Theo báo cáo mới đây của các địa phương miền núi, nhiều chương trình, chính sách ưu đãi đã giúp đồng bào vùng cao có thêm cơ hội thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc chọn phương thức phù hợp để đầu tư cho miền núi vẫn còn không ít trăn trở.
Một góc xã nông thôn mới A Nông (Tây Giang). Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Ổn định và phát triển
Phát triển cơ sở hạ tầng và tập trung hỗ trợ phương tiện làm ăn (công cụ sản xuất, cây, con giống…) là phương thức đầu tư đã giúp nhân dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có được cơ sở ban đầu để phát triển sản xuất và thoát nghèo. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Từ nguồn vốn được phân bổ năm 2012 cho 10 xã vùng dự án là 2.650 triệu đồng, UBND huyện đã mua cây, con giống và dụng cụ sản xuất cấp phát cho 1.676 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong năm 2012, thông qua hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, nhân dân ở địa phương này có thêm nhiều cơ hội phát triển sản xuất, tăng thu nhập từng bước cải thiện và nâng cao đời sống về mọi mặt. Theo đó, thu nhập, bình quân đầu người năm 2012 ở Bắc Trà My hơn 5,1 triệu đồng/người, tăng 450 nghìn so với năm 2011.
Ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhìn nhận, năm 2012 là năm mà các huyện miền núi có sự đi lên đáng khích lệ về kinh tế. Kinh tế lâm nghiệp, kinh tế vườn, kinh tế trang trại chuyển biến tích cực, dần đi vào sản xuất hàng hóa. “Năm qua, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 11.300ha bằng 102,7% so với năm trước. Các đơn vị, địa phương đã trồng mới 1.200ha cây cao su, nâng diện tích trồng trên 9.200ha. Trong đó diện tích đang khai thác mủ trên 2.270ha với sản lượng mủ ước đạt trên 2.575 tấn, tập trung ở các huyện như Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang… Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 221.000m3, tăng 7,44% so với năm 2011”. Cũng theo ông Tưởng, điều đáng mừng là trong bối cảnh tình tình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm; hàng trăm công trình được đầu tư xây dựng (tập trung vào các công trình giao thông, thủy lợi, trường học…) Nhờ vậy, bộ mặt nhiều xã vùng miền núi đã thay đổi, khang trang hẳn lên. Chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, việc thông thương, giao lưu thuận tiện giúp họ có thêm nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, làm ăn.
Cần giải quyết sớm tồn tại
Lãnh đạo một số địa phương miền núi cho rằng, hiện nay định mức đầu tư cho vùng cao còn thấp, nguồn vốn đầu tư chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên không thể đảm bảo thực hiện các nhu cầu theo đề án phê duyệt. Theo ông Nguyễn Đình Thông - Phó phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My, nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng trên địa bàn mới đạt mức xấp xỉ 60% so với tổng mức được phê duyệt. Cùng quan điểm này ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, chính vì hạn chế về vốn nên kết cấu hạ tầng miền núi chưa được đầu tư, nhất là về giao thông, điện, nước sinh hoạt.
Dù đã nỗ lực trong thực hiện các chương trình, chính sách với đồng bào dân tộc và vùng miền núi nhưng do nhiều hạn chế khách quan và chủ quan đã chưa tạo cho miền núi một sự đột phá lớn. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chia sẻ: “Nhiều địa phương cảm thấy khó khăn, lúng túng khi thực hiện các chế độ, chính sách, dự án cho đồng bào dân tộc, vùng miền núi vì họ cho rằng có nhiều hộ đồng bào còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, đội ngũ cán bộ hành chính cấp xã còn hạn chế về năng lực”. Theo ông Đức, các địa phương phải bám sát hơn với địa bàn, biết linh hoạt trong cách vận động, tuyên truyền, giáo dục để bà con không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ xã. Ông Đức cũng cho biết, về vấn đề khung đào tạo thuộc Chương trình 135 đã cũ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh sẽ tiếp thu và tham mưu với cấp trên kiến nghị thay đổi cho phù hợp hơn. “Các địa phương phải quan tâm, xây dựng các mô hình sản xuất mang đặc thù cho từng vùng, làm sao để bà con đồng bào nhân mô hình ra sản xuất thật phù hợp và tạo thế mạnh. Xóa bỏ những tồn tại, bất cập trong công tác thực hiện các chương trình, chính sách cho đồng bào dân tộc, vùng miền núi là cách hỗ trợ hữu hiệu để các huyện miền núi rút ngắn khoảng cách với các huyện đồng bằng. Đồng bào các dân tộc thiểu số đang chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện của đảng bộ, chính quyền của các huyện để các chương trình, chính sách được phát huy tối đa hiệu quả, giúp họ thoát nghèo, nâng tầm chất lượng đời sống trên mọi mặt” - ông Đức nói.
D.HOÀNG - Đ.ĐẠO