Hôm qua 16.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân tộc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và 5 năm thực hiện công tác kết nghĩa, giai đoạn 2012-2017. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp ký cam kết nhận giúp đỡ, hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2017 nhìn chung tình hình đời sống, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh cơ bản ổn định. Các chương trình, chính sách của trung ương và tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đã tạo động lực mạnh mẽ tác động vào sản xuất, đời sống và nhận thức của người dân; sự nghiệp giáo dục, y tế và văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng tích cực. Từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã phân bổ cho 9 huyện miền núi gần 248 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đến nay số hộ nghèo tại các địa phương miền núi giảm còn 24.405 hộ, chiếm 30,19% (giảm 4,71% so với năm 2016). Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại 96 xã miền núi đạt bình quân 9,14 tiêu chí/xã; trong số 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn, có 6 xã bị giảm số tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Liên quan đến công tác kết nghĩa 5 năm qua giữa các địa phương, đơn vị đồng bằng với các huyện miền núi theo Chỉ thị số 23 của Tỉnh ủy, đến nay công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực và có chiều sâu trong các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ với tổng trị giá hơn 70 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác dân tộc tại các địa phương miền núi trong năm qua; đồng thời nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác dân tộc và tạo điều kiện để các địa phương miền núi phát triển mọi mặt. Trong đó, Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.7.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số nhóm dự án lớn tại vùng tây và Nghị quyết số 12 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về sắp xếp dân cư miền núi được quan tâm triển khai sẽ tạo động lực giúp miền núi phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo ổn định đời sống người dân, nhất là trong việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung gắn với các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh, Sở NN&PTNT cần tiếp tục tham mưu, hoàn chỉnh những nội dung còn thiếu sót, những vướng mắc trong cơ chế chính sách đầu tư tại miền núi giúp UBND tỉnh có cơ sở rà soát, điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhằm từng bước có định hướng giúp chuyển đổi phương thức sản xuất theo các mô hình “cây trồng, con vật nuôi”, trong đó đẩy mạnh việc phát triển kinh tế rừng.
Dịp này, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ký cam kết nhận giúp đỡ, hỗ trợ các xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Núi Thành và Hiệp Đức theo Chỉ thị số 23 của Tỉnh ủy.
ALĂNG NGƯỚC