Sáng đó Thừa đến không nói câu gì. Tự tiện dọn quần áo của mấy mẹ con Hiền vào chiếc ba lô bị chuột cắn rách lòi cả lớp lót ra ngoài. Ngó quanh quẩn thấy cũng chẳng còn gì để mang theo nữa, Thừa ngẩng lên bảo:
- Đi. Mình về nhà thôi!
- Nhà nào?
- Thì nhà của tụi mình.
Hiền còn đứng ngẩn người thì đã bị Thừa kéo đi. Tay còn lại Thừa bế thốc bé Thỏ đang ngồi nghịch đất nhem nhuốc ngoài góc sân. “Còn bé Gấu để chiều tan học, anh quay về đón”. Hiền muốn giằng tay ra nhưng chẳng hiểu sao lại cứ để Thừa kéo đi như thế. Từ lúc rời khỏi cuộc hôn nhân với người chồng cũ, Hiền đã nghĩ mình không bao giờ giằng buộc với một người đàn ông nào nữa. Người ta không thể bước khỏi vũng bùn này để rồi lại dẵm chân vào vũng bùn khác. Chị phải rửa sạch chân mình mà sống một cuộc đời khác. Trả nợ, nuôi con. Lúc mới gặp Thừa chị chẳng nghĩ gì, chỉ thấy cùng cảnh ngộ thì thương. Thương ở đây là bán rẻ mớ rau, bày cách nấu món này món kia nếu Thừa có hỏi. Sau này tình thương ấy cứ lớn dần lên. Hiền bắt đầu nhắc Thừa đi cạo râu cắt tóc. Thấy ngực đứa con gái mới lớn của Thừa nhú phồng lớp áo thì nhắc nó đi mua áo bra mặc vào cho kín đáo. Sau này vài lần Thừa chạy đến chợ lôi tuột Hiền về nhà xem hộ đứa con gái nhỏ bị sốt suốt từ đêm. Rồi có hôm thấy áo con anh tuột đường chỉ, chị thở dài bảo: “Cởi ra cô may lại giùm cho”. Thừa làm ở xưởng gỗ, thỉnh thoảng hay tự làm vài món đồ chơi mang đến cho con Hiền. Vườn nhà Thừa mùa nào thức ấy, có trái chín nào cũng mang đến bảo “phần cho tụi nhỏ”.
Tụi nhỏ của Hiền là hai đứa con vẫn còn hay chảnh chọe. Đứa lớn mới năm tuổi đang học trường mẫu giáo. Đứa nhỏ hai tuổi ngày nào cũng theo mẹ đến chợ vạ vật ở sạp rau. Khách đến mua hàng ai cũng hỏi sao không để con ở nhà cho đỡ tội? Hiền không có nhà. Căn nhà tuềnh toàng bây giờ là chỗ thuê. Dân buôn bán ở chợ ai mà chẳng biết hoàn cảnh của Hiền. Ly hôn chồng, làm ăn thua lỗ ôm theo cả đống nợ vài trăm triệu. Sổ đỏ nhà mẹ đã mượn cắm lấy vốn làm ăn. Sa cơ, vốn không trả được, lãi hàng tháng cũng đành phó mặc mẹ già xoay xở. Lúc mới ly thân bé Thỏ vẫn còn nằm trong bụng Hiền. Thân cô thế cô chẳng biết đi đâu chị đành về bấu víu mẹ. Lúc thằng nhỏ được một tuổi thì mẹ mất, căn nhà bị ngân hàng tịch thu. Hiền ôm theo con và bát hương thờ mẹ xuống phố kiếm kế sinh nhai. Cũng may có lòng tốt người đời mà mấy mẹ con Hiền đi qua cơn bĩ cực. Gian hàng này được mở ra cũng là nhờ mọi người bảo nhau xích vào một tí. Người dựng giúp cái bạt che mưa che nắng. Người chỉ cho mối giao rau sạch mà lại rẻ. Người chèo kéo khách cho Hiền. Hồi mới mở, sạp rau nhà Hiền thường hết đầu tiên. Vì dân buôn bán trong chợ bảo nhau mua ủng hộ. Vài lần họ đùa vui: “Nhất định xóm chợ này phải gả chồng cho em Hiền mới được”. Hiền chẳng nghĩ ngợi gì chỉ mải mê buôn bán nuôi nấng hai con. Mà giả dụ có muốn đi bước nữa thì hoàn cảnh như Hiền ai chịu lấy. Nhan sắc không có, tiền bạc cũng không, lại một nách hai con thì thử hỏi ai dám đèo bòng? Ấy thế mà Thừa dám…
Ngôi nhà này chị từng tới lui vài lần để xem con gái Thừa đã cắt cơn sốt hay chưa. Lần nào cũng vội vàng chẳng kịp nhìn ngắm xung quanh. Nhưng lần này thì khác, về đến cổng nhà Thừa chị cứ đứng tần ngần. Nhìn từ cái dây phơi trước cửa có mấy chiếc áo trẻ con đang phất phơ bay. Nhìn mảnh sân thiếu tay người quét dọn, mùa này hoa xoài rụng như trải thảm, đen sì. Chân Hiền vừa bước vào nhà là thấy ngay đám bụi và mạng nhện đón mình. Qua vệt nắng xiên ngang Hiền thấy bụi cuộn lên chiếm trọn căn phòng. Ngó bộ ấm chén chiếc lành chiếc sứt khiến chị cồn cào nhớ mẹ. Trước kia, thỉnh thoảng về thăm nhà Hiền thường thấy bã chè trong ấm đã mọc rêu, dưới đáy chén vàng khè cóc cặn. Sự cô đơn của ngôi nhà hiện ra mồn một. Lâu rồi chưa có khách tới chơi. Lâu rồi người trong nhà lủi thủi vào ra. Ý nghĩ ấy khiến Hiền thấy chạnh lòng thương cảm cảnh gà trống nuôi con của Thừa. Thừa vụng về lấy tay phủi bụi trên chiếc ghế gỗ đã bạc màu, lúng túng bảo:
- Em ngồi đi. Thông cảm, đã lâu nhà thiếu bàn tay người thu vén. Em thương bố con anh thì về đây. Tự khắc mọi góc nhà sẽ tươm tất, thơm tho.
- Nhưng…
- Thôi không nhưng nhị gì cả. Em đi vo gạo nấu cơm nhé. Góc vườn nhà mình có cây sấu sai quả lắm. Anh chạy ù xuống ao là trưa nay có bát canh cá nấu chua. Tí bắt con vịt mang om sấu nữa chắc các con sẽ thích. Hôm nay phải ăn mừng một bữa.
Chẳng kịp để Hiền kịp nói câu gì, Thừa cúi xuống thơm bé Thỏ rồi chạy nhanh ra vườn. Chị chỉ còn nghe thấy giọng đàn ông khấp khởi vọng vào: “Gạo nhà mình để trong chiếc thùng nhựa màu đỏ ở góc bếp đó em”. Hai từ “nhà mình” ngân vang trong tâm trí Hiền tạo nên thứ dư âm rất lạ. Không nhẽ mẹ con Hiền lại có một mái nhà để trở về? Các con Hiền có bố, có thêm hai người chị để đùm bọc lẫn nhau? Nước mắt Hiền chầm chậm ứa ra nóng ran cả hai gò má. Xúc động hồi lâu Hiền mới nhớ ra cần phải thổi cơm. Bước xuống căn bếp chị cầm cái này đặt cái kia, không biết nên dọn dẹp chỗ nào trước, chỗ nào sau. Nhưng chỉ một lúc sau, khi Thừa xách con cá trắm về tới nơi thì căn bếp đã gọn gàng đâu ra đấy. Thừa đứng đó ngẩn người vài giây, nở nụ cười ngại ngùng bảo: “Có em về căn bếp cũng vui”. Bữa cơm ấy vui hơn Hiền tưởng. Bởi tụi trẻ chẳng thấy gì xa lạ, gặp là ùa vào với nhau. Một con mèo cũng làm chúng vui, chụm đầu bên nhau xem đường đi của đàn kiến nhỏ. Trong bữa cơm bé Gấu hỏi:
- Có thật từ giờ ba mẹ con mình sẽ sống ở đây? Chú Thừa nói với con như thế.
Mấy con mắt ngẩng lên nhìn nhau. Hiền còn chưa biết nói gì thì thấy con gái lớn của Thừa níu tay áo chị bảo:
- Cô về ở đây đi. Nấu cơm cho tụi con ăn. Bố con nấu cơm hay bị khê, khó nuốt lắm cô ơi. Em con cũng hay bị sốt đêm, có cô về thật tốt.
Hiền cúi xuống, nước mắt rơi xuống bát cơm còn nóng hổi. Hạnh phúc nhỏ nhoi này chị chưa từng nghĩ tới. Vài tháng trước, lúc giúp Hiền dọn hàng trong cơn mưa ướt nhẹp, Thừa cũng đã từng ngỏ lời: “Cuộc đời vất vả quá, chúng mình thương lấy nhau có được không?”. Hiền vờ như mưa to quá không nghe thấy gì. Tối nằm trằn trọc nghĩ “Thôi đừng mơ mộng gì. Đến bố của tụi nhỏ còn bỏ chúng mà đi thì mong gì người trong thiên hạ”. Vài lần đón con ở cổng trường, chị bắt gặp ánh mắt bé bỏng của Gấu ngoái nhìn người bố nào đó chiều chuộng mua cho con họ quả bóng bay. Hiền biết cho dù cố gồng lên để sống thì trong thế giới của con sự thiếu thốn vẫn không gì bù đắp nổi. Những món đồ chơi bằng gỗ mà Thừa tặng khiến tụi nhỏ rất vui. Có lần Gấu hỏi: “Có phải người bố nào cũng ấm áp phải không?” lúc thấy Thừa cồng kênh đứa con gái nhỏ trên vai. “Con cũng muốn có một người bố như thế. Người ta có thể mua một người bố như mình mua món này món nọ hay không, mẹ?”. Hiền không biết trả lời con thế nào, chỉ thấy một cơn đau sắc lẹm nơi ngực trái. Tiếc thay không ai có thể mua được một người bố cho con. Bởi tình yêu thương đâu có ai mua bán bằng tiền. Giờ nhìn con tíu tít trong căn nhà này Hiền nghĩ, nếu Thừa đủ bao dung để chấp nhận các con mình thì chị cũng sẽ mở lòng để cố gắng làm mẹ của hai đứa con anh. Nương tựa vào nhau dưới một mái nhà mặc ngoài kia mưa nắng.
Tối đó Thừa đóng thêm một chiếc bàn thờ để chị được làm tròn chữ hiếu. Bàn thờ mẹ chị được anh đặt thấp hơn một chút so với bàn thờ chính. Ngồi lau di ảnh mẹ, Hiền không sao ngăn nổi dòng nước mắt. Điều Hiền ân hận nhất trong cuộc đời này là đã làm mẹ khổ. Nếu không vì chị có lẽ mẹ đã không đổ bệnh mà ra đi sớm thế. Giá như còn sống thì chắc mẹ sẽ vui lắm trước hạnh phúc mới của Hiền. Kiểu gì mẹ cũng nói “Rá rổ cạp lại càng phải thương nhau”. Mẹ là thế, hiền hậu và bao dung. Hiền mang mẹ về đây, mong người ở thế giới bên kia có thể yên lòng. Thừa ra vườn hái vài thứ quả bày lên bàn thờ, thắp mấy nén hương thơm. “Cúi lạy mẹ phù hộ cho chúng con được mạnh khỏe, bình an”. Chị nhìn anh, vừa vui vừa tủi. Mấy đứa nhỏ học xong bài đã lên giường ôm nhau ngủ. Ngoài kia trăng lên rồi, một mảnh trăng hao khuyết.
Sáng nay Hiền dậy sớm nấu một bữa cơm tươm tất cho các con ăn đi học. Hạnh phúc giản đơn này khiến chị bùi ngùi. Lúc ngồi sau xe Thừa đến chợ Hiền nghĩ tới những người bạn buôn bán của mình. Họ chắc hẳn sẽ vui lắm khi thấy mẹ con Hiền có một mái nhà. Thừa nói rồi, sẽ làm vài mâm cơm thân mật để cảm ơn những người từng cưu mang chị. Hiền đã dọn lại nhà. Sẽ mua thêm mấy khóm hoa về trồng. Sẽ vun vén cho giống một tổ ấm bình thường như bao nhiêu người khác. Ở đó những đứa trẻ sẽ lớn lên trong đủ đầy tình thương yêu. Ở đó Hiền sẽ thu vén lại cuộc đời mình sau bao năm dang dở…