Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, tạo chuỗi giá trị từ sự liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực để hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính... "đặt hàng" ngành du lịch.
“Nghẽn” từ đâu?
Tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, ngay từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Nhờ đó, hoạt động du lịch đã phần nào khôi phục, đặc biệt là du lịch nội địa diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước.
"Tuy nhiên, hoạt động du lịch quốc tế vẫn khôi phục chậm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhiều thị trường khách quốc tế vẫn đóng băng, đường bay quốc tế bị gián đoạn. Năm 2022 cả nước chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, mới đạt 70% mục tiêu đón 5 triệu lượt khách của năm 2022 và đây là con số rất nhỏ so với năng lực đón khách của Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Tây Âu… đã dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Các điểm đến của Việt Nam cũng đã khởi động nhiều chính sách để khai thông hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế" - ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Giới chuyên gia nhận định, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước tăng cao nhất thế giới, song một số chỉ số quan trọng còn thấp. Chưa kể, thủ tục về thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam chưa mở hoàn toàn để thu hút khách du lịch.
Thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, được xác định là lý do làm giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
"Mở cửa du lịch quốc tế hợp lý góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá. Ở các nước, sau dịch, Chính phủ đều có những thiết kế chính sách cho ngành du lịch để kéo khách đến và giúp doanh nghiệp trong ngành bắt kịp tốc độ hồi phục của thị trường.
Chúng ta mở cửa sớm nhưng các chính sách hỗ trợ cho việc mở cửa lại quá muộn màng. Chính sách visa đang áp dụng vẫn kém linh hoạt, lạc hậu so với các nước nên không thể cạnh tranh.
Chúng ta mở cửa sớm mà điều kiện quá chặt, nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam không như mong muốn. Chính sách và cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn gần như bị đánh đồng với những ngành khác" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings chia sẻ.
Những việc cần làm ngay!
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có. Đồng thời đảm bảo yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, làm ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà. Do vậy, việc cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế được đặt ra.
Cùng với đó, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… Việt Nam phải đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở quy mô ngành, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tận dụng thời cơ, cơ cấu lại các hoạt động du lịch đáp ứng xu thế toàn cầu là điều phải làm trong tương lai. Cụ thể, các địa phương xây dựng những mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương nhưng cần bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin du lịch.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để thu hút khách quốc tế, tư lệnh ngành VH-TT&DL cho rằng, cần tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến, điều chỉnh hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông. Mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam, nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển...
Tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch Việt Nam chủ đạo như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản), du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Củng cố năng lực nội tại
Theo báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày 24/5/2022, có 4 chỉ số bị xếp hạng thấp nhất của du lịch Việt Nam là: y tế và vệ sinh; hạ tầng dịch vụ du lịch; mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; sự bền vững về môi trường.
Theo doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam, ngoài tính bền vững về môi trường du lịch đang dần cải thiện, những lĩnh vực còn lại của tỉnh còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến du lịch Quảng Nam chưa thu hút được phân khúc khách quốc tế có chi tiêu cao.
Theo ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong lúc chờ chính sách đột phá thì doanh nghiệp và điểm đến cần củng cố nội lực của mình.
Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ cộng với tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất và mô hình “6Rs” (bao gồm: thích ứng, linh hoạt (respond); phục hồi càng nhanh càng tốt (recover); tái cấu trúc (restructure); đổi mới, sáng tạo (re-invent); quản lý rủi ro (risk management); tăng sức đề kháng (resilience). (Q.T)