục tiêu nào thiết thực thì tiến hành. Cái gì không hợp lý thì dừng. Sẽ có một nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ông Lê Phước Hoài Bảo cho rằng đề án chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi lại được thiết lập. So với Nghị quyết 55, đề án này sẽ tiếp tục thực hiện 12 chỉ tiêu (điều chỉnh tăng 2 chỉ tiêu và giảm 3 chỉ tiêu), cắt giảm 7 chỉ tiêu, không đưa vào nghị quyết và bổ sung 4 chỉ tiêu mới. Tổng vốn đầu tư để hoàn thành 16 chỉ tiêu của miền núi giai đoạn 2017 - 2020 là 9.535 tỷ đồng. Toàn bộ vốn này sẽ dành đầu tư giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp điện, nước sinh hoạt, văn hóa, thể thao, phát thanh truyền hình, khai hoang, cụm công nghiệp, làng nghề, sắp xếp bố trí dân cư và các công trình khác.

Theo kế hoạch, sẽ ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ công tác sắp xếp, bố trí dân cư, ổn định sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân cư các vùng thiên tai, khó khăn. Hàng năm sẽ bố trí 10 tỷ đồng/huyện cho Tiên Phước và Tây Giang phát triển mô hình cụ thể, hỗ trợ đầu tư theo các nhóm dự án phát triển vùng tây, ưu tiên lồng ghép vốn với các chương trình, nghị quyết khác trên địa bàn. Một điều khá đặc biệt là với đề án này, UBND cấp huyện có quyền lựa chọn dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu, nhu cầu thực tế địa phương trên cơ sở thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn của tỉnh. Người dân sẽ là chủ thể thực hiện các dự án hạ tầng thiết yếu tại cộng đồng do mình được hưởng lợi nhằm tạo cơ hội việc làm để tăng thu nhập, tăng trách nhiệm người dân trong việc giữ gìn, phát huy hiệu quả sau đầu tư, ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư tự triển khai thực hiện. Những dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, cộng đồng dân cư không có khả năng tự thực hiện thì sẽ triển khai thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư hiện hành. Trước khi UBND cấp huyện phê duyệt dự án/báo cáo kinh tế kỹ thuật phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong bước thẩm định nguồn vốn.

Những dự án sắp xếp, bố trí dân cư sẽ theo hướng xen ghép chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định cư dân tại chỗ. Những hộ di dân xen ghép, tổ chức để các hộ tự san nền, làm nhà. Những nơi không thể bố trí xen ghép thì nghiên cứu xây dựng điểm di dân tập trung. UBND huyện phải giải trình cụ thể tính hiệu quả dự án. Cần ưu tiên tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất việc san ủi tập trung làm thay đổi kết cấu địa chất, gây nguy cơ sạt lở, tăng cường san ủi cục bộ và giao cho các hộ dân tự tổ chức. Tùy theo quỹ đất, việc bố trí tái định cư cho đồng bào tối thiểu 200m2/hộ nhằm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt thiết yếu phù hợp với phong tục tập quán của dân địa phương và bảo đảm quỹ đất dự phòng đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. “Người dân có quyền được an cư, giảm nghèo, lạc nghiệp. Tùy theo thế mạnh mỗi địa phương, có thể xây dựng các mô hình kinh tế, văn hóa tinh thần cốt lõi trên nền tảng tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, dự kiến khả năng đáp ứng nguồn lực theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 chỉ khoảng 7.200 tỷ đồng” - ông Bảo nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miền núi chờ sự đổi thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO