Tác phẩm, tác giả

Minh Thùy đối diện một nửa chiều

MỘC NHÂN 24/11/2024 09:09

Tôi đã đọc chậm rãi và nhiều lần tập bản thảo “Ai nghe lá hát” của Minh Thùy. Ở đó, hiện lên những cảm thức quen thuộc – quê xứ, cha mẹ, đời sống, nỗi niềm, ký ức…

16b902bf-18cf-4534-a6ea-a8604dfeb05f.jpg
Tập thơ "Ai nghe lá hát" của Nguyễn Thị Minh Thùy.

Minh Thùy sinh năm 1992, quê nội ở Đại Lộc, quê ngoại ở Núi Thành. Dường như cả hai vùng đất ở hai đầu xứ Quảng đều in dấu trong thơ chị.

Những tiếng vọng trong thơ Minh Thùy thể hiện tình cảm chân thực, tinh tế về người thân: “Mẹ lật đật xin nhà bên quả chanh chưng đường phèn mỗi lần cha ốm/ Cuối buổi về/ Trên tay là quả chanh héo/ Nụ cười cũng héo úa theo” (Nửa phố nửa quê); về quê hương: “Ái Nghĩa/ Nghèn nghẹn cuống họng/ Day dứt và tình yêu không nói được nên lời” (Ái Nghĩa); về tình yêu và thân phận: “đừng cố nuốt nước mắt vào trái tim vốn đã nhiều phiền muộn/ không phải ai cũng đủ can đảm/ khóc cho phận mình” (Xin); về đời “Cuộc đời thật quá mênh mông/ Nhưng cũng đủ chật, lòng vòng... lạc nhau” (Chỉ thế thôi); về những ký ức nào đó đi qua trong hành trình của chị: “Nếu biết Huế vẫn buồn như vậy/ Đã không về để nỗi nhớ đầy thêm/ Gió biển thốc cay xè khóe mắt/ Lòng chiều nay bão dông” (Về Huế)…

Những trải nghiệm cảm xúc trong thơ Minh Thùy khá phong phú và thú vị. Những câu thơ kết nối các trường cảm xúc, từ cái chung đến cái riêng, từ hiện tại đến quá khứ trong cái tôi trữ tình. Bạn có thể tìm ra những câu thơ như thế trong “Ai nghe lá hát” của Minh Thùy, để nhận ra sự sâu lắng, vẻ đẹp tâm hồn lẫn những thông điệp.

Đọc thơ Minh Thùy, tôi nhận ra những bóng chữ chuyển dịch từ đời sống vào tác phẩm mà tác giả trải lòng trên từng trang viết: “Chừ mình em đối diện một nửa chiều/ Nghe cô đơn dâng tràn nơi khóe mắt/ Lục tìm trong màu tím cánh bằng băng hay giọt cafe đắng/ Vẫn không thể tìm lại một nửa chiều mà anh đa mang đi” (Đối diện một nửa chiều)… Bóng chữ ấy là những xúc cảm giấu kín, cân bằng xung đột, bộc lộ mơ ước, cho phép bạn ca hát trên nỗi lòng.

Minh Thùy, ngoài đời thực là người thơ điềm tĩnh, kín đáo trong giao tiếp, ít đùa cợt khi tụ bạ, ít bày tỏ chuyện thơ, họa hoằn mới đăng thơ trên trang cá nhân… Nói chung “giao diện” của chị dường như ít chất thơ, ít bày biện một cá tính.

Vậy nên tôi đã ngạc nhiên khi đọc được “cái tôi thứ hai” trong thơ chị với những vẻ đẹp của một tâm hồn dám sống, dám nói, dám yêu, dám mơ mộng, dám công khai căn cước của mình trong thơ ca: “Em có gì đâu để yêu anh/ ngoài trái tim đã từng mang vết xước/ của bồng bột tuổi trẻ/ mà tim anh nồng ấm quá/ bao dung mọi số phận trong đời” (Em có gì đâu để yêu anh).

Thơ Minh Thùy ít khi cao giọng, chữ nghĩa giản dị, cấu tứ không quá phức tạp, không cầu kỳ trong sử dụng ẩn dụ hay liên tưởng nên dễ đọc, dễ cảm thấu - nhưng không quá dễ dãi.

Đọc thơ Minh Thùy, dẫu từ ngữ không bao giờ hoàn toàn ngang bằng với trải nghiệm đằng sau chúng; dẫu giọng nói trong dòng thơ tự sự thăng hoa thành giọng thơ nhưng tôi nghĩ chúng kết nối các yếu tố thi pháp tạo nên diện mạo tác giả. Trên bình diện con chữ, chúng ta thấy rõ năng lượng của Minh Thùy hứa hẹn ở những bản thảo tiếp theo.

Trong thời buổi thơ hầu như nằm bên ngoài tâm hồn con người thì sự xuất hiện của một giọng thơ nữ là điều đáng quý. Minh Thùy đã chọn thơ ca để quay về cố xứ, để sống yêu thương và ứng xử như một nhà thơ thực sự, để tự vấn “Ai nghe lá hát”, để cãi vã với chính mình… Vậy thì xin bạn đừng cãi vã với chữ nghĩa của nhà thơ.
Và với niềm tin vào thơ ca và sự thấu hiểu tác giả khi đọc tập thơ này, tôi nghĩ rằng Minh Thùy sẽ lắng nghe sự chia sẻ, đón nhận của bạn ngay cả khi “Đối diện một nửa chiều”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Minh Thùy đối diện một nửa chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO