Thu hút đầu tư của doanh nghiệp; liên kết tạo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ mới; tiếp sức bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước... là những bước đi cần thiết để nâng tầm nghề nuôi biển Quảng Nam theo hướng công nghiệp, phát triển bển vững.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư
Ông Lê Thọ Tiến - Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, doanh nghiệp (DN) rất muốn đầu tư nuôi hải sản ở các vùng biển Quảng Nam.
Qua tham quan, tìm hiểu, nhận thấy nhiều doanh nghiệp nuôi biển ở các địa phương khác rất hiệu quả. Thế mạnh của Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ là có thể nghiên cứu, sản xuất nhiều loại giống hải sản chất lượng để phục vụ nuôi biển. Các vùng biển Quảng Nam có chất lượng nước đảm bảo.
“Chúng tôi cần UBND tỉnh quy hoạch các vùng nuôi biển, có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ để tiếp cận, triển khai đầu tư hạ tầng” - ông Tiến nói.
Công nghệ mới cho nghề nuôi biển
Tại hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã nghiên cứu vật liệu nuôi biển HDPE và composite công nghệ cao phục vụ nghề nuôi biển. Vật liệu này sẽ thay thế cho tre, gỗ truyền thống với độ bền lên đến 50 năm.
Các vật liệu này cho phép nuôi biển gắn với phát triển du lịch để tạo ra sự bền vững về kinh tế xanh, tuần hoàn.
Để hỗ trợ người nuôi biển tiếp cận với công nghệ mới, tập đoàn đang có những giải pháp về tài chính như thực hiện hỗ trợ trả góp cho nông dân, ban đầu người dân chỉ phải chi trả 30% giá trị, sau đó trả dần trong 3 vụ đầu thu hoạch, thời gian mỗi vụ 8 tháng, đồng thời liên kết với ngân hàng cho người dân vay đóng lồng bè bằng vật liệu mới.
Nếu có nhiều DN đầu tư sẽ tạo “làn sóng” mới cho nghề nuôi biển Quảng Nam, dần xóa bỏ cách đầu tư manh mún. Đặc biệt, DN liên kết với đối tác chế biến hải sản, chế biến thức ăn công nghiệp nuôi biển, tiến tới chủ động hoàn toàn từ con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi biển.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đã có nhiều công ty lớn trong và ngoài tỉnh liên hệ, đặt vấn đề về đầu tư nuôi hải sản quý hiếm ở các vùng biển của tỉnh. Điều DN mong muốn là tỉnh có cơ chế, chính sách hợp lý để đầu tư, làm ăn lâu dài.
Về công nghệ, ông Long cho rằng lồng bè HDPE sẽ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, tình hình bão lũ và nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện nay. Tuy nhiên cái khó để sỡ hữu lồng HDPE là vốn đầu tư quá lớn. Bởi vậy, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư là rất quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao vai trò của DN đầu tư vào nghề nuôi biển. Định hướng của tỉnh là phát triển các mô hình nuôi hải sản ra xa khu vực ven bờ.
Song song với đó là bắt đầu thí điểm, chuyển dịch một phần nghề nuôi biển sang nuôi theo quy mô công nghiệp, hiện đại, dần ra xa bờ và đánh giá hiệu quả bước đầu.
Khi đủ điều kiện sẽ triển khai đại trà lồng nuôi biển hiện đại trên các vùng biển mở, xa bờ, quy mô lớn gắn với chuỗi khép kín hậu cần nghề cá, chế biến, xuất khẩu.
Cần chính sách phù hợp
PGS-TS.Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, thách thức của nghề nuôi biển Quảng Nam là thiếu kế hoạch phát triển, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư.
Công cụ quản lý nhà nước yếu và chưa có cơ chế đồng quản lý hiệu quả. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém. Đây là những thách thức đối với định hướng nuôi biển xa bờ của tỉnh. Hoạt động quản lý thị trường, quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc vào trung gian nhỏ lẻ. Rủi ro nuôi biển lớn do ô nhiễm môi trường, liên kết sản xuất yếu.
Để phát triển bền vững nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, Quảng Nam cần xây dựng cơ chế phát triển nuôi biển với chủ thể là cộng đồng DN dẫn dắt người dân, nông hộ; động lực là công nghệ tiên tiến; phương thức là tích hợp đa ngành.
“Ngoài DN, Quảng Nam có thể khuyến khích ngư dân, nông hộ mở rộng quy mô nghề nuôi biển. Cách làm là hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình nuôi biển xây dựng các trang trại nuôi biển công nghiệp, từng bước lớn mạnh về quy mô, mở rộng chuỗi giá trị” - PGS-TS.Nguyễn Hữu Dũng nói.
Nuôi biển công nghiệp đã trở thành xu hướng được các nước trên thế giới theo đuổi. Dẫn dắt nghề nuôi biển phải là công nghệ tiên tiến để sản xuất trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nguồn thức ăn hải sản nuôi cũng phải mang tính ổn định; thu hoạch cũng cần được công nghệ hóa, thu hoạch bằng bơm hút cá thay cho thủ công.
Theo PGS-TS.Nguyễn Hữu Dũng, công nghệ bảo quản hải sản sống siêu tươi không còn lạ lẫm, các chủ thể nuôi biển có thể cấp đông nhanh ngay trên biển khi thu hoạch.
Cần từng bước tiếp cận công nghệ số, công nghệ tự động hóa trong nuôi biển xa bờ, ứng dụng IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) để tự động quan sát hoạt động của hải sản nuôi, tự động điều tiết thức ăn, cảnh báo dịch bệnh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Sở NN&PTNT xây dựng chính sách phát triển nuôi biển công nghiệp, bền vững. Theo đó, hỗ trợ các chủ thể nuôi biển với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chính sách phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nuôi biển. Cùng với đó, đào tạo nhân lực, thống nhất quản lý nhà nước về nuôi biển...
“Các nhà khoa học cần nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống hải sản cho người nuôi biển, đặc biệt là sản xuất giống đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Quảng Nam kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định liên quan đến nuôi biển để tạo điều kiện cho các DN mạnh dạn đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.