Giáo dục - Việc làm

Mở đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

VĂN SANH 19/02/2024 20:48

Năm 2024, nhiều trường đại học mở ngành Vi điện tử - thiết kế vi mạch đón đầu xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.

synopsys.jpg
Ảnh minh họa.


Thông tin từ hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” diễn ra tháng 10/2023 tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Tổng lượng kỹ sư ngành bán dẫn, vi mạch là 5.000 người, nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí việc làm này khoảng 500 người/năm.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm đối tác chiến lược, dự báo nhu cầu nhân lực ngành này tăng mạnh, khoảng 3.000 - 5.000 kỹ sư/năm. Dự đoán lạc quan rằng, Việt Nam muốn có 15.000 kỹ sư ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn và 35.000 kỹ sư đóng gói, sản xuất từ nay tới năm 2030. Đây là những con số lớn mà các cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam không dễ đáp ứng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, công nghiệp bán dẫn còn khá mới ở Việt Nam và chưa có tên trong danh mục ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên trên thực tế, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn đã và đang được đào tạo tại nhiều trường và làm nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác.

Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) có đào tạo các ngành như: Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, Tự động hóa... cung cấp 40 - 60 kỹ sư hàng năm cho các công ty quốc tế. Trong đó, số lượng sinh viên làm việc trong lĩnh vực bán dẫn rất khiêm tốn (khoảng 10%) và trình độ tiếng Anh còn yếu cần phải khắc phục, cải thiện.

Vấn đề cần được quan tâm nhất thời điểm này là các cơ sở giáo dục đại học đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nội dung chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên ra sao để đáp ứng mở ngành, chuyên ngành vi mạch bán dẫn trong năm nay.

Mùa tuyển sinh 2024, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở 3 trường: Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Công nghệ thông tin (dự kiến xét tuyển 150 chỉ tiêu với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01).

Ba trường thành viên của ĐHĐN cũng sẽ tuyển sinh tổng số 190 chỉ tiêu năm 2024 cho chuyên ngành nêu trên, gồm Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (VKU) là 40 chỉ tiêu, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuât: 50 chỉ tiêu, Trường Đại học Bách khoa: 100 chỉ tiêu.

PGS-TS.Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) chia sẻ, nhà trường có gần 20 giảng viên sẵn sàng tham gia giảng dạy cho chuyên ngành Kỹ sư vi điện tử. Dự kiến, trong năm sẽ mở chuyên ngành Kỹ sư vi điện tử nhằm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Mới đây, nhà trường đã khánh thành “Không gian đổi mới sáng tạo” (DUT Maker Innovation Space) và Phòng Thiết kế vi mạch (IC Design Lab) được các đối tác hàng đầu như Fujikin Đà Nẵng, FPT Software, Renesas, Cadence, Unitec) đầu tư trang thiết bị hiện đại, sẵn sàng cho tuyển sinh đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ngay năm 2024.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO