Miền núi & cuộc chuyển xoay từ rừng

HỮU PHÚC 01/01/2016 08:58

Rừng như “lá phổi” quyết định sự sống còn của miền núi, bởi vậy, Nhà nước mới có hàng loạt chính sách cải cách quản lý lâm nghiệp và đất đai để giúp người dân “lấy rừng nuôi rừng”. Và cũng chính từ rừng, bức tranh miền núi đang hé lộ gam màu tươi sáng cho sự bứt phá đi lên của đồng bào dân tộc thiểu số trên hành trình giảm nghèo.

Quyền làm chủ rừng của cộng đồng dân cư miền núi từng bước được xác lập. Cùng với các chính sách, quy định của pháp luật, luật tục giữ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã có tác động tích cực đến phát triển rừng bền vững.

Từ năm 2011 đến nay, với sự tài trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Trung tâm Sáng kiến và phát triển cộng đồng (C&E)  thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện dự án “Quản lý bền vững rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực để sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên”. Thông qua dự án với sự kế thừa luật tục giữ rừng, cộng đồng dân cư ở địa phương được hỗ trợ, tiếp cận các hình thức quản lý, sử dụng rừng thân thiện và có trách nhiệm hơn với môi trường.

Đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu xã A Xan (Tây Giang) dự buổi phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng. Ảnh: H.P
Đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu xã A Xan (Tây Giang) dự buổi phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng. Ảnh: H.P

Gìn giữ luật tục

Giai đoạn 2004 - 2006, 8 huyện miền núi là Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My đều thực hiện giao đất, khoán rừng cho cộng đồng dân cư với tổng diện tích hơn 160.540ha. Sau khi được giao rừng, cộng đồng đã xây dựng hương ước, quy chế làm cơ sở cho quản lý rừng đi vào nền nếp. Thêm vào đó, Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, do địa hình miền núi cao có nhiều đồi dốc chia cắt, phần lớn diện tích xa dân cư, việc giao đất, khoán rừng trên thực địa hoặc đánh giá trữ lượng rừng gặp trở ngại. Trong hồ sơ giao đất lâm nghiệp, mới chỉ có thông tin liên quan về đất đai, chưa thể hiện hiện trạng rừng và quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy trên diện tích đất rừng đã giao cho cộng đồng quản lý vẫn còn xảy ra. Khi các dự án, chương trình tài trợ kết thúc, mô hình giữ rừng thí điểm đã không phát huy hiệu quả. Vì vậy, việc áp dụng các luật tục giữ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số có tác động tích cực đến việc quản lý, bảo vệ sau giao đất giao rừng.

Một nhóm hộ nhận rừng giao khoán ở Đông Giang. Ảnh: H.P
Một nhóm hộ nhận rừng giao khoán ở Đông Giang. Ảnh: H.P

Đồng bào Giẻ Triêng, Co, Xê Đăng quy định khu vực thuộc sở hữu cá nhân, hoặc cộng đồng làng bằng cách làm dấu (khem). Dấu xuất hiện trên những gốc cây lớn, tảng đá to hoặc ranh giới giữa các dòng sông hay khe suối. Người Xê Đăng nghiêm cấm phát nương làm rẫy; chặt cây đốt rừng tại các khu rừng thiêng chôn cất người chết. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt trâu, heo để cúng trời nên nhà nhà đều dạy cháu con tuân thủ các tập tục của làng, xã. Trong khi đó, người Cơ Tu rất coi trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, cây cổ thụ rừng già, bên bờ suối, bởi họ ý thức mất rừng sẽ kéo theo hệ lụy nguồn nước bị cạn kiệt. Luật bất thành văn là nếu ai vi phạm, ngoài nộp phạt trâu, heo, gà cho làng, còn phải trồng lại tương ứng số cây bị triệt hạ. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường hay áp dụng các luật tục và các phong tục, tập quán vào việc quản lý, bảo vệ rừng. Phần lớn cộng đồng quản lý, bảo vệ đất rừng để duy trì không gian tín ngưỡng và quỹ tài nguyên cho sinh kế. “Chính từ quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng kết hợp với các tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng khai thác lâm, khoáng sản trái phép trên diện tích rừng giao khoán giảm đáng kể, nâng cao độ che phủ rừng” - bà Thủy cho biết.

Nâng cao hiểu biết pháp luật

Từ chính sách hưởng lợi bảo vệ rừng, đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn để nâng cao hiểu biết pháp luật. Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định quyền của cộng đồng dân cư thôn được giao rừng bao gồm được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng vào mục đích công cộng và gia dụng cho thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, vai trò cộng đồng trong hệ thống tổ chức quản lý rừng ở miền núi chưa rõ. Về mặt pháp lý, Nhà nước vẫn chưa thừa nhận quyền sử dụng đất và quyền hưởng lợi, đặc biệt là các sản phẩm của rừng cộng đồng khi lưu thông và tiêu thụ, chưa có hướng dẫn xác nhận nguồn gốc hợp pháp. Cạnh đó, phát triển rừng cộng đồng gặp trở ngại lớn khi ranh giới rừng theo truyền thống của đồng bào bị phá vỡ và chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Trước đây theo ranh giới của khe suối, dòng sông, tảng đá được đánh dấu thuộc khu rừng của làng xã này, nay được Nhà nước giao cho làng xã khác. Theo quy định, cộng đồng và hộ gia đình có quyền xử phạt đối với trường hợp xâm hại khu rừng đã giao cho mình nhưng thực tế không phát huy được quyền hạn.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm C&E gần đây, cho thấy sự tham gia của người dân trong giao đất giao rừng đa số dừng lại ở mức được tham gia họp dân phổ biến chính sách này. Hầu hết việc đo đạc trên thực địa đều do cán bộ chuyên môn thực hiện, người dân không hề tham gia. Theo bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm C&E, thông qua các mô hình quản lý bền vững rừng tự nhiên, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân liên quan đến các chính sách lâm nghiệp cộng đồng của Nhà nước. Hơn ai hết, họ chủ động tìm hiểu thông tin, tiếp cận với các bên liên quan, nắm bắt quyền lợi và trách nhiệm với rừng được Nhà nước giao. Từ đó, đồng bào nâng cao năng lực và nhận thức thông qua tham gia các buổi tập huấn, đối thoại chính sách, tham quan học tập mô hình hay dự các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng. Bởi vậy, chính sách giao đất khoán rừng cần tiếp tục đẩy mạnh, trồng rừng có hiệu quả để tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân.

Sinh kế bền vững

Có nguồn tiền hỗ trợ từ việc tham gia bảo vệ rừng, đồng bào dân tộc thiểu số đã liên kết làm ăn, nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhờ đó mà giảm nghèo nhanh.

Sinh kế thay thế

Những năm qua, Tổ chức Malteser International - MI (tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế với sứ mạng cung cấp viện trợ khẩn cấp cũng như thực hiện các biện pháp phục hồi, đồng thời tạo điều kiện cho sự gắn kết giữa viện trợ khẩn cấp và phát triển bền vững), Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam đã triển khai dự án “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng tài nguyên rừng bền vững tại huyện Tây Giang” do Bộ Hợp tác phát triển Đức tài trợ. Dự án giảm thiểu tình trạng đốt phá rừng và suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên ở huyện Tây Giang bằng cách trao quyền và tăng cường năng lực cho người dân trong bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng. Chính quyền địa phương giúp người dân thoát nghèo bằng cách xây dựng các mô hình trình diễn cùng sự đầu tư con vật nuôi, cây giống và vật tư. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại không như mong muốn, do nguồn lực nhân dân có hạn nên khả năng nhân rộng thấp. Theo Trung tâm C&E, 2 năm (2013 - 2014) có 333 hộ trên địa bàn huyện được hỗ trợ nuôi bò, heo, dê, gà, cá... Mỗi hộ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng quan trọng giúp đồng bào tự phát triển các khả năng sinh kế thay thế. Cách tiếp cận của dự án là để người dân tự bàn bạc, lựa chọn hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện sẵn có, viết đề xuất và tổ chức thực hiện. Chính quyền chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ và giám sát. Thông qua các câu lạc bộ có nhóm sở thích chăn nuôi khác nhau, đồng bào đã thay đổi tập quán sản xuất. Trước đây người chăn nuôi không xây chuồng trại, không tiêm phòng dịch bệnh thì nay có hơn 95% số hộ xây chuồng trại theo hướng dẫn nên đàn gia súc gia cầm tăng nhanh về lượng lẫn chất.

Từ chính sách phát triển rừng, đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tìm sinh kế thay thế.
Từ chính sách phát triển rừng, đồng bào dân tộc thiểu số đã tự tìm sinh kế thay thế.

Nhóm 9 hộ thích nuôi gà thôn Tà Vàng (xã A Tiêng - Tây Giang) nuôi gà tăng trọng từ 0,2kg lên hơn 1,5kg/con, thu nhập trên 3,5 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Còn bà Arất Thị Hương ở nhóm nuôi cá thôn T’ghêy (xã A Vương - Đông Giang) nói: “Trước mình không biết mua giống cá và thức ăn ở đâu. Giờ tham gia dự án mình đã biết nơi mua giống, thức ăn nuôi cá, biết chọn giống cá tốt nên sau khi thu hoạch, mình đã mua 600 con cá giống và 60kg thức ăn công nghiệp để nuôi tiếp”. Người chăn nuôi tiếp cận được với thị trường đầu vào, biết cách bán sản phẩm đã nuôi với giá hợp lý qua cân nặng thay cho đổi chác theo thói quen truyền thống. Tây Giang là huyện nghèo nên có các Chương trình 30a, 135 đầu tư. Tuy nhiên, mỗi dự án có kênh tiếp cận khác nhau, ví như Chương trình 30a do Phòng LĐ-TB&XH quản lý, trong khi Chương trình 135 lại giao Phòng NN&PTNT thực hiện. Điều này dẫn đến chồng chéo trong cách tiếp cận và hưởng lợi. Nguồn lực của Nhà nước lâu nay chủ yếu đầu tư con giống, vật tư mà thiếu sự giám sát, hỗ trợ sau chuyển giao nên hiệu quả thấp. Từ thực tế này, Tổ chức MI ưu tiên xây dựng năng lực cho người dân, hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động giám sát trong và sau chuyển giao con giống. Bà Hoàng Thanh Tâm khẳng định, cái đích phát triển bền vững ở miền núi là giúp người dân tự phát triển sinh kế thay thế ổn định.

Gầy dựng thương hiệu bản địa

Các dự án phát triển kinh tế gắn liền với phục hồi rừng ở vùng cao đã đánh thức sự “ngủ quên” quá lâu ở nhiều bản làng. Thương hiệu sản phẩm địa phương bước đầu khẳng định từ chính sách khuyến khích bảo tồn và sử dụng tài nguyên rừng bền vững. Tại các huyện vùng cao Tây Giang, Đông Giang, các lâm sản ngoài gỗ như ba kích, mây, măng... thời gian qua bị khai thác triệt để, bán thô hoặc sơ chế nên giá trị thấp. Hệ lụy là mất cân đối hệ sinh thái, kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi, lở đất... Tại huyện Tây Giang, từ dự án “Phát triển kinh tế bền vững gắn kết với phục hồi rừng” do Tổ chức MI tài trợ, người dân bản địa đã gầy dựng và từng bước đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mang đặc trưng địa phương. Một số sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu ba kích, trồng mây dưới tán rừng... bước đầu tạo ra giá trị kinh tế khá lớn cho người dân. Hiện nay, rượu ba kích Tây Giang đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đăng ký thương hiệu. Sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại một số hội chợ và bán khá chạy trên thị trường. Sản phẩm mây tre đan ở Tây Giang còn tham gia tại hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam năm 2014 tại TP.Hồ Chí Minh. Thêm nữa, các sản phẩm dệt thổ cẩm đã sản xuất thử nghiệm 29 mẫu trang sức...

Một số huyện miền núi cũng đã bắt đầu khôi phục nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu. Tại huyện Nam Giang, từ năm 2008, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) của Nhật Bản tài trợ kinh phí thực hiện dự án “Phát triển cộng đồng” tại thôn Zơra, xã Ta Bhing mang lại kết quả ngoài mong đợi. Sản phẩm dệt làm ra không chỉ đơn thuần là tấm khố, áo, khăn đội đầu mà chủng loại đa dạng hơn như túi xách, áo, tranh treo tường... Với hơn 30 mẫu mã hàng lưu niệm khác nhau xuất hiện trên thị trường từng bước giúp đồng bào cải thiện thu nhập. Bây giờ, làng thổ cẩm đã có thương hiệu và đầu ra khá ổn định.

Lấy rừng nuôi rừng

Từ chính sách giao rừng của Nhà nước, cộng đồng miền núi đã có trách nhiệm hơn với mảnh rừng do mình làm chủ. Và từ đây nhiều mô hình phát triển kinh tế theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” được nhân rộng.

Liên quan đến sinh kế, Trung tâm C&E giúp đỡ cộng đồng miền núi những kiến thức, thông tin cần thiết về thị trường sản xuất, đầu ra cho nông sản. Người Cơ Tu tại xã Ma Cooih (Đông Giang) cải thiện sinh kế bằng chi trả dịch vụ môi trường rừng do họ lao động bảo vệ rừng mà có. Các nhóm hộ tự thảo luận để thống nhất cơ chế trích một phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng làm vốn tín dụng nội bộ để một số hộ nghèo vay làm vốn sản xuất. Điều quan trọng, đồng bào dân tộc thiểu số biết quản lý quỹ tín dụng sinh lời bằng đầu tư nuôi bò, vịt, heo, trồng keo lai hoặc các cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng bào Cơ Tu có sáng kiến nhận bàn giao rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương bằng cách đếm số gốc bị chặt hiện có trong rừng chứ không bàn giao rừng theo các con số vì bà con có người không biết chữ, hoặc biết ít chữ. Nếu sau khi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng mà số gốc cây bị chặt tăng lên thì bà con sẽ chịu trách nhiệm trừ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được nhận. Theo Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, ngoài nhận tiền hỗ trợ hàng năm, đồng bào dân tộc thiểu số còn tuân thủ giữ rừng theo các quy định của pháp luật hiện hành mà không hề phá vỡ luật tục; khuynh hướng phát triển rừng thân thiện với môi trường thể hiện đậm nét hơn. Đơn vị yêu cầu người dân ký cam kết cụ thể. Sau một năm, tổ công tác của đơn vị sẽ đánh giá kết quả khu rừng các nhóm hộ quản lý. Nếu quản lý tốt mới chi trả tiền, ngược lại nếu để mất rừng thì chủ rừng (nhóm hộ được giao) phải chịu trách nhiệm. Đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đồng bào Cơ Tu trên đường vào rừng tìm kiếm lâm sản phụ. Ảnh: H.HOÀNG
Đồng bào Cơ Tu trên đường vào rừng tìm kiếm lâm sản phụ. Ảnh: H.HOÀNG

Thông qua các dự án tài trợ, người dân ở các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My còn được chính quyền hỗ trợ trồng cây dưới tán rừng giao khoán để cải thiện thu nhập, làm giàu đa dạng sinh học. Qua nhiều năm tìm hiểu, khảo sát đánh giá lại các chính sách quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước đối với miền núi cao, Trung tâm C&E chia sẻ, muốn phát huy quyền và trách nhiệm cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên hiệu quả thì cần nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quyền và trách nhiệm của họ; hỗ trợ phát triển sinh kế dựa vào rừng thân thiện môi trường. Mặt khác, phải tôn trọng những giá trị văn hóa, tri thức bản địa của cộng đồng cũng như lồng ghép giới trong quản lý rừng tự nhiên.  

Vướng mắc ở miền núi hiện nay là một số Chương trình trồng rừng 661, Dự án 327 chiếm một diện tích đất lâm nghiệp khá lớn nhưng kém hiệu quả. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc, ngành nông nghiệp và các địa phương cần khẩn trương rà soát, kiểm tra thực địa và cho thanh lý rừng dự án để sớm giao đất lâm nghiệp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý. Thực tế cho thấy, khi tiến hành giao đất lâm nghiệp miền núi đã gắn với phát triển kinh tế địa phương, từng bước giải quyết bài toán “lấy ngắn nuôi dài” trong quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới.  Nhiều cơ chế hưởng lợi cho người dân nhận rừng phù hợp với điều kiện thực tế (dễ áp dụng, phù hợp với trình độ người dân). Đồng quan điểm này, bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc C&E đề xuất thêm, miền núi cần làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, giải quyết chính sách đất đai để hạn chế tranh chấp, lấn chiếm đất rừng và phá rừng dai dẳng. Còn ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, miền núi xoay chuyển là nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đột phá trong các chính sách khuyến lâm, khuyến nông. Cho nên, cần sử dụng nguồn vốn lồng ghép tại địa phương phải hiệu quả, tránh chống chéo. Bên cạnh đó, huy động tối đa sự đóng góp các nguồn lực sẵn có của người dân là điều cần thiết nâng cao năng lực và trao quyền cho cộng đồng để họ tự phát triển các khả năng sinh kế thay thế. Trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh chú trọng quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Cộng đồng dân cư được trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn trong giữ rừng tự nhiên. Về rừng sản xuất, tỉnh chủ trương phát triển trồng rừng gỗ lớn, khuyến cáo các địa phương hạn chế thu hút đầu tư các dự án chế biến lâm sản mà chỉ dừng lại ở chế biến băm dăm gỗ; ưu tiên khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đầu tư các dự án chế biến sâu về lâm sản. “Mục tiêu cuối cùng là giúp người giữ rừng và trồng rừng ở miền núi ổn định sinh kế, giảm nghèo bền vững” – ông Hưng nói.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miền núi & cuộc chuyển xoay từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO