Mở đường lên "cổng trời"

CÔNG TÚ 16/08/2016 09:10

Đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ huyện Tây Giang (giai đoạn 1) chính thức được khởi công. Công trình là một trong những dự án trọng điểm, hiện thực hóa chiến lược phát triển vùng tây của tỉnh, đảm bảo an ninh-quốc phòng.

Đoạn đường đất qua xã A Xan sẽ được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng.Ảnh: CÔNG TÚ
Đoạn đường đất qua xã A Xan sẽ được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng.Ảnh: CÔNG TÚ

Con đường khát vọng

Còn nhớ ngày 20.3.2010, chứng kiến lễ thông đường giao thông liên xã phóng tuyến lên cận “cổng trời” thuộc các xã khu 7 của Tây Giang, đông đảo người dân 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ga Ri và Ch’Ơm đều vui mừng và phấn khởi. Từ đó, câu “cửa miệng” “khu 7, bảy ngày đi khó” đã không còn, vấn đề lưu thông của đồng bào vùng biên giáp nước bạn Lào (các cụm bản Tà Vàng, Abưh, Pạnon thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) trở nên dễ dàng hơn. Vào mùa nắng, ô tô có thể chạy đến tận thôn Cha’Nốc (xã Ch’Ơm). Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang từng nhận định: “Tuyến đường lên biên giới Việt - Lào đã phá thế cô lập đường cụt được ví như “ruột gà” của Tây Giang. Trong tương lai gần, nó góp phần kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông - Tây, từ Chămpasắc (Lào) qua Quảng Nam đến Đà Nẵng và ngược lại”. Trước đây, nhiều thôn khu 7 của Tây Giang nằm ở địa hình cách trở, người dân chủ yếu lưu thông bằng đường mòn. Sau khi thông tuyến, công trình phục vụ dân sinh, phục vụ vùng biên ải được đầu tư ngày một dày thêm, đã mở ra cơ hội mới.

Dự án đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn 1) có điểm đầu tuyến nối tiếp vào km52 đường A Zích -  Lăng - A Xan (ĐH1.TG). Điểm cuối tuyến tại km11+760 qua trung tâm xã Ch’Ơm, cách cửa khẩu phụ Tây Giang khoảng 3km và cách biên giới Việt - Lào khoảng 6km. Đường cấp VI miền núi; nền đường rộng 6m, mặt đường kết cấu bằng bê tông xi măng rộng 3,5m (lề mỗi bên rộng 1,25m). Tổng dự toán công trình là hơn 170,3 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng chiếm hơn 136,96 tỷ đồng. Thời gian thi công theo hợp đồng giữa đại diện chủ đầu tư với nhà thầu là 34 tháng, bắt đầu từ tháng 8 năm nay.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), việc triển khai đầu tư kiên cố hóa công trình nêu trên rất cần thiết và cấp bách. Tuyến đường sau khi được kiên cố hóa sẽ đáp ứng nhu cầu về đi lại thiết yếu, đảm bảo cho công tác y tế, giáo dục được triển khai hiệu quả trên địa bàn, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới cũng như tại cửa khẩu phụ. “Do đó, công trình được đầu tư sẽ giải tỏa được nỗi khát khao mong chờ bấy lâu của đồng bào vùng cao nơi đây” - ông Bhriu Liếc khẳng định.

Chính thức mở đường

Cuối tuần qua, lãnh đạo Sở GTVT (chủ đầu tư), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) và các nhà thầu đã làm việc với huyện Tây Giang. Theo đó, dự án đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn 1) chính thức được khởi công. Trong tuần này, nhà thầu là Công ty TNHH MTV Hữu Hay sẽ tập trung nhân lực, thiết bị máy móc trên công trường. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Nguyễn Thanh Tâm yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đúng quy định về an ninh trật tự, tạm trú và đi lại của địa phương; phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trên tuyến, trong vạch đã khơi thông mặt bằng; không để đất đá rơi vãi bồi lấp ruộng đất, ảnh hưởng tài sản nhân dân. Các nhà thầu tư vấn, giám sát phải tuân thủ giám sát xây dựng, quản lý chất lượng và khối lượng đúng phương án theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy trình thi công, nghiệm thu hiện hành.

Để đảm bảo tiến độ xây dựng, đại diện chủ đầu tư kiến nghị huyện Tây Giang có giải pháp GPMB và bàn giao nhanh cho nhà thầu. Cạnh đó, địa phương sớm di dời hai công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm đường dây trung hạ thế thuộc thủy điện A Xan và hệ thống nước sinh hoạt thuộc Trường bán trú Lý Tự Trọng. Chỉ đạo Phòng NN&PTNT khẩn trương hoàn tất các thủ tục, xây dựng phương án tận thu gỗ bị ảnh hưởng trên tuyến theo đúng quy định. Trao đổi với chủ đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bling Mia nói rằng, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB các công trình đặc thù, trong đó có dự án nêu trên. Đến thời điểm này, Tây Giang đã khơi thông được 6km đầu tuyến. Ông Bling Mia chia sẻ: “Trên địa bàn có Đồn Biên phòng A Xan, huyện sẽ làm việc riêng với đơn vị này. Về phần mình, nhà thầu phải lập danh sách đăng ký về nhân lực, máy móc nộp cho đồn để quản lý. Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công vướng chỗ nào thì thông tin sớm cho chúng tôi nhằm giải quyết kịp thời”. Ông Bhriu Liếc thì đề nghị đại diện chủ đầu tư, nhà thầu nếu khảo sát, xét thấy cần thiết có thể sử dụng được nguồn vật liệu tại chỗ, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện để giảm chi phí đầu tư. Muốn đảm bảo đẩy nhanh GPMB và không ảnh hưởng đến dân sinh, các đơn vị chịu trách nhiệm liên quan nên khơi thông cả hai đầu tuyến, xử lý ngay nguồn nước sinh hoạt cho giáo viên, học sinh Trường bán trú Lý Tự Trọng. “Chúng tôi mong mỏi lãnh đạo Sở GTVT, đại diện chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Phấn đấu tháng 8.2018 hoàn thành, đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập huyện Tây Giang” - ông Bhriu Liếc đề xuất.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đường lên "cổng trời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO