Miếng ăn có thực tồi tàn?

NGUYỄN ĐIỆN NAM 24/12/2017 08:18

Nhiều người hay nói “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Tuy nhận thức vậy nhưng chưa hẳn là chê miếng ăn, bởi “không ăn một miếng lộn gan trên đầu”.

Nhiều nghĩa bóng của miếng ăn dẫn đến sự rắc rối. Có khi miếng ăn là miếng thịt nhưng không phải miếng thịt mà là danh dự, vậy nên “miếng thịt giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Ra giữa làng được công nhận thứ bậc, càng cao càng trọng vọng, càng được nhận miếng thịt xứng với chỗ của mình. Và cũng do thế nên nảy ra cái nạn tranh giành chỗ đứng/ngồi trong cộng đồng.

Cộng đồng nào người đông tụ hội mà miếng ăn khó kiếm thì “quần ngư tranh thực”; nơi nào  “ghế ít đít nhiều” thì càng sinh chuyện. Ngay thời hiện đại, chuyện chạy ghế - tức chạy chức, chạy quyền, cũng xảy ra khiến bung xung lắm điều tiếng xấu. Thôi thì bàn về cái mặt “tồi tàn” của miếng ăn kiểu này khó mà cùng tận.

Vậy, trở lại với nghĩa đen của miếng ăn thử xem, mới ngộ ra cái lẽ sinh tồn thật không thể thiếu thực phẩm để nuôi dưỡng con người. Người Việt nói chung và người Quảng nói riêng đều cần có miếng ăn hàng ngày để sống và đã sáng tạo nhiều miếng ăn ngon. Thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam, Quảng Nam  nhiều chất liệu để xây nên nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Thú vị là trong các miếng ăn của người Việt có nhiều chất dược liệu ủ ấp từ rau cỏ. Thử phân tích mấy món có tiếng của xứ Quảng thì rõ. Tô mì tập hợp nhiều thứ cay đắng ngọt bùi từ trái ớt, rau mùi, thân cây chuối chát, đến hột đậu phụng, và thơm lừng với dầu phụng khử nén, rau é, tía tô... Một tập hợp rất “dân chủ” có phần ngẫu hứng tùy theo loại nhưn mì, và cũng “hội nhập” rất mạnh mẽ để đi đến đâu có loại nhưn ở đó (với đủ loại tôm thịt cua cá gà heo bò...). Hay như món bê thui Cầu Mống gây ấn tượng với khách thập phương. Cách thui bê cỏ theo kiểu truyền thống rất thơm ngon đậm đà nhờ thịt ngấm dần vị ngọt của bã mía khi nướng chậm. Thức ăn kèm với thịt là cả một mâm dược liệu với sả, gừng, tỏi, ớt, trái chuối hột, các loại rau mùi...  Có phải riêng người Quảng mới có những món độc đáo? Không, vùng nào cũng có. Huế có bún bò; Hà Nội, Bắc Bộ nổi tiếng cầy tơ bảy món và món phở; Sài Gòn, Nam Bộ có lẫu mắm... Nền ẩm thực Việt, nếu khéo chế biến đều có thể tạo ra thương hiệu mạnh, thấm đẫm bản sắc bản địa, rồi đưa đi khắp thế giới.

Cũng xin nói thêm một chút về cây dược liệu. Quả không ngoa khi nói người Việt sống trên đống thuốc. Từ rừng xuống bể, chung quanh vườn nhà ở đều có thể tìm ra cây thuốc làm thức ăn hoặc chữa bệnh. Nổi tiếng như cây sâm, trên thế giới chỉ mấy nước có được. Vậy mà ngay xứ Quảng, có cả sâm nam, sâm ba kích, đẳng sâm và lừng danh nhất là sâm Ngọc Linh. Các phiên chợ sâm Ngọc Linh mới mở ra gần đây, phiên nào cũng hút hết hàng, có phiên thu được hơn 3,5 tỷ đồng vì đông khách thập phương nghe tiếng đến mua tận gốc. Nếu biết làm thương hiệu gắn với sản xuất hàng hóa một cách bài bản, đa dạng hóa sản phẩm bằng  công nghệ cao, sản xuất sạch và an toàn, thì từ cây sâm sẽ đưa ra vô vàn sản phẩm độc đáo có thể chu du khắp thế giới.

Trở lại với miếng ăn, xứ Quảng còn có một món thượng thặng cho hàng đế vương là yến sào Cù Lao Chàm. Không tồi tàn chút nào nếu được hưởng một tiệc yến (phải vậy không mà dù có nhiều món ngon sơn hào hải vị, vẫn lấy yến làm gốc để chỉ những bữa tiệc sang trọng như quốc yến?).

Chung quanh miếng ăn, món ăn uống, là cả chiều sâu văn hóa ẩm thực, đẫm bản sắc. Tài nguyên bản địa là thứ gắn bó rất sâu đậm cho một nền sản xuất và tiêu dùng, là hướng đi mà nhiều nước, nhiều vùng khai thác để làm giàu.

Phát triển tài nguyên bản địa và làm giàu, chỉ mỗi chuyện món ăn thức uống, đã cho thấy sự phong phú, đa dạng mà càng hội nhập càng cần sự độc đáo, khác biệt với bản sắc đặc trưng. Bà Vũ Kim Hạnh, một chuyên gia về tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, đã đưa ra “công thức” để khởi nghiệp làm giàu từ tài nguyên bản địa bằng các giải pháp cứng và mềm. Giải pháp cứng là phải đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, có sử dụng, bổ sung kỹ thuật mới, công nghệ mới. Còn giải pháp mềm là nghiên cứu, am hiểu thị trường, xem xét toàn chuỗi giá trị, định vị thương hiệu sản phẩm rõ, có quan tâm bao bì, mẫu mã, và dồn sức phát triển sản phẩm mới đi đôi phát triển thị trường. Việt Nam cần có sự nỗ lực lớn, chung, không chỉ của một công ty đơn lẻ nào và không dàn đều mà có thứ tự ưu tiên, có phương pháp đầu tư và quản trị. Nếu áp công thức này vào việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, riêng cho món ăn, thức uống thôi, cũng đã tạo nên giá trị gia tăng rất lớn.

Miếng ăn không tồi tàn nếu trở thành chuyện làm ăn lớn, như việc phát triển nền ẩm thực.

Miếng ăn chỉ tồi tàn khi không lo làm ăn có lợi cho mình và cộng đồng mà chỉ biết... giành ăn.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miếng ăn có thực tồi tàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO