Mở!

QUY SẮC 20/08/2016 10:36

“Sách giáo khoa là pháp lệnh nhà nước”. Đây là câu nói quen thuộc đối với những người làm công tác thanh tra, quản lý giáo dục và giáo viên. Nhiều người đã từng dùng nó như là “quyền phủ quyết tối hậu” để “phủ đầu” đối phương trong những cuộc tranh cãi về chuyên môn. Thực ra cốt lõi vấn đề ở đây chỉ là nêu lên một nguyên tắc chung: “Phải tuân thủ đúng theo sách giáo khoa”. Đành là vậy, nhưng câu nói chỉ khái quát vấn đề cơ bản về nguyên tắc dạy - học chứ không ngăn cấm khả năng vận dụng linh hoạt từ sách giáo khoa. Nhận thức máy móc vấn đề nên nhiều giáo viên đã đánh mất khả năng “mềm hóa” cần thiết trong quá trình truyền thụ kiến thức, nhất là đối với một tiết dạy - học văn.

Suy cho cùng thì môn văn là môn “tâm truyền” và dạy văn là dạy  người. Mà làm người thì không ai có thể đúc sẵn cho ai một khuôn mẫu nhất định. Vậy thì hà cớ gì người thầy lại buộc học sinh phải theo một con đường vạch sẵn?

Thầy giáo dạy văn không có khả năng vận dụng sáng tạo sách giáo khoa thường chỉ biết rập khuôn tiết dạy theo đúng 5 bước lên lớp, lần lượt giải quyết nội dung bài dạy theo trình tự từng câu hỏi hướng dẫn khai thác trong sách giáo khoa. Tác phẩm văn học, vì thế, sẽ bị phá vỡ tổng thể, nội dung giảng dạy bị chẻ nhỏ rời rạc, cảm xúc từ phía học sinh sẽ chập chờn và thiếu độ sâu ấn tượng. Thường, sau một tiết học như thế, học sinh dễ có cảm giác không khác với một tiết lịch sử, địa lý..., xúc cảm lưu lại hết sức mờ nhạt.   

Sự vận dụng mềm hóa sách giáo khoa có thể sẽ không cần máy móc theo đúng 5 bước lên lớp mà vẫn đầy đủ bóng dáng của quy trình 5 bước. Trình tự các câu hỏi gợi ý trong sách cũng có thể được đảo lộn để tạo sự bất ngờ, hứng thú cho học sinh, miễn sao nội dung được chuyển tải đầy đủ, có điểm lướt, điểm nhấn và… đầy cảm xúc. Cũng có thể sự vận dụng sáng tạo ở đây chỉ là một thao tác nhỏ như cập nhật các kiến thức mới ngoài đời vào bài giảng, giới thiệu đọc thêm một số quan điểm đánh giá khác nhau về tác phẩm.... Nhỏ vậy thôi, nhưng sẽ kích thích được đầu óc tìm tòi học hỏi và khả năng vận dụng sáng tạo ở học sinh. Từ đó giúp học sinh tự tin hơn, bớt đi sự hàm hồ, chủ quan trong nhận thức.

Dạy bình thường, thấy nhiều giáo viên văn cũng sáng tạo khá thoáng, nhưng không hiểu sao khi có dự giờ, thanh tra thì bỗng “co về thủ thế theo pháp lệnh”. Có thể là do thói quen sợ rắc rối, hoặc là thiếu tự tin. Những giờ dạy văn như thế dù tròn trịa đến đâu cũng không thể xếp vào loại giỏi được. Người dự giờ, đánh giá tiết dạy, nếu không am tường chuyên môn, cũng sẽ vô tình tiếp tay với cách dạy cứng nhắc này. Bởi, nếu họ chỉ biết ràng buộc tiết dạy, người dạy vào sự tủn mủn của con sâu cái kiến thì hà cớ gì người dạy lại tung tẩy sáng tạo cho thêm phức tạp.

Liên quan đến chuỗi vấn đề gây hưng phấn, sáng tạo trong một tiết dạy - học văn còn phải kể đến khâu ra đề kiểm tra. Đáp án đề kiểm tra môn văn thường chỉ là những yêu cầu chung nhất cần đạt chứ không thể cụ thể như đáp án các môn tự nhiên. Theo đó, nên ưu tiên khuyến khích khả năng vận dụng sáng tạo ở mỗi học sinh bằng điểm thưởng thích đáng. Được như thế sẽ động viên rất lớn khả năng mạnh dạn phô bày hết suy nghĩ, tình cảm chân thật của học sinh đối với tác phẩm văn học - một giá trị hết sức quý đối với đặc trưng dạy - học văn. Cuối cùng, nên sử dụng loại đề kiểm tra “mở” đối với môn văn, vì tự thân loại đề này kích thích được khả năng sáng tạo của học sinh bằng những “khoảng mở” thú vị cho sự tung tẩy kiến thức.

QUY SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO