Mở đường

CÔNG TÚ 18/02/2015 10:46

Thành quả qua 40 năm miệt mài mở đường trên đất Quảng là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) liên hoàn từ miền ngược đến miền xuôi, thông suốt từ Bắc vào Nam.

Gắn bó với ngành trước ngày giải phóng, ông Lê Văn Hinh - nguyên Giám đốc Sở GTVT cho biết, chiến tranh đã làm cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thiệt hại nặng nề với hơn 90% cầu cống, đường sá bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Giao thông lên các huyện miền núi thì còn sơ khai, ô tô không đi lại được; vùng nông thôn toàn là đường đất. Hằng năm, thiên tai gây tổn thất cho GTVT cao hơn 2 lần nguồn vốn tỉnh đầu tư. Để tạo tiền đề phát triển hạ tầng giao thông cho công cuộc xây dựng, sau ngày giải phóng, ngành GTVT đã bắt tay xếp lại lao động tại Công ty Cầu Hội An, Công ty Công trình 2 và 3; ưu tiên tập trung sức người nhằm mở đường đến các huyện miền núi. Năm 1977, thực hiện chính sách cải tạo thành lập các đơn vị về hợp doanh vận tải để tập hợp 1.000 nghìn ô tô các loại, 300 ghe thuyền đủ điều kiện phục vụ vận chuyển cho công cuộc tái thiết.

Mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TP. Tam Kỳ đã hoàn thành. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TP. Tam Kỳ đã hoàn thành. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Sức mạnh tổng hợp

“Quảng Nam được tái lập vào năm 1997. Mặc dù trụ sở làm việc tại tỉnh lỵ Tam Kỳ phải đi thuê, chỗ ở tự túc, ăn uống tự nấu, vốn xây dựng cơ bản cấp nhỏ giọt…, chúng tôi vẫn đoàn kết khắc phục khó khăn, tìm tòi suy nghĩ xác định hướng đi riêng độc đáo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường” - ông Hinh bồi hồi bày tỏ.

Tỉnh nghèo Quảng Nam có tới 50% địa phương miền núi. Muốn kinh tế đi lên thì trước hết phải đẩy mạnh hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn (GTNT) và đường sá lên vùng sâu vùng xa. Để có sự chỉ đạo tập trung, ngành lập quy hoạch GTVT và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong năm 1998. Căn cứ theo đó, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ GTVT chuyển 74,4km đường tỉnh lộ (ĐT) 606 thành quốc lộ (QL) 14D và cấp 436 tỷ đồng thi công công trình nối đường Hồ Chí Minh tại Bến Giằng đi đến cửa khẩu Nam Giang. Bộ GTVT tiếp tục chuyển 68km tuyến ĐT612 thành QL14E và đầu tư vào đó 130 tỷ đồng; cấp 200 tỷ đồng xây dựng đường Hùng Vương, tuyến tránh Nguyễn Hoàng qua Tam Kỳ.

Niềm vui của công nhân trên công trình xây dựng cầu đường.Ảnh: MINH HẢI
Niềm vui của công nhân trên công trình xây dựng cầu đường.Ảnh: MINH HẢI

Thông qua xúc tiến đầu tư, Tổng cục Du lịch đã cấp hơn 300 tỷ đồng làm đường ven biển Cẩm An - Điện Dương - Điện Ngọc, đường Thanh niên ven biển và đường Nam Phước - Trà Kiệu phục vụ đắc lực cho việc khai thác 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Sở GTVT đã xin UBND tỉnh cho phép làm chủ đầu tư 20 dự án khai thác quỹ đất và thu được hơn 200 tỷ đồng để làm 18 tuyến đường trong nội thị Tam Kỳ. Quảng Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp đẩy phát triển GTNT lên cao trào theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ trong vòng 3 năm 2001 - 2003, toàn tỉnh bê tông hóa được 2.000km mặt đường GTNT, kỳ tích tạo tiếng vang khắp cả nước… Mười năm sau ngày chia tách, Quảng Nam đã đầu tư cho giao thông gần 3.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với tổng vốn 21 năm trước đó.

“Sinh sôi nảy nở”

Nguyên Giám đốc Sở GTVT - ông Trương Văn Cận nhìn nhận, chủ trương đầu tư từ năm 2010 trở lại đây đã có bước tiến khi tỉnh quyết tập trung vốn sửa chữa, nâng cấp từng đoạn các tuyến ĐT bức xúc chứ không “rải” tràn lan. Nhờ vậy, từ năm 2011 - 2014 đã nâng cấp được 130km tuyến ĐT với trên 400 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cầu Gò Nổi mới trên tuyến ĐT610B. Gần như “ôm trọn” ĐT616, đường Nam Quảng Nam từ Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) bám theo đỉnh Ngọc Linh thuộc địa phận Nam Trà My đi đến huyện Tu Ma Rông, nối cửa khẩu Bờ Y của tỉnh Kon Tum được Bộ GTVT chuyển thành QL40B. Chạy từ Đà Nẵng tiếp giáp đường Hồ Chí Minh, ĐT604 được Bộ GTVT chuyển thành QL 14G; QL 14B vẫn đang chứng tỏ hiệu quả khai thác.

Phong trào phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa và đạt được nhiều kết quả.Ảnh: CÔNG TÚ
Phong trào phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa và đạt được nhiều kết quả.Ảnh: CÔNG TÚ
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Nam sẽ thực hiện đề án phát triển các tuyến đường huyện, tiếp tục tạo bước ngoặt mới cho mục tiêu cải thiện hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Đường bộ trục dọc không những được củng cố mà còn “sinh sôi nảy nở”. Tuyến ven biển Việt Nam ở giai đoạn nước rút để thực hiện sứ mệnh kết nối phía bắc phố cổ Hội An đến Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với “điểm nhấn” cầu Cửa Đại sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 3. Nhích về hướng tây, QL 1 đang thi công mở rộng theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) gồm 2 dự án thành phần có tổng chiều dài 57km, tổng mức đầu tư 3.112,604 tỷ đồng. Phía trên đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã triển khai rầm rộ ở các gói thầu, kinh phí đầu tư lên tới 27.968 tỷ đồng. Để phục vụ 2 dự án vừa nêu, Quảng Nam phải đảm đương nhiệm vụ đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho 13.434 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài đường Hồ Chí Minh, đường tuần tra biên giới và Đông Trường Sơn qua địa bàn miền núi cũng đang thi công. QL 24C thì mới hoàn thành khớp nối giữa Bắc Trà My với Trà Bồng của Quảng Ngãi.

Sau 40 năm, Quảng Nam hiện có trên 7.000km chiều dài đường bộ các loại. Triển khai đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh bê tông xi măng được 1.315,3km, đưa tổng số chiều dài mặt đường được “cứng hóa” lên 4.081km. Tính riêng giai đoạn 2010 - 2014, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đạt hơn 12.500 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông trục ngang - dọc kết nối tương đối đồng bộ, cùng với mạng lưới đường đô thị, đường huyện và GTNT đã tạo được sự giao lưu thuận tiện hơn cho hầu hết địa phương, góp phần đưa mục tiêu tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ về đích thành công.

“Cuộc sống làm gì có đường; người ta đi mãi mà thành đường đấy thôi” - một văn hào nói vậy. Với đất Quảng, miệt mài đi và tạo dựng, mở đường là mệnh lệnh - chìa khóa để phát triển.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO