Để hạn chế tình trạng thất thoát, “lợi ích nhóm” trong ngành công nghiệp khai khoáng, nhiều năm trước các chuyên gia kinh tế lẫn môi trường trong nước đều kiến nghị Việt Nam phải khẩn trương tiếp cận, tham gia “Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” (EITI). Lỗ hổng lớn trong quản trị tài nguyên chính là các cơ quan chức năng vẫn còn khá mơ hồ về trữ lượng khoáng sản trong lòng đất; không kiểm soát được việc doanh nghiệp báo cáo kê khai sản lượng, sản phẩm làm cơ sở đóng thuế có trung thực hay không. Tuy nhiên, nếu tiếp cận EITI, khi chủ dự án gửi văn bản thuyết minh về dự án, chính quyền địa phương và người dân sẽ xem xét dự án ở nhiều phương diện lợi - hại, được - mất. Tiếp cận sáng kiến EITI sẽ giúp xây dựng chiến lược quản lý, giám sát toàn diện; mọi thông tin giữa doanh nghiệp, Nhà nước và các khoản thu đều phải công khai, minh bạch.
Tại phiên họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này. Trước đó, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22.7.2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ trong năm 2016 về đề án tham gia EITI. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, tiếp cận EITI cái lợi lớn là giúp Nhà nước quản trị thông minh toàn bộ nguồn thu, đẩy lùi nạn tham nhũng về lĩnh vực này.
Còn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, có hàng loạt lợi ích mà Việt Nam sẽ có khi tham gia EITI. Đó là EITI cung cấp thông tin đầu vào hiệu quả cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản. Điều này là đặc biệt quan trọng khi nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại. Thêm nữa, EITI giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách. EITI giúp các cơ quan nhà nước chủ động hơn trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là chống xuất khẩu lậu khoáng sản. Hiện nay, số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có chênh lệch gần 5 tỷ đô la.
Theo một số chuyên gia, xuất khẩu lậu khoáng sản chiếm phần không nhỏ trong con số chênh lệch đó. Mặt khác, EITI tạo diễn đàn minh bạch, tin tưởng lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm xung đột xã hội, củng cố an ninh trật tự, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Và cuối cùng, EITI giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro khi khai thác khoáng sản, giảm chi phí không chính thức, đồng thời tăng cường uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường của các nước phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
HỮU PHÚC