Mở con đường tái hòa nhập

DIỄM LỆ 02/01/2020 13:31

Nhiều người sau cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (tại huyện Hiệp Đức) không dám quay về nhà, bởi sợ sẽ quay lại con đường cũ. Họ chọn con đường ở lại gần cơ sở cai nghiện để được làm việc bằng đôi tay của mình.

Sau cai nghiện, nhiều người ở lại làm việc cho một công ty gần Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: D.L
Sau cai nghiện, nhiều người ở lại làm việc cho một công ty gần Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: D.L

Ở lại...

“Nếu mà về quê, giờ này có lẽ tôi đã đi lại con đường lầm lỗi cũ. Hoặc có thể tôi đã tiếp tục quay lại cơ sở cai nghiện, chứ không như bây giờ đâu”, lời bộc bạch chân tình của anh Phan Hoàng Sấm (Tiên Phước) khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ.

Anh kể, bạn bè mình không ít người rơi vào con đường nghiện ngập, tự cai nghiện có, cai nghiện tập trung có, rồi về quê, lại tái nghiện, lại đi cai nghiện. Lần thứ hai, rồi sẽ có lần thứ ba, thứ tư... Bởi một khi đã “bén duyên” với ma túy, con đường quay lại làm người lương thiện rất khó.

Anh Sấm tâm sự: “Quyết tâm nhiều lắm, tự hứa các kiểu cũng nhiều, nhưng khó lắm. Cai nghiện tập trung mà thành công, đi đâu luôn thì được, chứ về lại quê rồi cũng bị rủ rê mà không thể nào từ chối được. Vậy nên đã 16 tháng sau khi cai nghiện xong, tôi không dám về nhà ở dù một ngày. Nhớ hai đứa con nhỏ thì nhờ thầy ở cơ sở cai nghiện chở về thăm chút, rồi quay trở lại trên này đi làm”.

Anh Phạm Nhật Trường (quê huyện Thăng Bình) thôi cai nghiện tập trung được 7 tháng, cũng ở lại với cái nghề cơ khí. Bảy tháng sau cai, nhớ vợ con, anh Trường chạy về thăm chỉ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, rồi lại quay lên Hiệp Đức.

Anh Trường nói: “Tôi thuộc loại nghiện lâu năm. Lúc chưa đi cai nghiện tập trung, tôi tự cai không biết mấy chục lần. Nhưng không thể nào thành công, dù tôi có quyết tâm đến mấy rồi bị rủ rê quay lại với ma túy. Năm ngoái, tôi quyết đi cai nghiện tập trung. Khi cai xong, tôi có nguyện vọng được ở lại để làm công việc cơ khí. Các thầy ở cơ sở đã giúp tôi bằng cách đứng ra bảo lãnh, nhận công việc cho mấy anh em tôi cùng làm. Mấy anh em thuê nhà trọ ở lại làm luôn trên này, không về quê nữa”.

Kể câu chuyện của bản thân, anh Trường nói rằng nếu không đi cai nghiện tập trung, có lẽ anh không còn là mình. “Mình mang thân là thằng nghiện, nên ai cũng nhìn mình với ánh mắt dò xét, nghi ngại, khiến bản thân dù có muốn làm người bình thường sau cai nghiện cũng khó. Ở đây, cán bộ cơ sở cai nghiện rất tôn trọng anh em, giúp đỡ anh em hết mình, cái gì giúp được thì không ngần ngại, bảo lãnh, lo lắng cho anh em. Thực sự mấy anh em ở đây mang ơn cán bộ ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhiều lắm” - anh Trường thổ lộ.

Giúp được chừng nào hay chừng đó

Là một trong những đơn vị vào cuộc giúp người đang cai cũng như sau cai có công việc làm, ông Trần Phúc - Giám đốc Công ty Xây dựng Phúc Lại (Hiệp Đức) nói rằng ông cũng chỉ muốn giúp được chừng nào hay chừng đó cho những người sau cai nghiện.

“Tôi nhận những lao động sau cai nghiện vào làm việc thông qua Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, tùy theo sức khỏe, tay nghề của từng người mà bố trí công việc phù hợp. Có một người sau cai có nghề lái xe, tôi nhận làm lái xe tải. Người nào làm thợ hồ được thì nhận làm thợ, không thì phụ hồ tại các công trình ở gần cơ sở cai nghiện. Lãnh đạo cơ sở cai nghiện ma túy đứng ra bảo lãnh, đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc nên tôi có thể yên tâm. Những lao động đang cai tốt và sau cai đã làm được 3 công trình của công ty nhận, mọi thứ đều đang tiến triển tốt” - ông Phúc nói.

Ngay trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho học viên đang cai nghiện tốt. Có 40 người đang cai nghiện đã được học nghề may công nghiệp. Cơ sở đứng ra nhận đơn hàng giày da về cho họ gia công. Từ nguồn thu nhập đó, cơ sở cai nghiện dùng để cải thiện chất lượng bữa ăn, mua sắm thêm vật dụng cần thiết cho học viên sinh hoạt.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: “Cơ sở phải đảm bảo cai nghiện, học nghề, tạo việc làm tại chỗ cho học viên. Người sau cai thì được giao về địa phương quản lý. Nhưng có một số học viên sau khi cai nghiện xong không muốn về, vì sợ về lại tái nghiện, mong muốn được ở lại. Cơ sở làm việc với một số đơn vị ở gần đây, nhờ họ giúp đỡ, tạo điều kiện cho lao động làm việc, rồi thuê trọ ở lại gần cơ sở. Đây không phải là trách nhiệm gì cả, mà chỉ là thấy họ có quyết tâm thì anh em ở cơ sở cũng bảo lãnh, giúp đỡ để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở con đường tái hòa nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO