Giữa mênh mông đồi nương xanh non, nhiều phụ nữ vẫn miệt mài ngồi “vẽ” lên tương lai từ những bầu đất, mầm cây.
Có về khu rừng núi Hiệp Đức ở các xã Quế Bình, Quế Lưu, Phước Trà, cùng ngồi ăn chén cơm với những công nhân vườn ươm ở đây mới biết để có một mầm cây ra đời, người “công nhân – nông dân” phải vất vả thế nào. Đó là những người dân vùng sông Tranh, từ người Kinh đến Ca Đong, Giẻ Triêng, họ làm thuê ngay trên đất của mình. Còn với hàng chục chị em từ Tiên Phước qua, cũng không ngoài lý do đất sản xuất của họ đã được bán đi từ rất lâu.
Những phụ nữ miệt mài ở vườn ươm. Ảnh: SONG ANH |
Sống qua loa
Nhiều người kể, đất của họ, ngày xưa, phải tính từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, phải đi mất nửa ngày đường mới hết đất của cha ông. Nhưng đất đồi hiện nay, giá phải tính bằng vàng lượng mới có chỗ chen chân. Người nông dân miền núi đành phải chấp nhận ở tâm thế “làm công” bán sức, nếu không tổ chức được sản xuất. Những phụ nữ đang tay làm thoăn thoắt ngoài vườn ươm kia, hay cả người được phân công nấu cơm trưa cho chị em này, đều như vậy. Thuở xưa, đất đai cha ông bạt ngàn. Nhưng nay, đất ở quê chỉ đủ cho họ một mảnh vườn nhỏ với vài cây tiêu, vài luống rau. Và hết. Không có gì ngoài công lao động được tính bằng ngày, bằng sản phẩm ở những vườn đồi cho người từ nơi khác đến.
Lán trại hiu hắt, nằm đơn độc trên mỗi ngọn đồi. Ở Quế Bình này có khoảng gần chục lán như vậy. Trong lán, chỉ có bộ giường. Bếp, nồi niêu được treo bên ngoài. Áo quần thì móc lung tung trên vách. Chỉ vậy thôi. Đừng mong gương lược, hay ti vi. Chị Vy (công nhân cơ sở ươm giống Toàn Hạnh, xã Quế Bình, Hiệp Đức), người từ Tiên Phước qua đây làm công, giọng buồn bã: “Công nhân nông trường sống sao thì tụi chị y vậy. Ăn qua loa, sống qua loa, sống tạm”. Sáng dậy, mở mắt ra là thấy ngọn đồi úp ngay vào mặt. Tối thì một màn đêm đặc quánh bao quanh. Nếu một bữa người bạn đồng hành về quê trước, thì cả đêm trên đồi chỉ có một mình. Lăn qua, trở lại, mắt thao láo mong cho hết đêm. Mà đêm miền núi thì như vô tận. Những ngày tháng giêng càng buồn hơn. Đem theo mớ hạt dưa trong tết còn dư, đêm về ngồi cắn. Có chị kể, nhiều bữa nước mắt chảy ròng vì nhớ nhà. Mà từ Hiệp Đức về Tiên Phước có bao xa lắm đâu, nhưng phải 2 - 3 tháng họ mới đi. “Đi một ngày thì mất một công, tiếc lắm” - một chị nói. Cả xứ dọc sông Tranh này, khắp núi đồi đây đó, không biết có bao nhiêu phụ nữ nương bám theo những “nông trường – vườn ươm” để làm những cuộc đổi đời cho con cái? Phụ nữ thường vậy, làm gì, ở đâu cũng chỉ để lo cho con, ít ai nghĩ tới bản thân mình.
Không một ai biết đến chuyện bảo hiểm, từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đến tiền thưởng, ngày nghỉ lễ. Họ chỉ biết đến từng bầu đất, từng mầm cây. Cứ mỗi bầu giống, từ công đoạn sàn đất, đóng bầu, tưới tiêu, chăm sóc, tất tần tật, được chủ tính công 90 đồng/bầu. Một ngày làm cật lực, có khi chỉ ăn một bữa xế chiều, người giỏi nhất làm được 4.000 bầu, chưa đến 40 nghìn đồng cho một ngày công. Có chị còn nhận đóng bầu thêm vào buổi tối, để có thêm tiền. Quy trình từ một bầu đất đến khi lên mầm phải mất 4 tháng. Mất khoảng 1 tháng đóng bầu, còn thời gian sau, tiền công được tính theo giờ (gần 8 nghìn đồng/giờ). Một ngày làm từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, người nào cũng chắt chiu để mỗi tháng dư vài ba triệu đồng mang về lo cho gia đình.
Chăm những “mầm xanh”
Một “làn sóng” người, hay nói đúng hơn là từng đợt phụ nữ từ vùng sông Tiên kéo nhau qua núi đồi sông Tranh để bán sức lao động. Có người tuổi mới 20, có chị 30, và rất nhiều những phụ nữ ở tuổi trên 40. Lúc đầu 10 người đi, rồi 20 người đi, cứ thế hầu như những vườn ươm ở Hiệp Đức hôm nay đa số là người Tiên Phước. Tôi hỏi một chị đã khá lớn, tại sao chủ vườn ươm lại chọn người Tiên Phước? “Vì dân Tiên Phước lâu nay hay trồng rừng đồi, có kinh nghiệm sẵn. Tay nghề cũng khá” – chị nói. “Vậy sao mấy chị không ở lại với vườn ươm ở quê?” “Vườn thì được mấy héc ta, chủ thuê mấy người trẻ, có sức để còn làm nhiều việc khác. Thấy mấy người qua đây làm có tiền nên chòm xóm rủ nhau đi. Ở nhà mùa này cũng không có gì làm”.
Bữa cơm trưa được dọn ra quýnh quáng. Ăn vội để còn tiếp tục làm. Giữa mênh mông rừng đồi, tiết trời se sắt, nồi cơm mới nấu đã nguội. Thức ăn chỉ có một món, bữa cá kho, bữa thịt kho. Tất cả đều kho, và làm sẵn từ buổi tối để tranh thủ thời gian ban ngày. “Đồ kho mặn để được lâu, ăn vào thời tiết lạnh trên vùng núi như thế này giữ bụng ấm” - một chị nói. Các chị chăm cây còn hơn chăm cho mình. Hình như bản ngã của phụ nữ lưu dấu cả trong công việc. Làm gì cũng phải hết lòng, sự nhiệt thành từ trong bản chất, khiến họ dù có bị thiệt thòi ít nhiều, vẫn mỉm cười cho qua. “Thì vườn ươm nuôi mấy đứa con học đại học, chăm cho có cây giống tốt, chủ bán được thì việc mình mới nhiều. Ươm chồi cây xanh cũng như nuôi dưỡng con mình. Nề hà chi mấy khoản lặt vặt” - bà Nguyễn Thị Mai, công nhân vườn ươm Đức Uyên (xã Quế Bình, Hiệp Đức) chia sẻ. Vậy nên dù không có chủ vườn ươm ở đấy, họ vẫn chưa từng có ý nghĩ sẽ “ăn cắp” thời gian làm việc. Về đêm, những phụ nữ mỏng manh còn tự nhận mình là người bảo vệ vườn ươm. Ở trong lán, mắt thì nhắm nhưng lòng vẫn chập chờn mối quan tâm về hàng ngàn cây giống ngoài kia. Thi thoảng, chủ vườn tạt vào, kiểm tra chất lượng giống. Có người đã làm công việc này hơn chục năm, bằng với quãng thời gian vườn ươm ra đời. Dù là người Hiệp Đức hay Tiên Phước, tất cả đều là người vùng núi. Rừng xưa giờ thành vườn ươm cây giống, rừng cao su. Dù nhịp thở rừng đồi có trần trụi cỡ nào thì họ cũng là người ở rừng, lớn lên với ký ức về từ những rừng cây cổ thụ, bây giờ đã nằm sâu hun hút. Nhướn mắt có thật xa cũng chỉ qua được 2 ngọn đồi, hoặc đồi trọc, hoặc xanh non của mầm cây, không hề có bóng dáng của rừng.
Nghề ươm cây giống cao điểm nhất là vào mùa giêng hai này. Hạt cắm xuống dễ lên cây. Đất trời hiền lành cho cây sống thì con người sống. Hình như với họ đã cũ quá rồi ý nghĩa tháng giêng là mùa lễ hội. Mùng 6 tốt ngày, hàng trăm người đã khăn gói ra đi, để rớt lại quê nhà những tiếng thở dài nhớ tiếc. Còn nhớ có năm, đàn bà vùng núi lũ lượt kéo nhau vào TP.Hồ Chí Minh để làm giúp việc, những ngôi làng được báo chí gọi tên là “làng osin”, đi chăm con cho người trong khi con mình ở nhà nheo nhóc. Sau nhiều năm, phương Nam không còn là vùng đất hứa thì họ lại trở về. Lại tiếp tục đi làm ăn xa, nhưng lần này quê nhà không còn quá xa xôi. Dù những nỗi nhớ, mặc cho ở đất nào, cũng giống nhau cả thôi.
Buổi chiều kéo mây làm xám xịt cả vùng đồi. Những chiếc nón lá lục tục vô lán, tránh mưa rừng. Đất trời đãi nhau bằng những cơn mưa đầu năm buốt lạnh. Còn những người đàn bà ở vườn ươm gọi nhau bằng má, bằng chị hai, chị ba… để bớt nỗi nhớ nhà…
Ghi chép của SONG ANH