“Nghiên cứu cách chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học” của tác giả Bùi Trọng Ngoãn vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 8.2017 góp phần đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường.
Tác phẩm “Nghiên cứu cách chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học”. |
Lâu nay, vấn đề chú thích trong sách giáo khoa dường như chưa được quan tâm đúng mực. Trong khi chính yếu tố này là chìa khóa để đào sâu tác phẩm, gợi mở nhiều ý tưởng, liên tưởng hay. Bởi mỗi tác phẩm văn học trong nhà trường đều chứa đựng rất nhiều tín hiệu thẩm mỹ. Công việc của người dạy văn là làm thế nào để giúp học sinh phát hiện và hứng thú với những tín hiệu ấy, từ đó có thể vận dụng để nâng cao hiệu quả giao tiếp bằng ngôn ngữ. Chính vì vậy sự tìm tòi nghiên cứu của người dạy trong việc giải mã các lớp ngôn từ của tác phẩm nghệ thuật phải luôn được đề cao. Và xa hơn, trong sự tương tác giữa dạy và học, cả thầy và trò thấy rằng học văn không khó.
Tác giả Bùi Trọng Ngoãn đơn cử, một câu văn có vẻ khó hiểu như “Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), chỉ cần một chú thích về dân ấp dân lân là đủ để người đọc hiểu tất cả tâm ý mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm. “Năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh xác lập các đơn vị hành chính ở Nam Bộ và cũng từ đó các cuộc di dân từ miền ngoài vào càng tấp nập. Những cụm cư dân chưa đủ số dân cần thiết để lập làng xã thì gọi là “lân”, “ấp”, “thuộc”, và về mặt hành chính họ phải lệ thuộc vào làng định cư từ trước. Đặt vào hoàn cảnh lịch sử đó, có thể hiểu “dân ấp, dân lân” là dân ghép, dân đến sau, chưa thật sự có đủ quyền lợi như chính dân”. Như vậy, những chiến sĩ Cần Giuộc, tuy chưa có quyền lợi, tuy chỉ là “dân ấp, dân lân” nhưng họ vẫn sẵn sàng xả thân, hy sinh anh dũng vì nghĩa lớn. Hiểu như thế, người đọc sẽ thấy được ý nghĩa sâu sắc của tượng đài người chiến sĩ Cần Giuộc được tạc nên trong tác phẩm. Như vậy, chỉ cần một chú thích, cả người dạy và người học đều thật “thỏa mãn” với những thông tin, những tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm.
“Nghiên cứu cách chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học” bao gồm việc xác lập khái niệm về chú thích và cách chú thích trong các công trình khoa học xã hội, từ đó có những nhận định xác đáng về cách chú thích trong sách giáo khoa hiện nay. Đóng góp lớn nhất của tác giả Bùi Trọng Ngoãn là những đề xuất về việc chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học. Tác giả đã chú thích cho các bài học: “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn trích “Trao duyên” (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du), đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (“Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng), “Vợ nhặt” của Kim Lân, đoạn trích “Đất Nước” (trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm). Những bài học trên vốn gây không ít khó khăn cho giáo viên trong quá trình lên lớp, bởi quá nhiều thông tin cần giải mã qua lớp từ ngữ xuất hiện trong các tác phẩm, các trích đoạn, đặc biệt là văn học trung đại. Trong “Nghiên cứu cách chú thích trong sách giáo khoa ngữ văn trung học”, những vấn đề cần phải chú thích trong các bài nói trên đã được tác giả lựa chọn và chú rất cụ thể, chi tiết và khoa học, trên cơ sở những hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Những thông tin từ các chú thích đó sẽ góp phần lớn vào sự thành công của bài giảng, vào quá trình tiếp nhận văn chương và hình thành các năng lực cảm thụ cho người học.
NGUYỄN THỊ DIỆU TRANG (Giáo viên Văn, Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng)