Vẫn là C’lâu Blao, người già hay chuyện của núi rừng khu 7 nơi Tr’Hy (Tây Giang). Câu chuyện đả hổ của già Blao năm xưa gợi hình dung về đại ngàn nguyên sơ, mà nay có những điều chỉ còn trong ký ức...
Đã mấy mươi năm trời trôi qua nhưng miếng da hổ vẫn sáng màu, bên ánh lửa. Già Blao lấy nó ra từ trong ché: miếng da hổ dài hơn sải tay, là chiến tích lần đi săn ròng rã hai tháng trời.
Già kể, những ngày chiến tranh vừa dứt, bom đạn thôi trút xuống núi rừng, là lúc hổ rời rừng về làng bắt trâu, bắt bò. Có người làng bị hổ vồ mất mạng. Ông cùng thanh niên trai tráng xuyên rừng, đi theo dấu chân hổ để diệt họa cho làng.
“Hổ từng là nỗi sợ. Nên ai giết được hổ giống như giết được giặc, được dân làng suy tôn. Con hổ này về làng, liên tục bắt trâu bò, vồ chết một người. Trai làng đi tìm nhưng không có dấu vết. Tôi rình mãi, suốt hai tháng trời mới tìm thấy nó.
Hồi đó còn có súng. Tôi hạ con hổ bằng 5 phát đạn. Dân làng mở hội, thưởng cho tôi 2 con bò lớn” - già Blao cười hiền. Miếng da hổ được ông giữ lại làm kỷ niệm, đã nhiều “tuổi” hơn cả người con trai thứ.
Tôi từng được nghe ông kể về chuyện đi săn thú rừng, bằng ngón nghề kịch độc “Chi pơơr”, loại độc dược cực mạnh được bào chế bằng nhựa của hơn 10 loại cây ở rừng thiêng nơi đầu nguồn.
Trai tráng Cơ Tu như ông học cách làm nỏ, vót tên, học pha chế kịch độc rồi dùng chúng tẩm lên mũi tên, mũi giáo trong những cuộc đi săn có khi dài hàng tháng trời trong rừng thẳm. Cuộc đi săn kịch tính hơn nhiều, khi phải đối mặt với loài hổ. Con hổ mà già Blao kể, không phải là con duy nhất đã bị hạ. Nhưng họ không tận diệt.
“Chúng tôi giết hổ để bảo vệ dân làng. Chỉ những con hổ mò về làng bắt trâu, bắt bò, bắt người, dân làng mới phải tìm cách để hạ chúng. Có một dạo, người nhiều nơi đổ về, hổ bị đặt bẫy, bị bắn, ở sâu trong rừng. Về sau, không còn ai thấy hổ nữa. Miếng da hổ này giờ hiếm lắm, làm gì còn hổ nữa” - già nói.
Tôi chạm ánh mắt của già Blao bên bếp lửa. Già kể về thời trẻ trai luồn rừng như con sóc, khỏe mạnh như một cây lim, mắt sáng như chim Kalang bay liệng trên trời cao xanh và tấm lòng trong như nước suối nguồn.
Già kể về không gian sinh tồn của làng ngày trước, với rừng xanh, núi xanh, với tiếng Kathu âm vọng khắp thung lũng sâu mỗi lần vào hội, về trai gái Cơ Tu, lớn lên dưới sự chở che ngọt lành của mẹ rừng. Và rồi, trong niềm tự hào tưởng chừng miên viễn về rừng, giọng già Blao chợt chùng xuống.
Nhiều cánh rừng ngã xuống. Không còn thấy hổ. Nhiều con thú khác cũng không còn nữa. Không còn hổ, thần linh ngoảnh mặt, người làng đối diện với nhiều nỗi bất an hơn, những bất an mà cha ông họ chưa từng gặp, chưa từng thấy.
Những đỉnh núi trượt. Những cơn lũ ầm ầm đổ xuống. Già đã thấy. Cơn cuồng nộ của rừng thiêng như gọi dậy lời sấm truyền từ trăm năm trước, rằng phải biết tôn thờ và gìn giữ lấy mẹ rừng, đừng để rừng nổi giận…
Sẽ không ai dám làm việc xấu đối với rừng, vì sợ làm ô uế bản thân, dòng họ, sẽ làm hại dân làng, con cái ốm đau. Đó là hương ước, là cách ứng xử với rừng của đồng bào. Đó cũng là niềm đau đáu mà già Blao vẫn đang từng ngày, từng giờ răn dạy cháu con trong làng.
Lời già nói, liệu có như sợi khói bay lên rồi tan đi trong hư vô, hay sẽ là hòn than nóng đỏ, cứ âm ỉ cháy, thắp sự sống, thắp những tinh hoa văn hóa, thắp sự tôn thờ rừng xanh như một thứ tín ngưỡng thiêng liêng đã có từ trăm năm, nghìn năm của làng?
Rừng xanh rồi sẽ trả lời.