Hội An đang khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch để trình Hội nghị Tỉnh ủy xem xét quyết định.
Bốn trụ cột - bốn trọng tâm
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như cân nhắc các nguồn lực, cơ hội và thách thức, chiến lược xây dựng và phát triển Hội An thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch tập trung vào 4 trụ cột: Sức khỏe - hạnh phúc, kinh tế - xã hội, môi trường - hạ tầng, lãnh đạo - chiến lược.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, khung chiến lược này sẽ gồm 4 trọng tâm là người dân, doanh nghiệp, chính quyền và đô thị. Từ 4 trọng tâm này triển khai thiết lập 8 định hướng ưu tiên đảm bảo hướng tới và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
Dự thảo Đề án “Bảo tồn xây dựng và phát triển Hội An thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch” nêu rõ kế hoạch hành động ngắn hạn (1 năm) và kế hoạch hành động dài hạn (5 năm và xa hơn). Về dài hạn, đáng chú ý ở trọng tâm “người dân”, sẽ nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí “Hạnh phúc” riêng cho Hội An.
Ở trọng tâm “doanh nghiệp” sẽ nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào du lịch. Ở trọng tâm “đô thị” sẽ lập đề xuất xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Còn về trọng tâm “chính quyền” sẽ thúc đẩy cho cộng đồng tham gia tự nguyện vào các ủy ban, hiệp hội, chương trình sáng kiến cộng đồng…
Khi đề án được Tỉnh ủy thông qua, để có cơ sở triển khai, đưa chiến lược vào thực tiễn, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND TP.Hội An sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời lập khung giám sát, đo lường, đánh giá hiệu quả việc triển khai chiến lược; tùy theo nhu cầu thực tiễn sẽ điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
Thành bại nhờ cơ chế
Trong dự thảo nghị quyết và đề án báo cáo UBND tỉnh trước khi trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (khóa XXII) sắp tới, Hội An tập trung đề xuất khá nhiều cơ chế, chính sách và xem đây là “chìa khóa” quyết định để nghị quyết này đạt được kết quả tích cực. Các nhóm cơ chế được đề xuất tập trung vào quy hoạch - xây dựng - đất đai; phân cấp - phân quyền và ngân sách - tài chính - đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, có nhiều việc ở cơ sở mà chính quyền Hội An rất muốn và có thể giải quyết tốt nhưng không triển khai được vì quy định không cho phép với một chính quyền cấp huyện.
Hội An rất cần các cơ chế đặc thù để bảo vệ quy hoạch, bảo tồn sinh thái, giữ và phát huy giá trị nguồn nhân lực văn hóa… chứ nếu cứng nhắc chiếu theo quy định thì khó lòng bảo tồn được đô thị cổ này.
“Như việc tách thửa, trước đây Hội An đã có quy hoạch riêng để bảo vệ không gian sinh thái đô thị nhưng nếu cứ chiếu theo quy định là 50m² trở lên là được tách, cho xây dựng theo quyết định của tỉnh thì làm sao xây dựng thành phố sinh thái” - ông Sơn nói.
Một cơ chế mà Hội An rất quan tâm và đã nhiều lần đề cập là việc tiếp tục được để lại 100% tiền thu từ ô vé tham quan. Theo lãnh đạo TP.Hội An, nguồn thu này lâu nay đã được để lại cho địa phương nhưng không có cơ chế cụ thể mà liên tục xem xem xét theo từng năm. Việc này khiến cơ quan quản lý địa phương luôn nhấp nhổm, khó lòng phác thảo các quy hoạch dài hạn phục vụ công tác bảo tồn, phát triển đô thị.
Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch Sở Xây dựng góp ý, qua kinh nghiệm khi xây dựng đề án và đề xuất cơ chế, cần cụ thể hóa kết quả cuối cùng là danh mục đầu tư. Đây chính là mấu chốt để có cơ sở thông qua được các đề án, cơ chế.
Theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Hội An cần nghiên cứu kéo dài thời gian của đề án bởi UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, cắt giảm đầu tư công. Ngoài ra, Hội An nên soạn phụ lục về danh mục đầu tư, nguồn kinh phí cụ thể cần để đầu tư theo từng giai đoạn để tranh thủ nguồn vốn khi có nguồn lực.