Đoàn đại biểu cấp cao Quảng Nam vừa có chuyến công tác nhằm tạo dựng mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác đầu tư về thương mại, du lịch và nông nghiệp giữa các địa phương, doanh nghiệp với 4 tỉnh Nam Lào.
Nhiều tiềm năng
Vùng đất Nam Lào bao gồm các tỉnh Sê Kông, Attapeu, Salavan và Champasak với lợi thế khá gần Quảng Nam theo trục Hành lang kinh tế Đông Tây, có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp.
Đây được xem là vùng đất “màu mỡ”, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Quảng Nam mở rộng hợp tác, đầu tư phát triển các ngành nghề nông - lâm nghiệp, thương mại và du lịch theo chiến lược mới.
Chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Nam do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm trưởng đoàn diễn ra từ ngày 29.8 - 1.9 với nhiều hoạt động ngoại giao ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022), 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022). Thông qua các đợt gặp gỡ, làm việc và trao đổi thông tin, các bên mong muốn tìm hiểu sâu hơn về quá trình hợp tác, nhất là lĩnh vực đầu tư kinh tế thương mại, du lịch và nông nghiệp thời gian tới.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay, qua khảo sát tại các tỉnh Nam Lào, đoàn công tác nhận thấy vùng đất này có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Những lợi thế đó đang được cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam thực sự quan tâm, mong muốn hợp tác, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, du lịch…
Không chỉ có địa hình bằng phẳng phù hợp cho phát triển các mô hình nông nghiệp theo hệ sinh thái mới, Nam Lào còn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, kết nối đầu tư xuyên quốc gia, từ Việt Nam, Lào cho đến Thái Lan theo trục Hành lang kinh tế Đông Tây.
“Để quá trình hợp tác, đầu tư sớm được triển khai, các doanh nghiệp Quảng Nam mong muốn chính quyền các tỉnh Nam Lào tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng và các thủ tục liên quan.
Khi “nút thắt” này được tháo gỡ sẽ giúp các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án, hình thành những vùng nguyên liệu nông nghiệp quy mô lớn trong tương lai” - ông Hùng chia sẻ.
Với tỉnh Sê Kông, ông Hùng đánh giá địa phương này có rất nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực đầu tư phát triển và mong muốn tỉnh Sê Kông sớm triển khai các quy định, thủ tục, công bố vùng quy hoạch… tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, tìm hiểu để đầu tư. Ngoài ra, chú trọng kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Những kiến nghị này ngay lập tức được Bí thư, Tỉnh trưởng Sê Kông Lếch-lay Sỉ-vi-lay chấp thuận. Đồng thời cho biết, địa phương rất quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với các nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, giúp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại vùng giáp biên.
“Nếu doanh nghiệp Quảng Nam có nguyện vọng đầu tư, bản thân tôi sẵn sàng kết nối, tạo mọi điều kiện tốt nhất để triển khai dự án” - ông Lếch-lay Sỉ-vi-lay nói.
Hợp tác toàn diện
Các tỉnh Nam Lào những năm qua đón rất nhiều doanh nghiệp Quảng Nam đến tìm hiểu thông tin và đầu tư các mô hình nông nghiệp - hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Công ty Nông nghiệp Thaco (thuộc tập đoàn Thaco) đầu tư tại tỉnh Attapeu với mô hình nông - lâm nghiệp quy mô lớn.
Một chiến lược mở trên nền tảng hữu cơ, bao gồm: trồng cây ăn trái, cây công - lâm nghiệp, chăn nuôi bò… đang được triển khai, hứa hẹn mang đến cho vùng đất phía nam của nước Lào cơ hội phát triển mới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, qua thông tin nắm bắt về những tiềm năng phát triển kinh tế của các tỉnh Nam Lào, nổi bật là lĩnh vực nông - lâm - nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp Quảng Nam có sự chuẩn bị tốt nhất để đầu tư, mở hướng hợp tác hữu nghị và phát triển chung bền vững.
Ông Thanh nói, những năm qua, Quảng Nam luôn xác định, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với 4 tỉnh Nam Lào là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, nhất là phát huy tối đa lợi thế của cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Việc đầu tư nhằm vừa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, vừa thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa Quảng Nam với các tỉnh Nam Lào.
Vì thế, ông Thanh đề nghị cần đặc biệt quan tâm tìm ra những hướng đột phá cho quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa khu vực Nam Lào với các địa phương của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng.
Ngoài ra, cần có giải pháp, cơ chế, chính sách đặc biệt để ngày càng có thật nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh ở khu vực Nam Lào nói riêng và cả nước Lào nói chung, cũng như có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Lào sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Quảng Nam nói riêng. Đây được xem là nhiệm vụ đột phá, từng bước tháo gỡ “nút thắt” cũ gây cản trở đến quá trình hợp tác, phát triển giữa các địa phương của tỉnh Quảng Nam và với tỉnh Nam Lào.
“Việc đầu tư của các doanh nghiệp Quảng Nam tại Nam Lào vừa là hoạt động kinh doanh, sản xuất nhưng cũng là nghĩa tình, trách nhiệm chung với cộng đồng, với nhân dân vì sự phát triển, ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng chung của hai bên” - ông Thanh nhấn mạnh.