Chủ nhật vừa rồi, lên vùng tây huyện Duy Xuyên tìm hiểu tình hình phát triển chăn nuôi, Tư Ruộng tình cờ gặp lại anh Tám Phú Lạc trú tại xã Duy Hòa. Nghe Tư tôi hỏi về hiệu quả của mô hình nuôi bò thịt theo hướng thâm canh, người đàn ông ngoài 50 tuổi này liền than phiền: “Đầu năm 2016 trở về trước, nhờ giá bán sản phẩm trên thị trường luôn ổn định ở mức cao nên vợ chồng tui có thu nhập khá. Còn hơn một năm nay, do giá thu mua tụt giảm quá mạnh khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
Năm 2012 anh Tám quyết định chuyển 600m2 đất vườn sang trồng cỏ voi nguyên liệu rồi đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và mua 3 con bò nái lai về thả nuôi. Theo anh Tám Phú Lạc, hàng năm 3 con bò nái đẻ được 3 con bò con. Nuôi bò con khoảng 10 - 12 tháng, khi trọng lượng mỗi con đạt chừng 100kg hơi thì xuất chuồng và cứ thế lứa này gối lứa khác. “Những năm trước, 1 con bò thịt có trọng lượng 100kg hơi thương lái giành giật nhau mua với giá không dưới 15 triệu đồng. Thế nhưng, bây giờ kêu năm lần bảy lượt họ mới tới và trả mua với mức giá giảm hơn một nửa. Cách đây vài ngày, vì quá cần tiền nên tui gọi chủ một lò mổ ở dưới thị trấn Nam Phước lên bán con bò thịt đã nuôi được 1 năm tuổi. Nhiều lần lui tới dòm ngó, ông bảy đáp ấy trả mua con bò với giá 7 triệu đồng, tui nài nỉ mãi nhưng ổng nhất định không nhích giá lên. Thấy quá rẻ, tui mượn mấy anh em trong xóm phụ giúp mình mổ con bò để rả thịt bán lẻ cho người dân trong vùng. Kết quả là con bò 100kg hơi đạt 45kg thịt, bán được 7,2 triệu đồng. Còn phần đầu, lòng, xương, giò thì bán được 1 triệu đồng nữa. Như vậy, so với giá thương lái trả mua, việc mổ bò bán thịt lẻ tăng thêm được 1,2 triệu đồng” - anh Tam kể.
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, từ giữa năm 2016 đến nay, do giá cả thị trường biến động nên nhiều gia đình tham gia nuôi bò gặp khó khăn. Ông Xuân nói: “Hiện giờ, tổng đàn bò của huyện là 16.890 con, trong đó ít nhất 60% nằm trong diện nuôi thịt để cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nếu cách đây hơn một năm, 1 con bò có trọng lượng 80 - 100kg bán với giá 13 - 15 triệu đồng thì nay chỉ còn 6 - 7 triệu đồng. Trước tình trạng giá bán sản phẩm rớt thê thảm, thời gian qua tại nhiều địa phương đã có không ít hộ dân mổ bò thịt bán lẻ”.
Tối qua, nghe Tư tôi kể, chị Ba Thời Cuộc chậc lưỡi: “Không riêng gì huyện Duy Xuyên đâu chú mi ơi. Mấy tháng nay, về nhiều nơi của xứ Quảng mình, thỉnh thoảng tui cũng chứng kiến cái cảnh người dân mổ bò thịt bán lẻ. Mặc dù chuyện đó không phải là phổ biến nhưng chắc chắn nó sẽ khiến cho những người có trách nhiệm phải suy ngẫm. Hơn bao giờ hết, lúc này là thời điểm mà ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phải nỗ lực tìm lời giải cho ngành chăn nuôi. Phát triển quy mô tổng đàn như thế nào, thị trường tiêu thụ sản phẩm ra sao… là những vấn đề cốt lõi cần được đặt ra nhằm hạn chế tối đa tình trạng khủng hoảng như thời gian qua, nhất là đối với lĩnh vực chăn nuôi heo hướng nạc và bò thịt”.
TƯ RUỘNG