Càng nắng nóng, mới thấy cây xanh là vốn quý. Ở các đường phố ở Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ, Hội An mà tôi vừa đi qua… những hàng cây, bóng cây luôn là nơi dừng chân của nhiều người để tránh nắng. Những ngã tư, ngã ba có đèn tín hiệu giao thông, người dân phải dừng chỗ những bóng cây dù cách xa đến vài chục mét khi có đèn đỏ.
Trong các công viên, các bãi cỏ, bóng cây và hồ nước luôn thu hút các cụ già, em bé. Nhiều người mắc võng trên những tàn cây trong công viên, dọc bờ sông để ru giấc ngủ trưa vì trong nhà quá nóng.
Trong khi ở các thành phố người ta ngày càng quan tâm đến việc trồng cây xanh lấy bóng mát (kể cả đào cả cây lớn từ rừng đưa về), thì tại nhiều vùng nông thôn cùng với phong trào làm đường giao thông bằng bê tông, nhiều lũy tre làng, cây cổ thụ ven đường lại bị chặt phá. Nhiều hàng rào dâm bụt, tiểu trúc, chè tàu cũng lần lượt biến mất. Thay vào đó là những bức “tường thành” bằng gạch, bằng xi măng khô cứng và nóng rát những lúc nhiệt độ lên cao. Đi vào nhiều làng thuộc các địa phương đang phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà thấy thiếu bóng cây xanh, không còn những hàng dừa xanh, những lũy tre kẽo kẹt tỏa bóng râm bên đường. Ở một số nơi, trâu bò cũng không còn chỗ nấp nắng, phải chui vào các bụi rậm, các lùm cây dại nằm thở.
Còn rất ít nơi giữ được những hàng rào chè tàu, những vườn cau xanh mượt như làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế) hay Cẩm Thanh (Hội An), Lộc Yên (Tiên Phước)... Ngay cái xóm Rừng của quê hương Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ nổi tiếng, “rừng” cũ và nhiều vườn mít, lũy tre xưa cũng không còn khi người dân góp tiền mở đường bê tông rộng ra đến 7 - 9 mét và cùng nhau xây dựng những hàng rào thẳng tắp bằng…bê tông! Điều lợi của con đường giao thông hẳn không cần bàn nhưng cái hàng rào thì nảy chuyện ưu tư. Bởi tôi chợt nghĩ, hàng xóm chào nhau qua những hàng rào bê tông cốt thép ấy, mỗi sáng mỗi chiều, chắc cũng không còn dạt dào tình cảm như câu chuyện thăm hỏi nhau qua bờ giậu xanh cây lá quê nhà!
Biến đổi thời tiết làm cho không khí nóng lên, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, mạch nước ngầm cũng bị cạn kiệt. Cây xanh vì vậy càng trở nên quý giá để cân bằng môi trường sống.
Và quan trọng hơn, tôi nghĩ con người cũng sẽ bớt gắt gỏng nhau hơn, bớt giận lẫy, cãi vã nhau hơn trong cái mát dịu của cỏ cây! Vì vậy, xin hãy bình tĩnh, so tính thiệt hơn trước khi cầm rìu cầm rựa chặt bỏ đi những hàng tre, gốc dừa chỉ vì một nhu cầu “hiện đại” hời hợt. Từ đó, ta thấy câu nói sau đây của một nhà văn hóa là có ý nghĩa khi nói đến quy hoạch nông thôn: “ Hãy tính toán để giữ lại cái gì của thiên nhiên ban tặng thay vì thói quen là chỉ nghĩ đến xây dựng cái gì do nhu cầu trước mắt!”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG