Năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh Covid-19, song thông qua các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư…, diện mạo nông thôn miền núi vẫn có sự khởi sắc.
Theo ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, sau thời gian vượt qua đại dịch Covid-19 và thiên tai, tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn miền núi vẫn được duy trì và phát triển.
Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 16.505ha, năng suất ước đạt 38 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt 64.092 tấn. Miền núi hiện có 51 trang trại chăn nuôi; trong đó có 10 trang trại nuôi bò, 29 trang trại heo và 12 trang trại gia cầm đem lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho đồng bào, từng bước đổi mới phương thức sản xuất trong cộng đồng vùng cao.
Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135, 30a và Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135), các địa phương đã hỗ trợ gần 7.800 hộ thực hiện dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng nguồn kinh phí hơn 74,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, đã thực hiện hàng loạt dự án tạo sinh kế, hỗ trợ người dân tiếp cận mô hình chăn nuôi bò sinh sản, heo đen, dê địa phương; cùng các loại cây ăn quả và trồng cây dược liệu…
“Hiện có khoảng 35 lao động miền núi được xuất khẩu lao động, gần 10.000 lao động phổ thông khác được hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội nâng cao thu nhập, ổn định đời sống” - ông Mai cho biết thêm.
Cũng theo ông Alăng Mai, năm 2021 nguồn lực triển khai Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác và liên kết trong sản xuất cho các huyện miền núi hơn 9,5 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, các địa phương thực hiện 6 dự án liên kết, cùng 4 kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết được UBND cấp huyện phê duyệt, với 635 hộ nông dân tham gia.
Trên cơ sở đăng ký thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay miền núi có 43 sản phẩm tham gia với kinh phí 5,3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều địa phương tham gia tích cực và triển khai có hiệu quả chương trình OCOP như Tây Giang, Nam Trà My… giúp từng bước nâng sức hút thương hiểu sản vật vùng cao đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.