Điện Bàn là huyện đầu tiên của tỉnh khởi xướng phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Qua 20 năm thực hiện, diện mạo nông thôn mới (NTM) của huyện đã đổi thay đáng mừng, tạo tiền đề để mở đường lên đô thị…
Khởi đầu mạnh mẽ
Cách đây 20 năm, ông Đặng Hiệp Lực - Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Điện Bàn, mới chỉ là anh cán bộ trẻ chuyên theo dõi mảng GTNT của huyện. Ông kể, năm 1995, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ 250 triệu đồng cho xã Điện Quang xây dựng tuyến đường GTNT bằng bê tông xi măng dài 830m nối thôn Xuân Đài với thôn Kỳ Lam. Cung đường đó chính là “nút mở” khởi đầu cho phong trào phát triển GTNT ở huyện Điện Bàn sau này. Để có cái nhìn rõ hơn và nắm bắt sâu hơn nhằm nhân rộng phong trào làm GTNT, lãnh đạo huyện đã tổ chức cho cán bộ huyện chuyên trách GTNT và các xã, thị trấn đi học hỏi kinh nghiệm ở tận Nam Định. Qua đợt công tác này, mọi người đều thấm thía câu nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; thấy được cách làm hay khi có sự đồng thuận, kết hợp giữa “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của cán bộ và nhân dân Nam Định.
GTNT ở Điện Bàn phát triển tạo nên bộ mặt NTM khởi sắc. Ảnh: C.TÚ |
Trở về quê nhà, những người có trách nhiệm ở Điện Bàn xây dựng đề án nhựa hóa và bê tông hóa GTNT. Qua 4 năm (1997 - 2000) thực hiện, toàn huyện đã làm được 116km đường và 6 cây cầu lớn với tổng kinh phí gần 49 tỷ đồng. Thống kê đến cuối năm 2001, địa phương đã có tổng cộng gần 611km mặt đường GTNT, thiết lập kỷ lục chưa từng có ở Quảng Nam. Khi UBND tỉnh có Cơ chế 19, phong trào phát triển GTNT của Điện Bàn tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Nhờ linh hoạt áp dụng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân quản lý, sử dụng”, người dân hăng hái tham gia hiến đất, tháo dỡ tường rào cổng ngõ, chặt phá cây cối và góp công, góp của làm đường. Địa phương cũng đã phát huy dân chủ, khai thác mọi nguồn lực trong toàn xã hội; động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích vì vậy tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các tổ, thôn, xóm và các địa phương. Chỉ trong 8 năm (2001 - 2008), Điện Bàn đã thực hiện 480,157km với kinh phí 114,138 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 61,506 tỷ đồng). Phát huy thành quả đạt được, năm 2009, huyện tiếp tục bê tông hóa 52,921km GTNT.
Diện mạo nông thôn mới
Lợi ích của chương trình phát triển GTNT mang lại rất rõ. Đường kiên cố hóa đã tạo nên bộ mặt NTM khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được nâng lên, sản xuất thuận lợi, kinh tế - xã hội chuyển biến không ngừng. Triển khai đề án “Phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015” trên địa bàn Quảng Nam mà HĐND tỉnh đã thông qua, Điện Bàn tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện, trong đó phát huy vai trò và nội lực của nhân dân vẫn là nhân tố cực kỳ quan trọng. Sau 5 năm (2010 - 2014), toàn huyện tiếp tục kiên cố hóa được 104,62km GTNT với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 64,85 tỷ đồng, bình quân đầu tư xây dựng khoảng 20,9km/năm. Riêng giai đoạn này, huyện lồng ghép phát triển GTNT với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở các xã điểm, đồng thời “kéo” giao thông nội đồng đi lên. “Đặc biệt, bê tông hóa GTNT là cách mở đường tiếp cận hiệu quả từ ngoại thị tới các vùng đô thị, tạo nên chuỗi giao thông liên hoàn tại khu vực nông thôn, thị tứ tỏa đến các phường thuộc thị xã Điện Bàn trong tương lai gần” - ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Điện Bàn nói.
Đánh giá về phong trào phát triển GTNT của huyện thời gian gần đây, ông Đặng Hiệp Lực cho biết: “Các tuyến thi công đều đảm bảo về chất lượng, công tác quản lý, giám sát của nhân dân tại một số địa phương cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự chặt chẽ và hiệu quả hơn”. Cũng theo ông Lực, đi đôi với phát triển các tuyến GTNT mới, Điện Bàn cũng rất chú trọng công tác bảo trì đường GTNT đã xây dựng từ trước. Để đảm bảo cho các tuyến GTNT có độ bền sử dụng, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Tháng bảo trì đường giao thông”. Theo đó, Điện Bàn chọn tháng 6 hằng năm là thời điểm người dân các địa phương đồng loạt ra quân dọn dẹp, phát quang cây cối tầm nhìn; vệ sinh, đắp bù phụ phần lề đường còn thiếu; đắp nền đường các tuyến GTNT; nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh mương đảm bảo dòng chảy được thông suốt. Năm đầu tiên “thâm nhập” đời sống xã hội của huyện nhà, Điện Bàn đã có 12/20 xã, thị trấn tổ chức lễ phát động ra quân, tổng kinh phí phục vụ khâu bảo trì khoảng 523,67 triệu đồng.
Cũng cần nói thêm, GTNT ở huyện phát triển mạnh đã đóng góp quan trọng cho các xã điểm xây dựng NTM ở Điện Bàn đạt tiêu chí số 2 (riêng 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong về đích chuẩn NTM năm 2014). Theo phê duyệt quy hoạch chung đô thị Điện Bàn, định hướng phát triển không gian khu vực ngoại thị là các vùng được phát triển theo mô hình NTM. Xuất phát tại những địa phương NTM sẽ có các trục tuyến liên khu vực kết nối các đô thị thông qua tỉnh lộ (ĐT609) và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến nút giao ngã 3 đường tránh Vĩnh Điện, rồi ĐT603A; kết nối giao thông ĐT603A và khu vực ven biển với khu vực dân cư phía tây đường cao tốc đi quốc lộ 14B; tuyến giao thông qua sông Thu Bồn kết nối ĐT610B với ĐT609. Mạng lưới GTNT phát triển đã góp phần để Điện Bàn đạt chuẩn về hạ tầng giao thông để mở đường lên đô thị, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân vui xuân đón Tết Ất Mùi - 2015.
CÔNG TÚ