Mơ bến Đào nguyên

LIÊU HÂN 13/05/2018 06:48

Sống ở trần gian, hẳn ai cũng một lần mơ đến cõi tiên, hoặc một nơi nào đó bên ngoài thế tục. Nơi đó chỉ có mùa xuân, sông suối, chim hót bướm bay, hoa phô sắc thắm. Nơi đó, không có hận thù, ganh ghét, không có chiến tranh, con người được sống bình yên và hạnh phúc. Và nhiều nền văn học đã vẽ nên một cảnh thiên đàng thoát ly trần thế.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Người Việt chắc ít ai lại không biết đến câu chuyện truyền kỳ đầy lãng mạn về cuộc tình giữa Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương. Từ Thức là một nhân vật huyền thoại vào đời nhà Trần trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Từ quê ở Thanh Hóa, theo truyền kỳ thì chàng gặp được nàng tiên Giáng Hương trong một lần trẩy hội. Rồi sau đó, trong một lần du sơn ngoạn thủy, Từ tình cờ lạc vào tiên cảnh, gặp lại nàng để sánh duyên. Sống hạnh phúc được gần một năm thì Từ nhớ quê nhà, muốn về thăm. Giáng Hương không ngăn được, sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa, và viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.

Từ Thức từ biệt, lên xe, chỉ chớp mắt là đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời: “Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi”. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chỉ thấy có dòng chữ: “Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ”. Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ, mặc áo khinh cừu (áo cừu nhẹ) vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không thấy trở về nữa. Và để lại phía sau cả một phương trời huyền thoại.

Bến Đào nguyên anh khoác áo khinh cừu. (Bùi Giáng)

Câu chuyện Từ Thức cũng giống như câu chuyện Lưu Nguyễn lạc Thiên thai của Trung Quốc. Và hình ảnh này được tái hiện qua ca khúc Thiên thai tuyệt diệu của Văn Cao.

Đào nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi...
Chắc không đường về,
Tiên nữ ơi!

Sống ở trần gian, mơ có một ngày khoác áo khinh cừu để đi tìm bến Đào nguyên ở một nơi nào đó, há chẳng phải là một niềm hạnh phúc?

Theo Đào hoa nguyên ký (Bài ký về suối hoa đào) của Đào Tiềm - một nhà thơ điền viên đời Đông Tấn, có người đánh cá lần theo con suối, tình cờ phát hiện một làng trồng toàn đào, sống thanh bình như cảnh thần tiên. Hỏi ra mới biết tổ tiên họ là những người trốn chính sách tàn bạo của nhà Tần lánh đến.

Bài này khá dài, không tiện ghi lại nguyên văn, tôi xin dựa vào nguyên bản trong Cổ văn quan chỉ để dịch, giúp bạn đọc hiểu thêm “tình tri kỷ” giữa hoa đào với những người trốn bạo chúa nhà Tần.

Đời Triều Thái Nguyên nhà Tấn, có người ở Vũ Lăng sống bằng nghề đánh cá, theo dòng khe mà đi, quên mất đường xa hay gần. Bỗng gặp một rừng hoa đào mọc cách bờ mấy trăm bước, không xen lẫn loại cây nào khác, cỏ xanh thơm tươi tốt, hoa đẹp lả tả rơi. Người đánh cá lấy làm lạ, bèn tiến thêm vô, muốn đi hết khu rừng. Cuối rừng là con suối, và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, thấp thoáng như có ánh sáng, bèn rời thuyền, lần theo cửa hang mà vào. Ban đầu hang rất hẹp, chỉ lọt một người. Đi thêm vài chục bước, hang đột nhiên mở ra sáng láng. Đất bằng trống trải, nhà cửa chỉnh tề, có ruộng tốt, ao đẹp, đủ các loại cây dâu, cây trúc; đường ruộng thông nhau, chỗ nào cũng nghe tiếng gà, tiếng chó. Trong hang, có những người đi lại trồng trọt làm lụng, nam nữ đều ăn mặc như người bên ngoài. Từ người già đến con trẻ, ai nấy cũng đều hớn hở, vui tươi.

Thấy người đánh cá, họ kinh hoảng, hỏi từ đâu tới. Người đánh cá kể đầy đủ đầu đuôi. Họ bèn mời về nhà, bày rượu, mổ gà để đãi. Trong thôn nghe có người đến, ai nấy cũng đều lại hỏi thăm. Họ kể: tổ tiên trốn loạn đời Tần, dắt vợ con và người trong ấp đến chỗ đường cùng này, rồi không trở ra nữa; từ đó cách biệt hẳn với người ngoài. Họ hỏi bấy giờ là đời nào, họ không biết cả đời Hán nữa, nói chi đến các đời Ngụy, Tấn. Người đánh cá nhất nhất kể lại những điều mình hay biết, ai nấy nghe đều đau xót, than thở. Những người khác ai cũng mời người đánh cá về nhà mình chơi, cũng đều bày rượu thết đãi. Ở lại được mấy ngày, rồi từ biệt ra về. Trong bọn họ có người dặn: “Đừng nên kể cho người ngoài hay làm gì! ”.

Ra khỏi hang rồi, tìm lại được chiếc thuyền, lần theo đường cũ mà về, tới chỗ nào cũng ghi nhớ. Về đến châu quận, vào yết kiến quan thái thú kể lại chuyện này. Viên thái thú lập tức sai người đi theo, tìm những chỗ trước đã ghi nhớ, nhưng mờ mịt, không kiếm ra được con đường cũ.

Câu chuyện nửa hư nửa thực, nửa ảo nửa chân, khiến người đọc không khỏi mơ màng cảm khái. Trốn bạo chúa, phải dắt díu nhau đi đến chỗ thủy tận sơn cùng, thân đã lâm vào tuyệt cảnh mà lại gầy được một rừng đào tươi thắm như chốn Bồng Lai thì đúng là có cơ duyên với loài cây thanh nhã. Mà rừng đào kia nở hoa nơi tuyệt địa ắt cũng là cách để tạ lòng người tri kỷ vậy. Ai bảo hóa công không còn lòng lân ái?

Hiện nay trên thế giới vẫn còn một chốn Đào Hoa Nguyên thực sự. Đó là vùng đất tuyệt đẹp của bộ lạc Hunzas gần núi Himalaya, nơi biên giới Kashmir giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan. Và có một người “lạc” đến vùng đất thần tiên đó, như ngư phủ trong câu truyện trên, đó là bác sĩ John Clark. Nhưng ông không quên đường vào như ngư phủ kia, mà ông ở lại với họ suốt 20 tháng, và ghi chép đầy đủ trong tác phẩm Hunzas - Lost Kingdom of the Himalaya (Hunzas - vương quốc bị lạc mất giữa Himalaya). Ở đây người bộ tộc Hunzas sống khỏe mạnh, trường thọ và rất hạnh phúc. Thức ăn hàng ngày của họ là trái mơ khô và trái hạnh khô. Họ sống hòa mình vào thiên nhiên, hồn nhiên như cây cỏ, nên không hề biết đến cái gọi là xung đột, mâu thuẫn, hay căng thẳng của “thế giới văn minh”. Người Hunzas không hề đo tuổi tác bằng lịch, vì đơn giản là họ không hề có lịch, mà đánh giá tuổi thọ bằng sự minh triết của mỗi cá nhân, và họ xem tuổi thọ trung bình của một người là 120 tuổi. Bạn đọc nào đọc sách Tàu hay mơ tưởng đến Bồng Lai tiên cảnh thì có lẽ vùng đất của bộ tộc Hunzas là Bồng Lai tiên cảnh thực sự trên chốn trần gian.

Biết đâu câu chuyện trong Đào hoa nguyên ký chưa hẳn đã là truyền thuyết!

LIÊU HÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ bến Đào nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO