Miền núi Quảng Nam có tiềm năng phát triển cây mắc ca

P.GIANG - N.PHƯƠNG - V.CHÂU 22/02/2022 06:24

Từng trồng thử nghiệm thành công ở Tây Nguyên và nhiều địa bàn, đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định đây sẽ là cây trồng giàu tiềm năng cho địa bàn miền núi Quảng Nam nếu được đầu tư, quy hoạch phát triển thành vùng nguyên liệu xứng tầm.

Cây mắc ca được trồng khá thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Cây mắc ca được trồng khá thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: HƯNG NGUYÊN

Từng trồng thí điểm ở Quảng Nam

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh và chính quyền một số huyện miền núi vào cuối tuần qua, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thông tin, đến năm 2021 cả nước đã có 18.840ha trồng mắc ca.

Cây mắc ca dễ thu hoạch và bảo quản, quả chín và thu hoạch cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch. Hiện nay cây mắc ca có đầu ra khá ổn định, được thu mua bởi các cơ sở chế biến riêng lẻ và các nhà máy.

“Chúng tôi nhận thấy Quảng Nam có nhiều điều kiện thích hợp để phát triển cây mắc ca như các tỉnh Tây Nguyên, một số địa bàn phía Bắc. Đặc biệt là các huyện miền núi, nếu hình thành một diện tích trồng mắc ca tập trung sẽ góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập” - Giáo sư Nguyễn Lân Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, năm 2017, huyện Tây Giang đã triển khai trồng thí điểm cây mắc ca với kinh phí đầu tư bước đầu khoảng 800 triệu đồng.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Ảnh: T.C
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Ảnh: T.C

“Do triển khai thí điểm nên chúng tôi tổ chức trồng ở 5 xã khác nhau, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Việc theo dõi, chăm sóc quản lý trong nhân dân chưa đạt như yêu cầu nên khó đánh giá hiệu quả trồng, tuy nhiên một số nơi cây đã cho quả, tỷ lệ ra quả khá cao.

Theo phân tích từ Hiệp hội Mắc ca thì khả năng Tây Giang có nhiều điều kiện phù hợp để phát triển, tuy nhiên cần một chủ trương chung, đồng bộ từ tỉnh xuống địa phương, từ đó tuyên truyền, vận động cho nhân dân. Cái khó hiện nay là người dân hoàn toàn không biết về loại cây này, giá trị kinh tế cũng như các yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc” - ông Lượm nói.

Tây Giang không phải là địa phương duy nhất của Quảng Nam trồng thí điểm cây mắc ca. Trước đó, vào năm 2014, huyện Nam Trà My cũng đã mang giống cây mắc ca từ Đăk Lăk về trồng trên 7ha rải đều ở các xã.

Địa phương này cho hay, do địa hình có độ dốc lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên khó đem lại hiệu quả. Bài học từ phát triển cây dược liệu, sâm Ngọc Linh cho thấy loại cây trồng mới nào cũng cần có sự đồng hành, phát huy vai trò chủ thể của người dân mới có thể mang lại hiệu quả cao, tạo được bước đột phá, do đó Nam Trà My chưa nhân rộng loại cây trồng này.

Tiềm năng phát triển

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định mắc ca là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, hiệu quả kinh tế xã hội môi trường cao, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định cây mắc ca hoàn toàn có điều kiện phát triển ở Quảng Nam, nhất là các huyện miền núi. Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định cây mắc ca hoàn toàn có điều kiện phát triển ở Quảng Nam, nhất là các huyện miền núi. Ảnh: HƯNG NGUYÊN

“Cây mắc ca vừa góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác.

Cả nước hiện nay đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích khoảng 18.840ha, trong đó có hơn 100 hội viên của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trồng loại cây này với diện tích khoảng 6.000ha, chiếm 38% diện tích cả nước.

Ngoài ra còn có 19 cơ sở chế biến mắc ca, có 5 cơ sở là hội viên của Hiệp hội Mắc ca, chiếm 80% sản lượng chế biến của cả nước. Nếu có thể hình thành một vùng gieo trồng có diện tích khoảng 100ha trở lên tại Quảng Nam, hoàn toàn có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng cây mắc ca, từ đó nhân rộng cho người dân.

Tại Tây Nguyên, rất nhiều địa phương đã mạnh dạn trồng mắc ca, hiệu quả đem lại vượt ngoài mong đợi, góp phần rất lớn xóa đói giảm nghèo ở miền núi” - ông Huy nhấn mạnh.

Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Ảnh: HƯNG NGUYÊN

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao những thông tin từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã trao đổi, đồng thời đề nghị hiệp hội tăng cường hỗ trợ, hợp tác với địa phương trong việc tăng cường nhận thức, kiến thức về cây trồng mới này cho chính quyền, người dân trong tương lai.

“Với những đặc thù hiện có, mắc ca hoàn toàn có thể được trồng, phát triển ở Quảng Nam. Vấn đề còn lại là việc giới thiệu, kết nối doanh nghiệp đầu tư, tìm đầu ra, tạo sự ổn định nếu tính đến việc phát triển quy mô, hình thành vùng nguyên liệu mắc ca.

Tỉnh hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời sẽ vận dụng các cơ chế chính sách hiện có để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để phát triển cây mắc ca. Trên cơ sở hiệu quả đem lại, sẽ tiếp tục tính toán đến việc nhân rộng trong nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miền núi Quảng Nam có tiềm năng phát triển cây mắc ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO