Từ trên cao nhìn xuống vùng quê bán sơn địa xã Bình Chánh (Thăng Bình) trông như một tấm thảm với miên man màu xanh của đồng lúa và vườn tược. Tuy không được thiên nhiên ưu đãi nhưng vùng quê Bình Chánh vươn mình đi lên từ “khát vọng xanh” của nhiều người dân địa phương…
Chúng tôi làm một cuộc dạo chơi trong khu vườn rộng chừng 2.000m2 của gia đình ông Lê Đức Mật và bà Lê Thị Ánh Hồng (ở thôn Tú Mỹ Trà, xã Bình Chánh). Nói là dạo chơi bởi không gian vườn quê nơi đây tạo cảm giác thân thiện và gần gũi khi đặt chân trên những lối đi giữa màu xanh mướt của cây trái. Những ổi, cam, bưởi da xanh… trên cành trĩu quả, phơi mình trong nắng mai khiến chúng tôi nghĩ ngợi về công sức và “khát vọng xanh” của nông dân vùng quê bán sơn địa Bình Chánh.
Ông Lê Đức Mật cho biết, mảnh đất này trước đây là những thửa ruộng lúa không mấy màu mỡ nằm bên con suối chảy qua làng. Mỗi năm từ diện tích ruộng này, gia đình ông sản xuất được 2 vụ lúa đủ cung cấp lương thực cho gia đình. Nắm bắt chủ trương xây dựng 30 khu vườn mẫu tại khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tú Trà, vợ chồng ông Mật đã quyết định bồi đất, khai phá, cải tạo lại toàn bộ diện tích ruộng để làm vườn. Bây giờ, trong khu vườn này, cái hiện hữu trước mắt người ghé thăm là màu xanh cây trái đang vào vụ mùa thu hoạch lứa quả đầu tiên. Cùng với đó là khu chăn nuôi gà, heo và bò được kiến tạo riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Mật cho biết mỗi năm thu hoạch từ trái cây, con vật nuôi trong khu vườn đến vài trăm triệu đồng.
Bà Lê thị Ánh Hồng nói: “Mình là nông dân, trước đây chưa nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất được chăng hay chớ. Bây giờ, hưởng ứng chủ trương nông thôn mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thích hợp trong không gian khu vườn nhà các loại cây, con vật nuôi… tạo hiệu quả cao về kinh tế. Kinh nghiệm bao đời của nông dân là tích gió thành bão…”.
Ở vùng quê Bình Chánh không chỉ có gia đình ông Mật biết khai thác hiệu quả từ đất đai để phát triển kinh tế hộ gia đình mà nhiều năm nay người dân ở đây cũng mang khát vọng đổi đời từ đất, biến những khu vườn trải dài thành những không gian xanh với nhiều loại cây ăn quả lần đầu được thử nghiệm trên đất Bình Chánh. Nhiều gia đình trước đây chỉ trồng lúa, thu nhập chủ yếu “lấy công làm lời”. Gần đây, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân địa phương thay đổi cách nghĩ, cách làm, hàng chục khu vườn kết hợp kiểu trang trại vườn – ao - chuồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số hộ gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ở Bình Chánh tăng lên từng năm, tạo nên một phong trào thi đua sản xuất sôi nổi.
Những gia đình tiêu biểu trong kiến tạo khu vườn kiểu mẫu, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi ở Bình Chánh được đánh giá cao như hộ ông Châu Sanh (tổ 1, thôn Mỹ Trà), Nguyễn Văn Hữu (tổ 3, thôn Long Hội Hiệp), mô hình trồng tiêu của ông Lê Đức Xuân, ông Huỳnh Ngọc (thôn Tú Trà) hay mô hình gia trại nuôi heo, bò lai, gà ta thả vườn của bà Trần Thị Vân, Phan Thị Việt (thôn Ngũ Xã)… Đó là kết quả của ước mơ và “khát vọng xanh” trên quê hương Bình Chánh.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình với các khu vườn kiểu mẫu, mô hình gia trại, Bình Chánh đã sớm tìm ra hướng đi khả quan cho cây lúa trên vùng đất bán sơn địa bằng việc thành lập HTX quản lý về dịch vụ thủy lợi và liên kết sản xuất lúa giống. Đến nay diện tích được quy hoạch tập trung cho sản xuất lúa giống của địa phương hơn 64ha, năng suất bình quân đạt 370kg/sào, tăng 1,2 lần so với sản xuất lúa thông thường. Thời gian tới mô hình này được tiếp tục triển khai tại cánh đồng tổ 2 và 3 (thôn Ngũ Xã) với diện tích 25ha, tạo nên nguồn thu nhập mới từ đồng ruộng của nông dân...