Nhà tù Phú Quốc từ lâu đã là “địa ngục trần gian”, nơi bọn ác ôn mặc sức hành hạ các chiến sĩ cách mạng. Nhưng ở khu B.11, nơi có một số tù binh xứ Quảng bị biệt giam, từng xảy ra hình thức mổ bụng để tranh đấu khiến những tay ác ôn cũng phải nhượng bộ...
Hoàng Ngọc Thanh, Ngô Nghỉ, Huỳnh Văn Mãi… bị bắt giam nhà lao tù binh ở Nước Mặn - Non Nước. Ngày 19.5.1971, từ nhà giam, chúng còng ba anh em tù binh vào một chùm, tống lên một chiếc GMC, cho xe chạy vào miệng chiếc tàu thủy há mồm của Hải quân Mỹ đậu ở cảng, tống anh em vào một chỗ kín bưng trên sàn tàu. Nằm trên sàn tàu, vẫn bị còng, 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển say mềm, mửa ra mật xanh mật vàng. Khi cập cảng Phú Quốc, sóng mạnh tàu không vào sát bến được, mấy chiếc xà lan kè vào sát thành tàu, đẩy anh em lên. Họ đói và say sóng trông như những cái xác chết đuối. Vừa lên bờ, gặp ngay mấy tên trật tự trông bặm trợn đứng đón, chỉ có 2 con đường trước mặt phải chọn: Ai chiêu hồi, vào trại giam theo quốc gia, cũng bị đánh nhưng ít hơn; ai không chịu chiêu hồi, bị đánh tới tấp, vào trại giam cộng sản. Một tên trật tự, có lẽ là thủ lĩnh trong bọn, đe:
- Đây là Phú Quốc, không phải đất liền. Liệu hồn nghe các con!
Mô hình tù nhân bị nhốt vào chuồng cọp ngoài trời ở nhà tù Phú Quốc. |
Lũ trật tự là những tên du thủ du thực được bọn chủ nhà lao sử dụng như những tên đao phủ trị anh em tù chính trị. Nhiệm vụ của chúng là đánh và đánh, không chừa một ai. Đánh từ khi tàu vào bến cho đến khi tống anh em lên một chiếc xe chở vào khu B.11.
Ở phòng số 1 khu B.11, anh em phân công cho Thanh làm trưởng phòng thương binh. Một hôm, thượng sĩ Câu gọi Thanh lên:
- Theo chủ trương, tất cả tù binh trên đảo phải có số, in trên áo. Anh là trưởng phòng, tôi mời anh lên để thông báo chủ trương của chính phủ, về phổ biến cho anh em chuẩn bị cởi áo tập trung lên cho chúng tôi in số.
Biết đây là việc hệ trọng, Thanh nói:
- Thưa thượng sĩ, tôi xin tiếp thu ý kiến của thượng sĩ, về phòng truyền đạt lại cho anh em.
Về phòng, anh em bàn, nếu nộp áo cho chúng in số thì không có lợi, quyết không cho in số trên áo. Thanh lên báo lại tinh thần của anh em thì Câu trợn mắt:
- Được! Đ.M mày. Để đó tau.
Câu dùng loa gọi Nguyễn Thăng ở khu B.11 và Huỳnh Văn Mãi, người tù nhỏ nhất, cùng ra.
Huỳnh Văn Mãi quê ở Hiệp Đức, tham gia du kích, lúc bị bắt mới 16 tuổi. Vóc người nhỏ như đứa trẻ 14 tuổi, vào tù anh em bảo nên khai thêm cho đủ 18 tuổi để làm tù binh, nếu không sẽ bị chúng giam với thiếu sinh quân rồi đưa ra lính. Chúng bắt 3 người là Thanh, Mãi, Thăng đứng một hàng trước phòng của thượng sĩ Câu. Câu gọi Thanh bước lại, đưa hai bàn tay úp lên ngang ngực. Câu cầm cây thước gỗ lim dài hơn một mét quất 5 cái liên tiếp lên mu bàn tay Thanh, rồi bảo ngửa bàn tay ra quất tiếp. Máu trên tay Thanh chảy tràn, rơi xuống đất. Sau Thanh, đến lượt Thăng cũng bị quất làm hai bàn tay văng máu, nhưng vẫn không chịu cởi áo để in số. Cuối cùng thượng sĩ Câu và mấy tên trật tự in số trên lưng áo của Mãi. Khi Câu đưa áo lại, Mãi nhìn con số 6675 rồi nhìn Thanh, cả hai ra ám hiệu không mặc. Khi Mãi còn do dự thì thượng sĩ Câu nạt:
- Mặc áo vô mày!
Mãi nhìn Thanh rồi bất ngờ giận dữ xé toạc áo, vò ném vào mặt thượng sĩ Câu.
Lập tức, lính của Câu ập vô còng tay Mãi đưa đi. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều ngày 27.5.1971. Chúng tống Mãi vào chuồng cọp rồi đánh đập khiến Mãi sưng bóng đái chết trong phòng giam. Ngày hôm sau, 28.5.1971, toàn khu B.11 nổ ra cuộc đấu tranh tuyệt thực. Cuộc đấu tranh kéo dài được 7 ngày thì thức uống dự trữ cầm hơi đã hết, sức lực anh em gần cạn kiệt. Đảng ủy nhà lao bàn nếu tiếp tục đấu tranh bằng tuyệt thực thì sợ nhiều anh em gục mà không đạt yêu cầu, cuối cùng đi đến quyết định mổ bụng tập thể. Sau khi bàn tính, một số anh em ghi tên tham gia mổ bụng. Ở Quảng Nam có Nguyễn Đức Niên (quê xã Đại Cường, bộ đội quân giới Mặt trận 4), Huỳnh Nghiệp (quê Đại Thắng), Ngô Nghỉ (quê Lộc Thành, cùng huyện Đại Lộc, là trung đội trưởng du kích xã).
Sau khi hàng chục anh em đăng ký mổ bụng, Thanh có nhiệm vụ cấp dao. Lúc bị giam cùng với Lê Quánh và Nguyễn Đức Niên (bộ đội quân giới Xưởng 74 Mặt trận 4 Quảng Đà), đã quen thuộc chuyện làm súng tự chế, vì vậy chỉ cần có miếng nhôm hay mảnh ca US là Thanh làm được những con dao nhỏ xíu, bén như dao cạo.
Mười giờ sáng, khi thượng sĩ Câu gọi tù binh ra in số thì Niên bước ra trước sân, cởi áo, hô to:
- Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo bè lũ tay sai!
Sau đó, Niên cầm dao rạch liên tiếp 13 nhát trên bụng, máu phun ra tung tóe. Niên ngã ịch xuống nền đất, quằn quại. Liền sau đó, đến lượt Huỳnh Nghiệp. Nghe tiếng hô, tiếng ré, Ngô Nghỉ chạy ra sân, thấy Huỳnh Nghiệp cầm con dao trong tay đang có phần do dự. Ngô Nghỉ nói nhỏ với anh Nguyễn Quang Bằng, bấy giờ là đảng ủy viên, Bí thư chi bộ rằng Nghiệp chỉ có một mẹ một con, để Nghỉ mổ bụng thay. Nghỉ còn cha mẹ và có đến 6 anh em, lỡ có chuyện chi vẫn không đáng tiếc. Bí thư chi bộ Bằng đồng ý, tức thì Ngô Nghỉ bước ra sân, chụp con dao trên tay Huỳnh Nghiệp, cởi áo vứt trên nền đất, hô to:
- Đả đảo bọn tay sai, đả đảo quân đàn áp tù binh!
Lúc cầm con dao trên tay chuẩn bị đến lượt mình, Ngô Nghỉ nhìn máu Niên phun ra thì tinh thần của anh sục sôi lên, khi Niên nhào xuống nền đất anh liền vung tay rạch liên tiếp 3 nhát trên bụng. Cú rạch mạnh lòi cả ruột, máu phun ra khiến Ngô Nghỉ không đứng vững, ngã nhào xuống đất, anh em xúm vào khiêng cả hai lên hội trường băng bó trong tiếng la ó như vỡ đê của khu B.11.
Trong lúc một số anh em đang sẵn sàng bước ra sân mổ bụng thì nghe tiếng loa: “Mời đại diện B.11 ra gặp Ban giám đốc ngay!”. Nguyễn Thăng ra gặp, trình bày yêu sách. Phần lớn yêu sách của anh em gồm: Thay đổi loại gạo mục, hôi như lâu nay; tăng cường nguồn rau xanh; cần có đủ nước cho anh em tắm… Hiện chúng chỉ cấp cho khu B.11 một bồn nước 10 khối, phân ra mỗi người chỉ có 2 ca nước để tắm.Vì vậy, để có nước tắm giặt, anh em khai thác tận cùng nguồn nước mà chủ nhà lao cung cấp hằng ngày và tìm cách giữ nước mưa. Ngoài thau, can nhựa thì anh em đập cong những tấm tôn che trên mái hiên làm thành chỗ “giữ” nước mưa. Vì tù binh đông nên phải chia ra làm hai, hôm nay nhóm này tắm giặt thì nhóm kia chờ. Tất cả nước cơm đãi gạo, nước rửa rau đều tận dụng để giặt trước khi xổ nước sạch lần cuối, hoặc để tắm trước khi xối ca nước sạch cuối cùng. Trong cảnh gian khổ ấy, mãi đến tháng 3.1973, Nguyễn Đức Niên, Hoàng Ngọc Thanh được trao trả về Lộc Ninh, sau đó thì về lại Mặt trận 4 Quảng Đà, còn Ngô Nghỉ về quê…
Sau ngày hòa bình lập lại, mỗi khi anh em bạn tù gặp nhau vẫn hỏi thăm về người em nhỏ Huỳnh Văn Mãi chết vì hành động anh hùng. Tiếc rằng không ai biết gì thêm sau cái chết của Huỳnh Văn Mãi…
Hồ Duy Lệ