Chưa tự chủ về con giống, quy trình kỹ thuật nuôi chưa đảm bảo, công nghệ nuôi truyền thống lạc hậu... là những điểm nghẽn khiến nghề nuôi biển Quảng Nam chậm phát triển. Thêm vào đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nghề nuôi biển đối diện với nhiều rủi ro...
Phát triển tự phát
Không phủ nhận thành quả bước đầu của nghề nuôi biển Quảng Nam, nhưng nhìn chung vẫn còn tình trạng tự phát, thiếu bền vững. Thời gian qua không ít nông dân chịu thiệt hại nặng nề khi các loại hải sản nuôi chết đột ngột.
Nguyên nhân là ở các vùng nuôi xuất hiện lượng vi khuẩn gây bệnh vượt ngưỡng cho phép, cùng với đó, lượng chất hữu cơ trầm tích, các loại tảo độc hại dễ gây bệnh.
Đây có thể là hệ lụy của việc người nuôi không tuân thủ các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, mặt khác, môi trường nước ven biển bị ô nhiễm bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là xả thải chưa qua xử lý.
So với động vật nuôi trên cạn, nuôi hải sản trên biển nhìn chung đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ít gây tác hại môi trường. Hiện nay, ngành đánh bắt hải sản khai thác gấp 2,5 lần sản lượng hải sản thiên nhiên tái tạo, nếu vẫn giữ mức khai thác như hiện nay thì nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Do vậy, nghề nuôi biển sẽ góp phần hạn chế khai thác hải sản tự nhiên. Phát triển công nghiệp nuôi biển quy mô lớn tạo sản phẩm mới, giá trị cao trong xuất khẩu, giải quyết nguyên liệu chế biến, tạo cơ hội phát triển cho ngành thủy sản...
Ở các vùng ven biển Cửa Đại hay Cửa Lở, rác thải, túi ny lon trôi nổi dập dềnh, tấp vào ven bờ. Nhiều trường hợp hải sản nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh bị xả thải ra biển khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Ông Huỳnh Nhẹ (một người nuôi cá bớp, cá chim vây vàng ở biển Cửa Đại) nói: “Hiện nay, chúng tôi nuôi biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhiều khi không biết xoay xở thế nào khi các loại cá bị nhiễm bệnh.
Rất mong ngành thủy sản quan tâm quan trắc môi trường định kỳ, phân tích môi trường nước biển, cảnh báo các mối nguy hại, hướng dẫn chúng tôi quy trình kỹ thuật ứng phó để nuôi biển thành công hơn”.
Ông Phạm Xuân Vương (thôn Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) đầu tư nuôi cá bớp ở khu vực cửa biển Cửa Lở nhiều năm nay cho biết, nghề nuôi biển nhiều khi phụ thuộc vào may rủi. Bởi con giống đặt mua ở tỉnh khác về, không có kiểm dịch, không chắc chắn về chất lượng nên vụ được, vụ mất.
“Tôi vẫn trước sau như một, đặt mua giống cá bớp của một doanh nghiệp từ Ninh Thuận. Tuy nhiên, có năm thu được sản lượng khá, có năm cá lại chết trắng lồng. Kỹ thuật thì vẫn vậy nhưng không biết sao xảy ra trường hợp cá chết” - ông Vương nói.
Hiện nước ta chỉ sản xuất được một số loại giống cá biển với quy mô nhỏ lẻ, nguồn cung chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu qua đường tiểu ngạch với chất lượng thiếu ổn định.
Vì vậy, người nuôi biển trên địa bàn tỉnh không có được nguồn cung cấp giống hải sản đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi truyền thống sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ cá tươi, thông thường là cá tạp. Nguồn thức ăn này không ổn định, phụ thuộc vào việc khai thác của ngư dân địa phương.
Ngoài ra, hạ tầng nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh còn sơ sài do thiếu quy hoạch, đầu tư chưa đồng bộ, chính sách quản lý chưa tốt dẫn đến tình trạng nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo ghi nhận, một số vùng nuôi đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng do thiếu độ sâu và tốc độ dòng chảy chậm, trong khi mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động nuôi biển lớn.
Thị trường cho các sản phẩm nuôi biển cũng bấp bênh, chủ yếu được thương lái thu gom rồi xuất khẩu tiểu ngạch hoặc bán để tiêu thụ nội địa tại các chợ địa phương. Tình trạng ép giá diễn ra thường xuyên.
“Hạn chế của nghề nuôi biển Quảng Nam là thiếu liên kết để tạo chuỗi sản phẩm khép kín, do đó giá trị kinh tế thu được chưa cao” - ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nói, nghề nuôi biển không chỉ đơn thuần là phát triển lồng bè để nuôi hải sản trên biển mà quan trọng hơn là phải biết nuôi dưỡng tiềm năng của biển, giữ gìn môi trường biển, từ đó mới khai thác bền vững tiềm năng của biển, làm giàu bằng nghề nuôi biển.
Các lồng bè nuôi hải sản san sát, khoảng cách quá gần nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Trong khi đó, ngành thủy sản và thú y lại chưa quan tâm đến quan trắc môi trường để có các cảnh báo kịp thời, giúp người nuôi biển ứng phó phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh xảy ra.
Thách thức của biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên người dân nuôi hải sản bằng lồng bè gỗ, thép truyền thống thường xuyên hứng chịu rủi ro.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết, trong đợt mưa lớn và gió mạnh hồi tháng 4.2022, đã có 40 lồng bè nuôi biển của người dân bị sóng cuốn trôi. Các hộ Trương Minh Thành, Trương Minh Việt, Đỗ Quốc Tịnh nuôi biển với các loại cá bớp, cá chim... bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Việt nói: “Nước ở lưu vực sông Cửa Đại ùn ùn đổ mạnh ra cửa biển khiến chúng tôi hốt hoảng di dời các lồng bè vào bờ. Do quá xa bờ nên khi đang di chuyển thì các lồng bè bị đứt dây trôi dạt, cá thất thoát ra ngoài”.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các vùng nuôi biển của tỉnh đều gần bờ, ven đảo hoặc ở các khu vực đầm, vịnh. Người dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu còn áp dụng quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ hoặc thép nhỏ không chịu được sóng gió lớn.
Các loại lồng này chỉ nuôi được ở các vùng có dòng chảy chậm, ít sóng gió và thời gian sử dụng tương đối ngắn nên hiệu quả đầu tư không cao. Nuôi biển bằng lồng bè của người dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, do các lồng bè nuôi biển ở các khu vực Cửa Lở, cửa An Hòa thiếu kiên cố nên hầu hết người dân chỉ nuôi 1 vụ trong năm, bắt đầu từ tháng 1 cho đến tháng 8 hoặc 9.
Tuy vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày phức tạp, thường có gió giật mạnh, sóng lớn khiến người dân nuôi biển khó xoay xở kịp thời. Vừa qua có nhiều lồng bè bị sóng đánh tan nát.
“Trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, người nuôi biển bằng lồng bè cần thay đổi phương thức sản xuất. Mong các ngành chức năng mở lớp đào tạo nghề nuôi biển bài bản cũng như tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ về vốn, giúp các hộ nuôi có hướng đầu tư lớn hơn” - ông Hùng nói.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hiện nhiều loại sản phẩm từ nghề nuôi biển có thị trường ổn định, nhất là xuất khẩu do nhu cầu rất cao và ngày càng tăng. Nuôi biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Rất cần các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để tăng giá trị sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
--------------------
Bài cuối: Tạo động lực phát triển bền vững