Thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các huyện miền núi đã nhiều lần được đề cập trong các chương trình nghị sự của tỉnh và các địa phương. Với thực trạng hiện nay, cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định đời sống cho người dân.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo và dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân còn lúng túng trong việc tìm giải pháp phát triển mô hình kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh kế bền vững.
HĐND tỉnh khảo sát đời sống đồng bào tại khu tái định cư thủy điện A Vương (xã Mà Cooih, Đông Giang). Ảnh: L.N |
Khó khăn chung
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cho người dân theo Quyết định 33 và Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho dân luôn được địa phương chú trọng thực hiện. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Phước Sơn có khoảng 250 hộ dân thiếu đất được hỗ trợ với tổng diện tích 31,33ha, trong đó đất ở là 6,32ha, đất lúa nước 5ha, đất nương rẫy 20ha. Tuy nhiên, qua khảo sát vẫn còn nhiều hộ thiếu đất nhưng chưa được hỗ trợ, tính riêng các đối tượng được thụ hưởng theo Quyết định 755 còn 292 hộ chưa có và thiếu đất sản xuất, 1.320 hộ chưa có và thiếu đất ở. Bên cạnh đó, nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định 33 còn rất lớn nhưng đến nay chỉ mới bố trí được 4/30 điểm định canh định cư (ĐCĐC) tập trung, giải quyết cho 252/1.432 hộ có nhu cầu. “Ở miền núi, nơi đa số người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi nhưng với tình trạng thiếu đất như hiện nay thì người dân khó có thể tự vươn lên thoát nghèo, cuộc sống chưa thể ổn định cho dù Nhà nước có quan tâm, hỗ trợ nhiều chính sách khác đi chăng nữa” - ông Hải cho biết thêm.
Không riêng ở huyện Phước Sơn mà tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất là vấn đề bức xúc chung của các địa phương miền núi. Quyết định 33 và 755 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2015, tuy nhiên đến nay nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của các chương trình này chưa hoàn thành tiến độ theo kế hoạch, số đối tượng trong diện thụ hưởng còn rất nhiều. Theo Quyết định 755, hiện toàn tỉnh còn khoảng 2.050 hộ chưa có đất sản xuất, 4.009 hộ thiếu đất sản xuất. Đối với Quyết định 33, còn khoảng 6.000 hộ có nhu cầu ĐCĐC tập trung, 3.309 hộ ĐCĐC xen ghép. Nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình này còn thấp so với kế hoạch được duyệt. Quyết định 755 mới phân bổ 15/447,873 tỷ đồng được duyệt trong năm 2015, đạt tỷ lệ 3,35%; giai đoạn từ năm 2008 - 2015, Quyết định 33 phân bổ cho 11 điểm ĐCĐC là 64,850/81 tỷ đồng, đạt 80,06%.
Theo bà Phùng Thị Thương - Ủy viên Thường trực HĐND huyện Nam Trà My, tình trạng người dân thiếu đất xuất phát từ các nguyên nhân chính: hạn chế về quỹ đất, thiếu diện tích đất có địa hình bằng phẳng để bố trí đất ở cho người dân, trong khi đó, việc khai hoang, san ủi mặt bằng rất khó thực hiện và tốn kém chi phí, địa phương không đủ nguồn lực thực hiện. Ngoài ra, thời tiết bất ổn, thường xuyên xảy ra các đợt mưa lũ gây sạt lở, trôi đất. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của địa phương chưa kịp thời, việc điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách chưa chính xác. Thực tế hiện nay, trong khi người dân thiếu đất ở, đất sản xuất để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống thì các nông lâm trường, các dự án thăm dò khoáng sản (thăm dò vàng), dự án trồng rừng (chương trình 327, 661)... lại được bố trí phần diện tích đất lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích nhưng chậm được Nhà nước thu hồi.
Những giải pháp tháo gỡ
Giải quyết các vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho người dân ở khu vực miền núi là cả một quá trình lâu dài và nhiều khó khăn. Các cấp, ngành cần xem đây là nhiệm vụ chiến lược thực hiện nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, góp phần đưa khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển bền vững. Để làm được điều đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các quy định của luật đất đai và các quy định liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực đất đai, nhất là thực hiện quy hoạch dân cư, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp. Có kế hoạch kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; đồng thời đưa ra các biện pháp hạn chế tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trái phép trong vùng DTTS.
Ngoài ra, tích cực thực hiện các giải pháp, huy động và lồng ghép các nguồn vốn để tạo quỹ đất ở và đất sản xuất, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách giải quyết về đất ở, đất sản xuất hiện nay. Thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều công việc phi nông, lâm nghiệp ở miền núi. Quy hoạch, bố trí lại dân cư ở các vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở để ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân; xem xét chuyển đổi một phần diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích từ những chương trình, dự án để giao cho người dân địa phương. Sau khi Quyết định 33 và 755 hết hiệu lực, cần tiếp tục ban hành các chính sách mới để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cho người dân. Xem xét ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng tập trung, quy về một cơ quan quản lý, khắc phục tình trạng cùng nội dung hỗ trợ nhưng nhiều cơ quan khác nhau chủ trì dẫn đến chồng chéo trong quản lý, đầu tư dàn trải, trùng lắp về đối tượng. Đồng thời, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, đúng tiến độ và theo kế hoạch được duyệt nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của chương trình...
Cần chuyển đổi diện tích đất sử dụng sai mục đích Vừa qua, tại huyện Đông Giang, Ban Dân tộc HĐND tỉnh và thường trực HĐND 9 huyện miền núi tổ chức hội nghị về tình trạng đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Tại hội nghị này, nhiều kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới tỉnh cần hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện đo đạc, giải thửa lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đồng bào ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tranh chấp đất, phá rừng làm rẫy. Có chủ trương chuyển một phần diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích tại các nông lâm trường, các dự án trồng rừng 327, 661, rừng phòng hộ (rừng nghèo) để giao cho người dân địa phương còn thiếu đất hoặc không có đất sản xuất… Ông Nguyễn Thế Mẫn - Ủy viên Thường trực HĐND huyện Hiệp Đức cho biết: “Huyện đã chỉ đạo Văn phòng quản lý đất đai và Phòng TN-MT huyện khảo sát và rà soát lại công tác cấp đất trên địa bàn. HĐND huyện cũng vừa tổ chức giám sát việc cấp đất lần đầu theo Chỉ thị 05 của Chính phủ tại các xã vùng cao. Qua thực tế của huyện, chúng tôi kiến nghị HĐND tỉnh có cơ chế tiếp tục đầu tư các dự án ĐCĐC, ổn định đời sống nhân dân và một số công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả”. Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những ý kiến đề nghị của các địa phương để đưa ra HĐND tỉnh nhằm tìm giải pháp đồng bộ hỗ trợ đồng bào miền núi về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho biết, cần phải xây dựng chiến lược đất ở, đất sản xuất lâu dài cho dân mới là giải pháp căn cơ; phải lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, phát huy nguồn lực của đồng bào để giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi.(LÊ PHƯỚC LAN NHI) |
THANH BÌNH