Quảng Nam xác định “mở cửa” để phục hồi kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19. Phục hồi sản xuất, ổn định thị trường, gia tăng xuất khẩu... đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các doanh nghiệp lẫn cơ chế hỗ trợ của Nhà nước.
COI TRỌNG PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Giai đoạn mới, đối với các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất là mục tiêu quan trọng hơn lợi nhuận sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh.
Năm 2022 mở cửa trở lại, đối với doanh nghiệp (DN) đó là tín hiệu vui. Con đường phía trước đã mở, nhưng đi theo lối nào là ở DN.
Mục tiêu ưu tiên
Ông Andrés García Morilla - Giám đốc Công ty TNHH Premo Việt Nam - Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc) thông tin, năm 2021, công ty đạt mục tiêu doanh thu 20 triệu Euro; mục tiêu doanh thu của Premo cho năm 2022 sẽ là 25 triệu Euro, giải quyết việc làm ổn định cho 850 lao động.
Kinh doanh, mục tiêu hàng đầu chính là lợi nhuận mang lại từ hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh, rất nhiều chi phí phải lo nên phần lớn DN chưa đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu trong năm này. Phục hồi sản xuất, ổn định thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung cầu mới là mục tiêu lớn hơn.
Theo ông Kim Byung Tae - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (Duy Xuyên), 2 năm qua công ty giữ khách hàng truyền thống bằng cách tiết giảm chi phí đầu vào, bởi vì không được tăng giá đầu ra sản phẩm khi đã đàm phán giá ổn định để giữ chân khách hàng. Nhưng chi phí đầu vào trong dịch bệnh lại tăng cao hơn chứ không giảm, nên mục tiêu lợi nhuận không đạt được như kỳ vọng.
Ông Kim Byung Tae nói: “Mở cửa kinh tế thì DN sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong vận chuyển, xuất khẩu, nhập nguyên vật liệu. Là năm đầu ổn định, sống chung với dịch bệnh an toàn, nên chi phí phòng chống dịch bệnh DN vẫn phải lo đảm bảo. Chỉ đảm bảo an toàn mới sản xuất thông suốt. Vì vậy, lợi nhuận cũng không phải là mục tiêu lớn trong năm 2022 này, mà quan trọng hơn là ổn định đơn hàng, việc làm của lao động được giải quyết, thu nhập của người lao động phải đạt, chế độ phúc lợi phải đảm bảo thì mới giữ chân lao động lâu dài”.
Đầu tư mới
Mở cửa các hoạt động để phục hồi sản xuất, đón đầu thời cơ trong thách thức để phát triển là mục tiêu của Công ty TNHH MTV Khải Trình Quảng Nam (KCN Tam Thăng 2, Tam Kỳ) trong năm nay. Công ty đang xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động để 3 tháng sau đi vào sản xuất.
Bà Phạm Thị Minh Phượng - Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết: “Công ty có trụ sở chính ở Đồng Nai. Chúng tôi chuyên sản xuất cuộn chỉ may mặc. Sau dịch bệnh, người lao động quay về quê nhiều, chúng tôi mở nhà máy ở Quảng Nam cũng để đón cơ hội tuyển dụng lao động quay về.
Ban đầu chúng tôi tuyển từ 120 - 150 lao động để vận hành nhà máy sản xuất hơn 800 nghìn cuộn chỉ/năm. Nguồn hàng của công ty dồi dào trong năm này, chủ yếu cung ứng thị trường dệt may nội địa. KCN Tam Thăng là lựa chọn thích hợp nhất, bởi nơi đây đang chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may”.
Theo bà Phượng, khi có nhà máy ở miền Trung, thì khách hàng khu vực miền Trung sẽ do nhà máy cung ứng cuộn chỉ, không phải vận chuyển hàng hóa từ Đồng Nai ra. Đầu tư ban đầu là đầu tư mới toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị hơn 50 tỷ đồng, nhưng đó là điều cần thiết để công ty đón đầu thời cơ phục hồi sản xuất, phục vụ nhu cầu của khách hàng nội địa ngày càng cao hơn.
KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG
Trong các công đoạn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nguồn cung lao động là yếu tố then chốt. Ngay từ đầu năm 2022, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện.
Ngay sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở cửa hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết, các doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu trở lại quỹ đạo hoạt động, đăng tải thông tin tuyển lao động (LĐ).
Công ty TNHH MTV Khải Trình Quảng Nam đã trực tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng tại chỗ đối với LĐ đến trung tâm tìm kiếm việc làm. Chị Nguyễn Thị Yến (Thăng Bình) sau kỳ nghỉ tết đã đi xin việc làm mới. Chị Yến về từ Bình Dương trước tết, nay không muốn vào lại nên xin việc làm ở quê.
Chị Yến nói: “Tôi đi hơn chục năm rồi, nay về quê thấy khu công nghiệp phát triển, thì ở lại quê ở đi làm sẽ khỏe hơn. Tính ra, ở quê thu nhập 6 - 7 triệu đồng thì vẫn hơn đi làm ở xa nhiều, vì ở xa còn chi phí ăn ở, đi lại... Tôi hỏi thăm Trung tâm Dịch vụ việc làm thì biết có công ty vào tuyển dụng LĐ nên tôi đến tìm hiểu, phù hợp thì xin việc”.
Hơn 8.300 vị trí việc làm, đủ các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, LĐ phổ thông đang được tuyển dụng, làm việc tại khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại KCN Tam Thăng, Công ty TNHH Fashione Garments cần tuyển dụng hơn 1.100 vị trí việc làm, gồm LĐ phổ thông, LĐ có tay nghề may công nghiệp, quản lý, kiểm hàng. Hay Công ty Panko Tam Thăng cần tuyển dụng đến 2.960 LĐ làm việc ở nhiều vị trí như công nhân may, học may, phụ may, kiểm hàng...
Trụ sở tại Quảng Ngãi, nhưng nhiều năm nay Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quốc luôn tuyển dụng rất đông LĐ của Quảng Nam vào làm việc. Từ đầu năm, để phục hồi sản xuất, công ty này cần tuyển số lượng 5.250 LĐ ở nhiều trình độ, với nhiều chế độ đãi ngộ, đưa đón tận nhà hàng ngày hoặc bố trí ký túc xá cho người muốn ở lại.
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Từ trước tết, trung tâm đã liên hệ các địa phương tìm hiểu về nguồn cung LĐ, liên hệ DN tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, kết nối đôi bên để giải quyết việc làm cho LĐ.
Nguồn LĐ của tỉnh hiện nay gồm có LĐ thất nghiệp, LĐ hồi hương từ các tỉnh, thành phố, LĐ là bộ đội xuất ngũ, LĐ tự do. Với mỗi dạng LĐ khác nhau, chúng tôi sẽ phân loại trình độ, nhu cầu việc làm, từ đó tư vấn việc làm thích hợp”.
Cũng theo ông Dũng, năm này dù thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng cũng không thể tập trung quá đông, nên trung tâm tăng cường tổ chức các cụm giao dịch việc làm ở cơ sở. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 sẽ tổ chức 3 phiên ở Nông Sơn.
Sau đó tùy nhu cầu của mỗi địa phương mà tổ chức tiếp các phiên giao dịch quy mô nhỏ, có DN cùng tham gia trực tiếp tuyển dụng. Đồng thời việc tư vấn online sẽ liên tục được thực hiện tại trung tâm.
MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG XUẤT NHẬP KHẨU
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều nước bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế, mang đến nhiều kỳ vọng về thị trường xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Quảng Nam. Nhưng không vì thế những khó khăn năm cũ vơi đi.
Chi phí vận chuyển vẫn cao
Ngay sau những ngày nghỉ tết, hơn 2.100 công nhân Công ty TNHH Việt Vương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) đã quay lại làm việc, tiếp tục thực hiện các đơn hàng đã ký. Từ cuối năm ngoái, dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng Việt Vương vẫn xuất hết đơn hàng cho đối tác để tập trung sản xuất hàng mới năm 2022.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương cho biết, dù hoạt động xuất khẩu của đơn vị qua tháng 3, 4 mới bắt đầu nhưng dự báo sẽ khó có sự thay đổi lớn do giá đơn hàng được ký từ trước, nguyên liệu cũng nhập xong.
Năm 2021 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu Quảng Nam đạt gần 3,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 1,48 tỷ USD (tăng 40,5%) và nhập khẩu hơn 2,01 tỷ USD (tăng 16%), cao nhất từ trước đến nay. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Quảng Nam chủ yếu sang Hàn, Nhật, Mỹ và EU.
Bên cạnh xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày da, tụ điện và linh kiện sản xuất tụ điện, vải mành, bàn, ghế, nội thất gỗ... các doanh nghiệp Quảng Nam cũng nhập nhiều máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất gia công, hàng tiêu dùng hải sản đông lạnh…
“Vướng nhất hiện nay là khâu vận chuyển, tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Nếu trước đây hàng xuất từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ mất khoảng 20 ngày, sang bờ Tây là 30 - 35 ngày thì hiện nay tăng thêm 2 tuần nữa, dẫn đến chi phí cũng cao hơn.
Tương tự, việc nhập nguyên liệu từ các nước và vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Đài Loan...) thời gian cũng tăng thêm khoảng 1 tuần” - ông Kiên dẫn giải.
Công ty TNHH Việt Vương chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 90% hàng hóa xuất khẩu của đơn vị. Tùy thời điểm và đơn hàng mà số lượng container xuất đi dao động từ 2 - 10 container mỗi chuyến.
Theo ông Kiên, nguyên nhân khiến hoạt động vận chuyển trì trệ là thiếu container, đặc biệt nguồn nhân lực tại một số cảng biển lớn ở Mỹ thiếu hụt do ảnh hưởng Covid-19 khiến hoạt động vận chuyển bị ảnh hưởng, do đó trong thời gian ngắn hạn hoạt động xuất nhập khẩu chưa thể có sự chuyển biến mạnh.
Khảo sát một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn tỏ ra thận trọng dù thị trường thế giới đã mở cửa. Ông Nguyễn Tiến Lãng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung (PMG) cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay tập trung ở khâu vận chuyển bởi giá xăng dầu đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm dẫn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đội lên.
Dự báo năm 2022 các hoạt động liên quan đến vận chuyển, logistics vẫn tiếp tục tăng, do đó việc các nước tái mở cửa nền kinh tế cũng chưa mang lại sự ổn định cho doanh nghiệp. PMG chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, theo tính toán trong tháng 2 hoặc tháng 3 tới nguồn cung sẽ thiếu hụt, đây là điều khá bất thường so với những năm trước.
Tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu
Theo ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam, gần 2 tháng đầu năm hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, chưa có đột biến lớn. Các mặt hàng giày da, may mặc, thủy sản xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, tái mở cửa nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 chắc chắn mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Quảng Nam. Thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiêp, qua đó kịp thời giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phát triển một cách tốt nhất.
Sở Công Thương cũng đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chương trình đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam. Trong đó, tập trung xác định các sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xúc tiến, tìm kiếm thị trường, phát triển xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, sở sẽ tập trung chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh như chế biến, may mặc, da giày, đặc biệt phát triển công nghiệp sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương xây dựng đề án phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
“Sở Công Thương đang tích cực xây dựng các kế hoạch triển khai, phổ biến những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, giúp doanh nghiệp tận dụng, nắm bắt cơ hội, nhận thức sâu rộng các nội dung nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu” - ông Dự nói.
KẾT NỐI GIAO THƯƠNG
Quảng Nam đã lên kế hoạch mở rộng cửa đường không, đường bộ và cảng biển, sẵn sàng kết nối giao thương.
Không đứt gãy
Quảng Nam đã công bố chương trình Năm du lịch quốc gia 2022, sẵn sàng cho kế hoạch khôi phục kinh tế địa phương, đón cơ hội mở lại đường bay thương mại quốc tế và mở cửa toàn bộ du lịch Việt Nam. Hệ thống giao thương địa phương hoàn tất cho sự vận hành nền kinh tế “thời kỳ mới”.
Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đón hàng, người theo Hành lang kinh tế Đông - Tây 2. Cảng hàng không Chu Lai đủ các hãng bay, tần suất 18 - 20 chuyến/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu khách đến, đi từ hai đầu đất nước...
Ông Bùi Minh Trực - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (Thilogi) cho hay tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai năm 2021 đạt 2,94 triệu tấn, tăng 37% so năm 2020. Năm 2022, Thilogi sẽ thực hiện dịch vụ vận chuyển đa phương thức cho hơn 83.200 container vận chuyển đường biển quốc tế, tăng 63% so năm 2021. Dự kiến năm 2022, cảng Chu Lai sẽ tiếp nhận 720 lượt tàu, sản lượng qua cảng dự kiến đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 48% so năm 2021.
Khác đường không hay đường bộ, đóng hoặc mở “phụ thuộc” nhiều yếu tố, “không thể chủ động”, thì cảng biển Quảng Nam chưa bao giờ đóng, kể cả thời dịch bệnh. Cảng biển nội địa Chu Lai đã trở thành một “cảng quốc tế”, xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam chưa bao giờ bị đứt đoạn giao thương.
Ngoài các tuyến vận chuyển nội địa thông qua 2 tàu container Trường Hải Star 2&3, công suất gần 1.000 TEUS, ít nhất có đến 4 tàu hàng quốc tế cập cảng, làm hàng mỗi tuần. Các tàu này nhập thiết bị, linh kiện... và mang các container hàng nông sản (trái cây) và hàng xuất khẩu (hạt nhựa, nhựa thông, sợi xingdadong... của 50 doanh nghiệp tại các KCN (Chu Lai, VSIP Quảng Ngãi...), kết nối đến các cảng khác trên thế giới...
Quảng Nam đã bổ sung dự án đầu tư nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà. Toàn tuyến luồng có chiều dài 11km (từ phao số 0 đến bến cảng Chu Lai) sẽ được nạo vét đến cao độ âm 10m, đảm bảo cho tàu 15.000 tấn (đủ tải), tàu 20.000 tấn và lớn hơn (giảm tải) cập cảng.
Theo ông Bùi Minh Trực - Phó Tổng giám đốc Thilogi, luồng cảng Kỳ Hà đã được nạo vét âm 10m, nhưng chỉ mới đáp ứng tàu trọng tải 20.000 tấn. Sản lượng hàng hóa qua cảng ngày càng tăng. Hy vọng dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, Cửa Lở sớm thực hiện, theo đúng kế hoạch từng giai đoạn.
Sẵn sàng cho khôi phục kinh tế
Tổng Công ty Hàng không đã lên kế hoạch xây dựng nhà ga hành khách 5 triệu lượt khách/năm, mở rộng nhà ga hàng hóa, sân đỗ máy bay Chu Lai từ năm 2022. Cảng biển Quảng Nam đã được phê duyệt thành cảng biển loại I (22.9.2021).
Thông tin từ Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp, Thaco đã có kế hoạch, đề xuất các chương trình đầu tư các dự án tại cửa khẩu Nam Giang, mở rộng thêm 920m cảng biển tại khu bến Tam Hiệp, thống nhất tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, nước cảng biển. Thaco cũng đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nạo vét luồng 5 vạn tấn.
Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp đã làm việc với Thaco về ý tưởng, quy mô, tiến độ dự án đầu tư hệ thống kho, bãi, dịch vụ liên quan tại tiểu khu I, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Đề xuất đầu tư khu phi thuế quan gắn bến cảng Tam Hòa, đầu tư nâng cấp, mở rộng các bến cảng Chu Lai. Quốc lộ 14 E đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tiếp tục làm việc với trung ương để có chủ trương bố trí vốn cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 14D.
Việc phải “mượn” cảng Dung Quất để xuất sơ mi rơ moóc sang Mỹ (chuyến 870 sơ mi rơ moóc ngày 15.12.2021 và mới đây ngày 7.1 với 1.050 sơ mi rơ moóc) đã buộc chính quyền, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Việc thi công nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2) được gia hạn và lệnh đến ngày 30.6.2022 buộc phải hoàn tất.
Theo Thaco, tập đoàn đã đầu tư xây dựng bến cảng số 2 - cảng biển Chu Lai dài 365m. Sẽ mở rộng khu cảng, logistics, khu phi thuế quan, mở rộng cảng số 2 - Cảng Chu Lai dài 365m và tuyến luồng 5 vạn tấn khu vực Cửa Lở để kết nối Tây Nguyên, Lào, Campuchia, hai miền Nam, Bắc..., mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á, từng bước đưa cảng Chu Lai trở thành một trung tâm giao nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc tế với sản lượng lớn.
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp cho biết dự án nạo vét luồng Kỳ Hà (giai đoạn 2) đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế. Khối lượng thi công nạo vét đến nay đạt 35%. Dự kiến đến quý 2.2022 sẽ hoàn thành. Mở rộng tuyến Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn cập cảng sẽ được tiến hành theo dự định.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế thích ứng trong giai đoạn mới là việc đang được các ngành và chính quyền quan tâm thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Chính quyền chủ động đến với doanh nghiệp
Việc hỗ trợ đầu tiên của tỉnh đối với doanh nghiệp (DN) là ở thủ tục hành chính. Cứ hình dung thế này, có một tập đoàn, công ty muốn phục hồi, mở rộng hoạt động, thì các cấp, ngành phải vào cuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, để DN mở rộng thuận lợi, nhanh.
Việc giải phóng mặt bằng được xúc tiến, tiến độ tính theo hàng tuần, các tổ công tác sáp vào việc, gấp rút để có đất sạch cho DN mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới. Phải gắn kết, hỗ trợ cung - cầu lao động cho DN. Việc đào tạo đừng nghĩ chỉ vài ngôi trường ở Quảng Nam là đủ, mà phải kết nối nhiều trường khác ở các tỉnh miền Trung, trường của DN đang đầu tư đào tạo nhân lực.
Các chính sách chung phục vụ mở cửa kinh tế bám theo các chính sách của Trung ương, đó là Nghị quyết 105 hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau đại dịch. UBND tỉnh đã có Quyết định 3093 triển khai thực hiện Nghị quyết 105. Nghị quyết có việc hỗ trợ tái cơ cấu nợ, giảm tiền thuê đất.
Ngay trong và sau dịch bệnh, tỉnh đã cử nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên DN, vừa thăm hỏi cũng là vừa thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đang xúc tiến thành lập, mở rộng thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, diện tích dự kiến mở rộng thêm khoảng 10.000ha.
Quan điểm của Quảng Nam trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư là chính quyền đến với DN, chứ không ngồi chờ DN tìm đến chính quyền. Muốn các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh đến với tỉnh, thì phải chủ động cung cấp thông tin cho họ bằng công nghệ số.
Quảng Nam đang chạy thử nghiệm bản đồ số, trong đó sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để DN tìm hiểu trước khi đến với Quảng Nam. Khi DN đến đây, chỉ cần đi khảo sát thực địa, chứ không họp hành gì nữa. Các ngành cùng vào cuộc, hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Quảng Nam cũng kiến nghị Trung ương nên xem xét bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Ví dụ như một khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch 100ha, đã có chủ trương đầu tư, nhưng giai đoạn đầu DN vào đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ mới 50ha, còn lại 50ha nếu muốn thực hiện tiếp lại phải khăn gói đi xin lại chủ trương đầu tư mới.
Đã quy hoạch xong rồi mà phải đi xin lại như thế thì tốn thời gian của DN, vô hình trung cản trở DN đầu tư. Với công đoạn này, thiết nghĩ Chính phủ nên phân quyền, giao quyền về lại cho địa phương thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ đã có quy hoạch.
Phó Giám đốc Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp Thiều Việt Dũng: Vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất
Ban Quản lý đã có kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho các DN trong khu công nghiệp (KCN), đưa hoạt động sản xuất kinh doanh quay lại và phát triển tốt hơn. Trên địa bàn tỉnh có 13 KCN được thành lập với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó, 10 KCN có 222 DN thứ cấp đang hoạt động. 3 KCN đang thực hiện đầu tư, là KCN Thaco Chu Lai, KCN Tam Anh An Hòa và KCN Tam Anh 1.
Nhìn chung, tuy bị ảnh hưởng rất nặng của đại dịch Covid-19 nhưng các DN trong các KCN duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh; đã có một số DN tăng công suất, sản lượng và tuyển thêm lao động; chưa có DN hoặc KCN nào phải dừng hoạt động kéo dài do phát sinh, lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng có 20 DN tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân như nguồn lực tài chính, thị trường, ngành nghề kinh doanh, hệ thống quản trị DN còn hạn chế… và có bị ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19.
Để đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch bệnh, phục hồi sản xuất, ban quản lý tích cực hỗ trợ DN thực hiện các giải pháp. DN đã xây dựng, tổ chức quản trị hệ thống sản xuất, lưu thông hàng hóa phù hợp; ứng dụng công nghệ trong hệ thống quản trị sản xuất, quản trị chất lượng và lưu thông tiêu thụ hàng hóa.
Tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh; khai thác tốt nhất nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế, đa dạng nguồn cung để hạ giá thành thấp nhất; chủ động kế hoạch sản xuất, phân tích, nhận định, đánh giá điều chỉnh quy mô, công suất hoạt động phù hợp; ưu tiên những khách hàng chiến lược, khách hàng tiềm năng…
Với sự vào cuộc đồng bộ của toàn tỉnh và sức mạnh của DN, kỳ vọng kinh tế của tỉnh mở cửa và phát triển trở lại.