Tình trạng nắng nóng kéo dài diễn ra ở mức báo động. Để đảm bảo nước tưới phục vụ cho vụ hè thu, nhiều huyện miền núi đang tích cực triển khai nhiều phương án chống hạn ngay từ đầu vụ.
Ông Hồ Đắc Vinh - Phó phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho hay, thời điểm hiện tại, do lượng mưa trên địa bàn huyện không đáng kể, mực nước tại các sông suối, hồ đập đều ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa nước. Nếu ở vụ đông xuân 2013 - 2014, Tây Giang có khoảng 11% diện tích (tức khoảng 30ha) lúa nước bị khô hạn thì vụ hè thu này, nguy cơ có tới 40% diện tích (khoảng 120ha lúa nước) bị thiếu nước. Toàn huyện Tây Giang có hơn 700ha lúa gieo rẫy được tưới bằng nước trời, còn diện tích lúa được tưới bằng các công trình thủy lợi chỉ chiếm khoảng 300ha. Để tưới cho 300ha trên, toàn huyện phải huy động nước tưới từ 48 đập dâng. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đập dâng bị thiếu hụt nguồn tưới nghiêm trọng, và nguy cơ thiếu hụt nguồn tưới từ các đập dâng này ở vụ hè thu càng báo động hơn.
Vụ đông xuân vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang đã chủ động triển khai nhiều phương án chống hạn để đảm bảo nước tưới cho cả vụ, bao gồm biện pháp công trình và phi công trình. Đối với biện pháp phi công trình, phòng đã vận động bà con nạo vét đập dâng, xả cát tuyến ống, nạo vét kênh mương nội đồng… Các biện pháp công trình được đẩy mạnh như làm đập bổi tạm thời; sửa chữa, nạo vét lòng hồ đập, khơi thông dòng chảy. Để dẫn nước về đồng ruộng, huyện đã hỗ trợ ống nhựa cho các địa phương. Tuy nhiên, công tác chống hạn ở Tây Giang cũng gặp nhiều khó khăn do các đợt mưa lũ 2013 đã làm hư hại, xuống cấp khá nhiều công trình thủy lợi. Cụ thể như công trình thủy lợi thôn A Rớt, xã A Nông; Laly xã Ch’Ơm; công trình Apô (xã A Tiêng), A Bung (Bha Lêê)… “Chủ trương của huyện là ưu tiên phân bổ vốn cho những công trình bức thiết. Vụ hè thu này, dự kiến tổng kinh phí phục vụ chống hạn khoảng 750 triệu đồng. Trong khi chờ nguồn hỗ trợ, huyện sẽ chủ động các nguồn khác để sửa chữa phục vụ tưới tiêu. Hiện các xã trên địa bàn huyện đã hình thành tổ điều tiết nguồn nước có nhiệm vụ tu bổ công trình. Các tổ khuyến nông cấp xã cũng được tăng cường hoạt động từ nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí do trung ương cấp hằng năm” - ông Vinh nói.
Tại Đông Giang, tuy mật độ khe suối phân bố tương đối dày, vụ hè thu thường có mưa dông xuất hiện với tần suất lớn nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn tưới trên một số diện tích cũng khá nghiêm trọng. Theo ông Phan Hữu Thành - Phó phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, do 116 công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng chủ yếu ở các khe suối, chủ yếu là đập dâng, không có hồ chứa dự trữ nước và đa số các công trình này tưới bằng trọng lực nên khó chủ động nguồn nước. Thời gian qua, chính tập quán sản xuất nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho hệ sinh thái lưu vực các công trình thủy lợi suy giảm đáng kể, nguồn nước ngày càng cạn kiệt và nhiều suối không còn nước để phục vụ sản xuất. Mặt khác, do địa hình miền núi Đông Giang phần lớn hiểm trở, có độ dốc lớn, lũ quét cục bộ thường xuất hiện đã làm giảm tuổi thọ các công trình thủy lợi. Các tuyến kênh mương, đường ống phần lớn bị hư hỏng, xuống cấp, rò rỉ gây thất thoát đáng kể nguồn nước. Vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện có hơn 41ha bị khô hạn tập trung tại các xã Za Hung (4,5ha), Sông Kôn (6,5ha), A Ting (7ha), Jơ Ngây (4ha), A Rooih (5ha), xã Tư (6,6ha)…, vụ hè thu này, dự kiến diện tích bị khô hạn có thể lên tới 100ha.
Toàn huyện Đông Giang có 12 công trình đang cần nâng cấp, sửa chữa với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn chưa có nguồn đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình. Trong khi đó cấp xã không thể chủ động được nguồn. “Hiện tại, Phòng NN&PTNT huyện tăng cường đẩy mạnh các giải pháp phi công trình nhằm tận dụng tối đa nguồn lực để chống hạn. Phòng cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý, bố trí các giống ngắn ngày, chịu hạn và có năng suất...” - ông Phan Hữu Thành nói.
HOÀNG LIÊN