Việc mở đường để phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) 10 năm qua đã tạo diện mạo khởi sắc ở nhiều làng quê và góp phần cho nhiều địa phương trong tỉnh về đích NTM.
Ưu tiên lồng ghép
Giai đoạn 2010 - 2020, Sở GTVT đã phối hợp với Văn phòng điều phối NTM lồng ghép từ các kế hoạch, đề án như phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2010 - 2015, phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, bảo trì đường bộ, kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện (ĐH) giai đoạn 2015 - 2020 của HĐND tỉnh nhằm ưu tiên phân bổ cho huyện, xã đăng ký đạt chuẩn NTM. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho biết, ngành tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo trì thường xuyên mạng lưới đường địa phương (ĐT, ĐH và ĐX) giai đoạn 2017 - 2020 để địa phương quản lý, bảo trì hệ thống giao thông tại địa bàn mình. Một cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nội đồng, tạo điều kiện phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn cũng được hình thành. Ngoài ra, việc phối hợp rà soát tình hình thực hiện tiêu chí giao thông tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM đến năm 2020; xây dựng, góp ý các quy định về đánh giá huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM, “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”… và bố trí báo cáo viên hướng dẫn cách đánh giá và thẩm tra các chỉ tiêu, tiêu chí NTM theo quy định được làm thường xuyên.
Sở GTVT và các địa phương chủ động cùng ngành chức năng lập quy hoạch xây dựng NTM, phân loại đường theo tiêu chí đánh giá; thẩm định tiêu chí giao thông tại các xã hoàn thành. Xã nào có tỷ lệ đạt tiêu chí về giao thông thấp, chính quyền phối hợp tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm kinh phí khi có nguồn. Địa phương còn được Sở GTVT bố trí cán bộ theo dõi, hướng dẫn và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ vậy, phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM suốt 10 năm đã đạt được kết quả ấn tượng. Phát triển GTNT giai đoạn 2001 - 2009 đã tạo bước đột phá với hơn 2.500km được kiên cố hóa làm cho bộ mặt nông thôn khang trang, sản xuất thuận lợi, kinh tế - xã hội có những chuyển biến rõ rệt. Phát huy thành quả, việc đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh kiên cố hóa thêm 2.265km chiều dài GTNT với kinh phí đầu tư 1.519,3 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 698 tỷ đồng; ngân sách huyện và nhân dân đóng góp 821,3 tỷ đồng).
Cần phát huy
Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.031km/6.411km đường GTNT được kiên cố hóa (đạt tỷ lệ 78,5%). Thực hiện Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND, hết năm 2020 sẽ có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được kiên cố hóa. Từ năm 2011 - 2020, ngành chức năng cũng đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trung bình khoảng 24 tỷ đồng/năm để các địa phương triển khai quản lý, bảo trì hệ thống đường ĐH, GTNT. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ đường địa phương được bảo trì sẽ tăng từ 77% lên 84%.
Theo ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT), tính đến tháng 6.2019, toàn tỉnh đã có 136/204 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 (giao thông) theo quy định đạt chuẩn NTM; 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí giao thông. Có thể thấy, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, giao thông khu vực nông thôn nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm nhằm tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiệu quả. Việc triển khai theo các đề án cho thấy tính thiết thực cao, tiết kiệm kinh phí đầu tư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội, huy động nguồn lực rất lớn cho GTNT và xây dựng NTM. Xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giao thông tại các thôn, bản từng bước được hoàn chỉnh, kết nối từ hộ gia đình đến trung tâm xã, huyện và trung tâm hành chính của tỉnh. Việc thực hiện các đề án lồng ghép vào xây dựng NTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, huyện đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, an toàn giao thông đảm bảo, chất lượng cuộc sống của nhân dân thay đổi rõ rệt.
Có thể khẳng định, nhu cầu bê tông hóa GTNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, kế hoạch đặt ra của đề án chưa đáp ứng theo yêu cầu của nhân dân. Chưa kể, chỉ tiêu phân bổ hàng năm thấp nhưng cấp huyện phải ưu tiên “chia” cho những xã cần đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đã dẫn đến tình trạng địa phương khác “trống” chỉ tiêu. Để khắc phục hạn chế, ngành chức năng đặt mục tiêu tập trung đầu tư hệ thống GTNT ở các huyện miền núi, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đường GTNT tại vùng cao được cứng hóa 53%. Sau năm 2020, cần phải thiết lập đề án giai đoạn tiếp theo hoặc các cơ chế để tiếp tục hỗ trợ các địa phương hoàn thiện kết cấu đường bộ. Đồng thời, triển khai đề án hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện miền núi, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, ngành còn đề xuất, tham mưu ban hành các đề án kiên cố hóa đường ĐH giai đoạn 2021 - 2025 (dự kiến 300km), phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025 (dự kiến 700km). “Thời gian tới, mong rằng HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và bố trí kinh phí để hỗ trợ ngành GTVT, hỗ trợ các địa phương từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030” - ông Lê Văn Sinh chia sẻ.