(QNO) - Sáng nay 26.9, tại Quảng trường 24 tháng 3, UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (28.9.2015). Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, lãnh đạo Cục Thú y, Cục Y tế dự phòng, Viện Dịch tể trung ương và đại diện một số tổ chức quốc tế.
Đông đảo cán bộ, học sinh tham dự lễ mít tinh. Ảnh: VINH ANH |
Năm 2015, Quảng Nam được Bộ Y tế chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh/thành trên cả nước tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại với chủ đề “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vắc xin phòng dại cho chó”.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây ra. Nguồn bệnh là các động vật máu nóng mà chủ yếu là chó và mèo. Bệnh lây truyền qua đường da và niêm mạc, thường qua vết cắn của động vật nghi dại. Người khi bị súc vật nghi dại cắn mà không được xử lý vết thương, không được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại thì sẽ mắc bệnh dại, khi lên cơn dại thì 100% sẽ tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có hơn 50 nghìn người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Ở Quảng Nam, trung bình hàng năm có từ 2.500 – 3.000 người được điều trị dự phòng vắc xin và huyết thanh sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, tương ứng phải chi phí từ 2,5 – 3 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh, bệnh dại đã làm 19 người tử vong.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh ký cam kết hành động "Vì một Việt Nam không có bệnh dại". Ảnh: VINH ANH |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Nam sẽ chung tay với cả nước đẩy lùi bệnh dại. Theo đó, Quảng Nam phấn đấu tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở đàn chó, mèo hàng năm đạt trên 80% trên quy mô xã/phường; đảm bảo 100% người bị chó, mèo nghi dại cắn phải được xử lý vết thương theo đúng hướng dẫn và tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại; đồng thời tăng cường công tác truyền thông để mọi người biết rằng, khi bị chó, mèo nghi dại cắn thì cần phải được tiêm phòng vắc xin, các biện pháp chữa bằng thuốc nam, gia truyền hoàn toàn không có tác dụng.
Các đoàn viên thanh niên TP.Tam Kỳ tuyên truyền phòng chống bệnh dại. Ảnh: VINH ANH |
Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại đến năm 2020, theo ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chính quyền các cấp cần cam kết và vào cuộc mạnh mẽ thông qua việc phân bổ nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dại cũng như nâng cao dịch vụ y tế, thu y tại các cấp.
Người dân đưa chó đến tiêm phòng. Ảnh: VINH ANH |
Theo bà Maho EmamiZin, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, trong thời gian tới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và thực hành kế hoạch 5 năm phòng chống và kiểm soát bệnh dại ở động vật và người, trong đó tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, điều tra ổ dịch và nâng cao năng lực hệ thống phòng thí nghiệm cho cả 2 ngành y tế và thú y.
VINH ANH