Tài quân sự của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bắt đầu từ trận Phay Khắt, Nà Ngần đến chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn năm 1975, phải kể bằng hàng nghìn trang sách vẫn không đủ. Có thể nói, có một “minh triết quân sự Võ Nguyên Giáp”. Và, chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao của minh triết Võ Nguyên Giáp.
“Điểm huyệt” hiệu quả
Cái gốc minh triết Võ Nguyên Giáp là ba yếu tố cốt lõi hợp thành: Lấy dân làm gốc - Lòng yêu nước - Chiến tranh nhân dân. Đó là tư tưởng “dân là gốc” của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… được Đại tướng vận dụng, quán xuyến trong mọi suy nghĩ và hành động của mình. Từ minh triết “lấy dân làm gốc”, “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, Võ Nguyên Giáp đã đi đến những tư duy và quyết định quân sự vô cùng tài tình, “điểm huyệt” hiệu quả. Ví dụ trong chiến dịch Biên giới năm 1950, kế hoạch là đánh thị xã Cao Bằng. Nhưng sau khi thị sát tình hình, Đại tướng đã quyết định đánh Đông Khê cách thị xã Cao Bằng 45km về phía nam. Đánh Đông Khê thì Cao Bằng bị cô lập. Đó chính là “điểm huyệt”. Nghĩa là Võ Nguyên Giáp không đánh Cao Bằng mà giải phóng được Cao Bằng, mở thông biên giới. Hay trong Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, minh triết Võ Nguyên Giáp đã nhận ra Buôn Ma Thuột chính là “điểm huyệt”, nên Đại tướng quyết định đánh Buôn Ma Thuột. Và chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ chỉ mấy tháng sau đó.
Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực ra mặt trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Nhưng phải nói chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của minh triết Võ Nguyên Giáp. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời với ý đồ của tướng Na-va, nhằm án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công. Và, theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó. Pháp ở Điện Biên Phủ có tới 16 nghìn quân, có pháo binh 105, 120 ly, xe tăng và máy bay thiện chiến kể cả máy bay Mỹ tham gia tác chiến, lại được Mỹ viện trợ. Nhận lãnh trách nhiệm trước Bác Hồ và Bộ Chính trị về chiến thắng quân Pháp tại Điện Biên Phủ là một thử thách lớn đối với khả năng cầm quân và ý chí chiến thắng của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi là “kéo pháo ra”, thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” vì phương án đầu không bảo đảm chắc thắng. Tựu trung lại là phải giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu, nếu không thắng là cách mạng “hết vốn”…”. Bởi thế mà Tướng Vương Thừa Vũ (1910 - 1980) sau này đã thốt lên rằng: “Nếu anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) không thay đổi cách đánh thì chúng tôi sẽ không sống sót để sau này mà đánh Mỹ”. Thay đổi cách đánh trong trận Điện Biên Phủ của Đại tướng còn là binh pháp “lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.
Quyết định sống - còn
Trở lại Điện Biên Phủ 60 năm trước, ngày 14.1.1954 tại hang Thẩm Púa, Tướng Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308. Đại đoàn này sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới sở chỉ huy của địch. Các Đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ đột kích vào hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được phê duyệt. Bởi, đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, điều trăn trở đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ vì những lời Cụ Hồ dặn, chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Việt Minh đã dồn lên chiến trường. Nếu chiến dịch không thắng, hơn 4 đại đoàn chủ lực (các Đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 và Đại đoàn pháo 351) bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Genève sẽ thế nào? Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ rất lung, có nên hoãn cuộc tấn công “đánh nhanh thắng nhanh” mà giờ giấc đã định. Về chiến thuật tác chiến bộ binh, từ những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, Đại tướng chủ trương tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, từng cứ điểm từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc Pháp không còn sức kháng cự. Không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch như kiểu “thắt thòng lọng”. Cách đánh này cần thời gian chuẩn bị và chiến đấu dài ngày, thường gọi là “đánh chắc tiến chắc”, cũng còn được gọi là “đánh bóc vỏ”. Bộ binh được đường hào che chắn và có được vị trí tiến công gần nhất có thể, sẽ hạn chế tối đa thương vong khi tấn công. Và cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Sau gần 2 tháng “kéo pháo ra” rồi lại “kéo pháo vào”, 17 giờ 6 phút ngày 13.3.1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, mệnh lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ được Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp truyền đi qua máy điện thoại. 21 giờ 30 phút, ngày 7.5.1954, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận bức điện của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh kiêm Bí thư Ðảng ủy chiến dịch, qua hệ thống vô tuyến điện, báo cáo “Quân ta đã đại thắng tại Điện Biên Phủ”. Như vậy toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã rơi vào chiếc thòng lọng “đánh chắc tiến chắc” bằng đánh lấn, bằng hệ thống giao thông hào mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giăng ra.
Tượng đài trong lòng nhân dân
Ngày 7.5.1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng là một thảm họa đánh dấu thất bại hoàn toàn của quân Pháp. Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân Pháp ở Đông Dương. Sau này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Marcel Bigeard, nguyên là Trung tá, Phó chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sang thăm Việt Nam năm 1993, nhìn lại chiến trường cũ, đã nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Còn tướng Đờ Cát, sau khi bại trận, bị bắt và được tha trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Để có những quyết sách “điểm huyệt” trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong suốt cuộc đời làm tướng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nắm chắc tình hình địch - ta, đi thị sát tận nơi và suy nghĩ sáng tạo để tạo thế “ít thắng nhiều”, “yếu thắng mạnh”, “đánh một điểm rúng động nhiều điểm”. Làm tướng, hay làm tham mưu tức là bộ não của một đoàn quân. Bộ não ấy phải thông tuệ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã tổng kết: “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta và nhân dân các dân tộc trên thế giới. Đồng thời chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới với tư cách là một thiên tài quân sự. Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ngày 4.10.2013, hãng Thông tấn AFP (Pháp) đã gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả gây ra thất bại thảm hại cho đội quân viễn chinh Pháp tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ - sự kiện đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương và khẳng định: Sự kiện đó đã đưa ông trở thành tượng đài trong lòng nhân dân.
NGÔ MINH