Từ khi được đưa vào quy hoạch, phát triển thành làng du lịch cộng đồng trong tương lai, người dân làng Mo Chai (thôn 1, xã Trà Linh, Nam Trà My) đã cùng nhau “làm mới” ngôi làng của mình, từng bước thay đổi nếp sống, sinh hoạt, làm tiền đề để đón chờ vận hội mới...
Nằm chênh vênh trên triền núi, chung quanh là rừng già, được kết nối với thế giới bên ngoài bằng các con đường mòn khúc khuỷu và nhiều dốc... nên suốt một thời gian dài, Mo Chai là ngôi làng khá biệt lập và lặng lẽ.
Cho đến khi chương trình phát triển hạ tầng giao thông về các thôn, nóc được huyện Nam Trà My thực hiện và nhất là khi được đưa vào quy hoạch phát triển thành làng du lịch cộng đồng, Mo Chai đã trở nên “gần” hơn.
Theo con đường bê tông rộng 2m, hành trình từ quốc lộ 40B về Mo Chai giờ đây được rút xuống còn khoảng 30 phút đi bộ (hoặc 10 phút đi xe máy) thay vì mất gần 2 tiếng đồng hồ theo đường mòn như trước đây.
Theo anh Hồ Văn Chiến - Bí thư Chi bộ thôn 1 xã Trà Linh, từ khi có đường bê tông nối về làng, đời sống của bà con ở đây đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, sau khi được phổ biến về kế hoạch phát triển Mo Chai thành làng du lịch cộng đồng và được hướng dẫn xây dựng nếp sống văn minh, bà con đã hưởng ứng, làm theo rất tốt.
Đầu tiên là việc sửa sang nơi ăn chốn ở. Trước đây, mọi thứ trong nhà đều chung thì nay, nhà nào cũng có chỗ ăn, chỗ ngủ, nơi sinh hoạt, nhà bếp... được ngăn thành từng gian, từng phòng riêng. “Giang sơn” của mỗi hộ cũng được phân định đâu ra đấy với hàng rào, cổng ngõ; trong vườn có chỗ để trồng rau, chỗ để làm nhà chứa củi và chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm...
Không chỉ không gian riêng của mỗi nhà, cảnh quan chung của làng cũng được bà con gìn giữ bằng việc chấp hành những quy định “chưa từng có”: Không đổ rác thải, không để gia súc phóng uế trên đường làng, không để xe gắn máy, vật dụng sản xuất làm cản trở lối đi chung.
Kho chứa thóc của từng nhà thay vì được xây dựng ở nơi nào tùy thích, nay được sắp xếp vào từng khu riêng biệt. Ngọn đồi trọc ở cuối làng - nơi có thể nhìn toàn cảnh ngôi làng, những thửa ruộng bậc thang cách đó cả nửa ngày đường..., từ khi được dọn dẹp để làm “đồi vọng cảnh”, bà con không đưa gia súc đến chăn thả nữa...
Cùng với đó, thói quen sinh hoạt cũng thay đổi rất nhiều. Trước đây, sau một ngày lên nương xuống rẫy là nhiều người lại tụ bạ uống rượu đến tận khuya. Bây giờ, thay cho nhậu nhẹt là sinh hoạt văn nghệ, thể thao. Hằng ngày, vào tầm 16 - 17 giờ, khoảnh sân trước nhà sinh hoạt của thôn, nơi thanh niên trai tráng chơi bóng chuyền với các khán giả thường xuyên là người già, trẻ em. Buổi tối, sau khi chương trình thời sự của VTV kết thúc, nhà sinh hoạt của thôn lại mở cửa. Có hôm họp phụ nữ; có hôm sinh hoạt người cao tuổi. Và đều đặn, thường xuyên nhất là sinh hoạt của đội văn nghệ thanh niên. Không chỉ tập dượt múa hát các bài hát hiện đại, đội văn nghệ thanh niên còn luyện tập một số bài ca truyền thống của người Xê Đăng và đặc biệt truyền dạy kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng cho thanh niên.
Theo anh Hồ Văn Chiến, có một thời gian dài thanh niên không đoái hoài gì đến cồng chiêng. Từ khi được hỗ trợ phục dựng và dự kiến là một trong các hoạt động phục vụ du lịch sau này, ai cũng phấn khởi; người già ra sức truyền dạy, lớp trẻ hào hứng học tập. Hiện tại, toàn bộ thanh niên trong thôn đã biết biểu diễn cồng chiêng. Trong các lễ hội cúng máng nước, mừng lúa mới, lúa kho,... được tổ chức gần đây, việc nhảy lửa, múa hát, trình diễn cồng chiêng chủ yếu do thanh niên thực hiện. Anh Chiến bộc bạch: “Chúng tôi chưa biết sau này Mo Chai thành làng du lịch cộng đồng thì sẽ như thế nào. Còn bây giờ, những việc nào tốt, những chuyện nào hay chúng tôi cứ làm trước đã...”.