(Xuân Đinh Dậu) - Số lượng hành khách gia tăng đột biến và chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ đã tạo động lực mới để tiếp tục mở rộng bầu trời Chu Lai…
Khai mở…
Tôi đến sân bay Chu Lai vừa lúc có một máy bay sắp hạ cánh, đội ngũ làm dịch vụ mặt đất trong tư thế sẵn sàng. Nhiều người tỏ ra háo hức, cũng giống như tôi, cảm giác như ngày đón chuyến bay thương mại đầu tiên hạ cánh xuống Chu Lai. Đó là ngày 24.3.2005, theo dự kiến phải đến 9 giờ 30 phút chiếc máy bay ATK72 của hãng VASCO chở 68 hành khách từ TP.Hồ Chí Minh mới đáp xuống, nhưng cánh phóng viên chúng tôi đã đến đây từ sớm. Sân bay Chu Lai lúc ấy không như hình dung của tôi, có thể vẫn còn ngổn ngang những công sự nham nhở, hoặc giả sẽ có đôi ba xác máy bay rệu rã bởi các cuộc pháo kích trước ngày được giải phóng.
Hành khách qua Cảng hàng không Chu Lai.Ảnh: MINH ĐỨC |
Nhưng trước mắt là một dải cát rộng mênh mông, lô nhô những đám cây bụi. Chỉ thấy còn lại nhiều khu nhà chứa máy bay như những chiếc ống nứa xẻ đôi úp xuống mặt đất ở cuối đường băng dài, đã ám màu thời gian. Chu Lai trong quá khứ là căn cứ không quân quy mô của chế độ cũ, gắn với nhiều sự kiện lịch sử và là nơi quân và dân mảnh đất “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” lập nhiều chiến tích. Nhiều người trong chúng tôi chưa từng đặt chân đến đây nên có vẻ rất tò mò, và nhận ra điều thuận lợi để có thể phát triển nơi này thành một sân bay thương mại tầm cỡ bởi hạ tầng, nhất là đường băng được xem là dài nhất nhì khu vực vẫn còn nguyên vẹn.
Để đón chuyến bay thương mại đầu tiên, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 2.700m2 và các trang thiết bị khác nhằm phục vụ cho khai thác các chuyến bay đi/đến sân bay Chu Lai. Đặc biệt, tuyến đường vào cảng hàng không cũng được đầu tư rất bài bản, tạo tiền đề để Chu Lai mở rộng bầu trời, thu hút thêm nhiều tuyến bay mới. Nhưng phải mất đến 5 năm, ngày 2.6.2010 sân bay Chu Lai mới có thêm hãng Vietnam Airlines vào khai thác 4 chuyến/tuần cũng bằng loại máy bay ATR72 (trước đó VASCO khai thác 2 - 3 chuyến/tuần). Cái khó của sân bay Chu Lai là bị chia sẻ thị phần bởi sân bay Đà Nẵng, trong khi hiếm có khách du lịch đến Quảng Nam qua Chu Lai. Mặt khác, cơ sở hạ tầng dù đã được đầu tư bước đầu nhưng vẫn còn hạn chế. Tôi còn nhớ lần trở lại sau khi sân bay đưa vào hoạt động, để đảm bảo an toàn bay, cảng hàng không phải thuê một nhóm canh giữ những đàn trâu bò thường được chăn thả quanh đó. Bây giờ thì chuyện này không còn nữa, một hàng rào kiên cố đã được xây dựng quanh khu vực, rồi nhà ga và các thiết bị chuyên dụng cũng được gia tăng đầu tư đồng bộ…
Đầu tư cơ sở hạ tầng
Theo ông Lê Minh Triều - Giám đốc Cảng hàng không Chu Lai, dấu ấn của Chu Lai là chuyển từ khai thác tàu bay nhỏ sang tàu bay lớn và lượng hành khách tăng đột biến. Cụ thể, từ ngày 19.5.2015, ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific khai thác các đường bay Chu Lai - Hà Nội, Chu Lai - TP.Hồ Chí Minh với tần suất 7 chuyến/ngày bằng các loại tàu bay A320, A321. Năm 2014 chỉ có 44.000 lượt khách qua Chu Lai thì đến năm 2015 đạt 155.000 lượt và năm 2016 đạt đến 550.000 lượt. Dự kiến 2017, Chu Lai sẽ đón 700.000 lượt khách. “Chu Lai nằm giữa hai khu kinh tế lớn là Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất nên có nhiều thuận lợi để khai thác thị trường. Để thu hút khách, hiện hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đều hỗ trợ xe buýt trung chuyển khách đến sân bay và ngược lại. Rồi việc các hãng tăng chuyến bay, hạ giá vé cũng tạo sự cạnh tranh, hấp dẫn hành khách” - ông Triều nói.
Lượng khách gia tăng đột biến là tín hiệu mới để Chu Lai tiếp tục mở rộng đầu tư, tạo động lực phát triển. Theo ông Lê Minh Triều, năm 2017 Cảng hàng không Chu Lai sẽ triển khai dự án mở rộng nhà ga, sân đậu ô tô giai đoạn 1 với nguồn vốn gần 200 tỷ đồng, đáp ứng phục vụ từ 800 nghìn đến 1 triệu lượt khách/năm, sau đó sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, phục vụ 1,5 đến 2 triệu khách/năm. Ngoài ra sẽ đầu tư các thiết bị đồng bộ, bên cạnh Hệ thống khí tượng tự động, hệ thống đèn đêm đã được đầu tư đưa vào khai thác, Cảng hàng không Chu Lai sẽ được đầu tư thêm hệ thống hạ cánh chính xác để tăng năng lực tiếp thu, giảm thiểu tàu bay chuyển sân bởi thời tiết xấu. Hiện nay đôi khi gặp thời tiết xấu, tầm nhìn và đáy mây thấp hơn tiêu chuẩn, máy bay phải chuyển sang hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng, nhưng sang năm trang thiết bị sẽ được đầu tư đồng bộ, tương đương tiếp thu hạ cánh với sân bay Đà Nẵng.
Trong chiến lược đầu tư phát triển, Chu Lai được quy hoạch là sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế và được biết hiện có một hãng hàng không đang nghiên cứu đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho Chu Lai. Theo ông Lê Minh Triều, đó là quy hoạch của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh đang đưa vào chương trình hành động và có kế hoạch triển khai chi tiết quy hoạch trong thời gian đến. Hy vọng trong tương lai không xa, Cảng hàng không Chu Lai sẽ đón những chuyến bay vận tải quốc tế đến và đi, tạo nên vận hội mới cho ngành hàng không của tỉnh.
Tôi nhìn qua cửa sổ nhà ga, ngày cuối năm, khách qua Cảng hàng không Chu Lai với bước chân vội vã. Trên đường băng, một chiếc máy bay đang lấy đà rồi lao vút về phía chân trời. Nắng lên!
MINH ĐỨC