Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực từ tháng 7.2014 được cho là sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của luật cũ ban hành năm 2005, tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm, sử dụng vốn nhà nước.
Ngoài những hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định trước đây (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp...), Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng để phù hợp với thực tiễn, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và tạo việc làm cho người lao động. Đi kèm với đó là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong suốt quá trình tổ chức đấu thầu và vốn đầu tư công sẽ được quản lý minh bạch và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những bổ sung quan trọng trong phân cấp triệt để, giám sát và xử lý vi phạm trong đấu thầu. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn và thực hiện gói thầu và phải có trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Một quy định khá quan trọng là về đấu thầu qua mạng (đấu thầu điện tử) cũng góp phần tích cực trong minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu; đồng thời thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả hoạt động đấu thầu.
T.D