Trong lời tự bạch ở trang gấp bìa tập truyện Huyền nguyệt (NXB Hội Nhà văn, 2017), tác giả khai “quê xứ Quảng Nam”, hiện đang viết và dịch thuật tự do ở Sài Gòn… Bạn đọc từng đọc Ngô Nhân Đức - một cây bút trẻ thế hệ 7x, quê Đại Lộc - sáng tác thơ với tập thơ “Tiếp tục chơi bập bênh” (NXB Hội Nhà văn, 2015) với nhiều bài thơ “viết” cũng khác người, cũng có thể người viết ra thơ đang “chơi” bập bênh với chữ…
Tập truyện Huyền nguyệt. |
Lần này thì truyện. Thơ mộng, tinh tế, biểu cảm và “gây hấn” với người đọc. Văn của tác giả là lối văn như trò chuyện khi ngồi lại ở một nơi chốn nào đó, một không - thời gian nào đó có vẻ riêng tư. Trong trường tương tác đó, người kể, người nghe hay đọc ngồi lại thật lâu, có thể là do những câu chuyện/truyện được kể cuốn hút “thiệt sự” và cũng có thể là người nghe/đọc bị “nghe/đọc” vì cả nể lúc đầu, sau đó dần dần mới đồng cảm rồi cao hơn là bị/được đồng sáng tạo... Văn phong tác giả tự nhiên, tình tứ, gây mê và điều khiến người đọc “chịu đọc” là cách viết nên truyện. Ngô Nhân Đức khó giấu “nghề” trong các cách tổ chức truyện. Theo dòng cảm xúc có vẻ như tuyến tính, có trước có sau nhưng soi kỹ thì thấy có những mảng, miếng, lớp lang đủ thứ, chỗ thì chèn vô, chỗ thì thay điểm nhìn tự sự hay ngôi kể bằng một văn bản phụ như một vĩ thanh trong kịch hay một chú thích trong văn bản “báo cáo”. Rõ ràng - như cách gọi của các nhà tự sự học, rằng ngôi thứ ba không phải là ngôi kể - truyện của tác giả dẫu nhân vật kể là “hắn” là “tôi”, là “cô X.”, “anh Y.” nào đó, suy cho cùng cũng là “cái thằng tôi” mà ra cả. Rốt thái độ công khai danh xưng “ngôi kể” ở cuối truyện (trong khá nhiều truyện) là thái độ học thuật của một kẻ từng đọc và khi viết, hắn cũng phải thành thực rằng, kẻ viết cũng có biết chút ít ngón nghề về sự viết…
Những truyện mà hồi kết “nhẹ” như một nỗi cảm hoài, một nỗi-niềm-chưa-biết, một ám ảnh lửng lơ, một hoài nghi bỏ ngỏ… đủ rủ rê người đọc vào những cuộc ngậm-ngùi-liên-đới (Mưa trên sông, Chim đêm, Trầm, Hoa không mùa, Huyền nguyệt…). Nhiều truyện ngắn rất ngắn, không gài cắm lộ liễu ý tưởng triết lý, mà có khi lại ám ảnh bạn đọc bởi sự mơ hồ, là bóng hay là hình, là hư hay là thực, là mình hay kẻ khác (Chuyện tình người điên, Ma chó, Bệnh viện tâm thần…)
Đọc Huyền nguyệt có cảm giác ở bất cứ truyện nào - dưới góc nhìn văn bản thì thấy văn bản nào cũng có dấu vết của một văn bản khác bởi người viết/người đọc hôm nay luôn được đặt trong tình cảnh liên văn bản. Điều làm nên sự khác biệt của tác giả là sự “kiến tạo hiện thực” riêng mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn nhận định “Huyền nguyệt là biểu tượng của cái đẹp, của chân lý, của giới nữ, của đêm và cũng là của những gì vượt khỏi lý trí, chỉ còn ánh sáng và sự trọn vẹn nội tâm” (lời cuối sách). Nhận định này cũng để thấy Ngô Nhân Đức đã phân thân, đã nghiệm sinh trong vai “kẻ viết” với vô số những trạng thái nhân thế, trạng thái tâm hồn mà hệ lụy là buồn nhiều hơn vui. Thế sự trong truyện của tác giả cứ gãy đổ, buồn sầu, lỡ dở như cuộc thế vốn vậy. Những điều tốt đẹp cứ xa rời, những tiếng nói thành thực cứ gió bay, thói quen đã thành định kiến, những bất hạnh cứ chất chồng, cuộc thế cứ hiện ra trụi trần thô lỗ khi con người mất đi những điều huyền nhiệm. Níu giữ cái đẹp nên bị kẹt trong buồn sầu đã như một định mệnh của muôn đời kẻ viết hay như cảm nhận của nhà văn Lê Hoài Lương: “ …những trang tình đẹp và buồn, với cái “mùi ngày tháng cũ”, với tiếng mưa trên sông, với vùng cỏ ướt, với trăng ngời bên giếng, với miên man giấc nồng phó thác, tin cậy…, lãng mạn và siêu thoát lắm; cũng đầy xáo động và biến hóa với những lời thoại rời rạc như chẳng ăn nhập gì nhau: một hiện hữu vừa cụ thể vừa hư huyễn” (lời cuối sách).
Văn Ngô Nhân Đức thấp thoáng nỗi buồn hiện sinh nơi đô thị - nơi những con người nông thôn hoài nhớ về những ký ức lộng lẫy của ruộng đồng, bờ bãi, những dòng sông, những nắng mưa từng trải và hoài nhớ sâu đậm nhất là những nhân-dáng-yêu-thương bởi hắn đã từng có, từng đánh mất, từng khao khát, từng buông xuôi, từng minh triết, từng lầm lạc.
Đọc Ngô Nhân Đức chợt nghĩ đến ba vấn nạn khiến con người được đặt trong tình thế bất khả vượt thoát đó là cái chết, sự điên loạn và kẻ khác. Còn “kẻ viết” thì gắng chia sẻ với đồng loại một ít “kinh nghiệm hư vô” (chữ của Huỳnh Phan Anh)…
PHÙNG TẤN ĐÔNG