Là huyện vùng cao, địa hình bị chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, với Nam Trà My, “rào cản” từ phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) rất lớn. Chuyện mở đường về thôn nóc đã và đang được địa phương nỗ lực thực hiện là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là bài học về tinh thần sát dân, gần dân.
Bà Hồ Thị Hoa (giữa) hồ hởi nói về tuyến đường bê tông dẫn lên nóc Mô Chai (thôn 1, xã Trà Linh). Ảnh: BÍCH LIÊN |
Chủ trương hợp lòng dân
Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và một số nguồn vốn khác, huyện Nam Trà My đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống GTNT đến trung tâm các xã, thôn. Song, nguồn đầu tư từ Nhà nước lại có hạn trước nhu cầu vô cùng lớn về GTNT huyện vùng cao này. Nam Trà My còn hơn 260km đường giao thông chưa được bê tông hóa, toàn là đường đất, đường mòn, việc đi lại của người dân nhất là mùa mưa bão gặp trở ngại lớn. Mỗi năm, cả huyện chỉ có khoảng 20km đường GTNT được bê tông hóa - con số quá khiêm tốn so với thực tế. Để tạo bước đột phá, năm 2015, chính quyền Nam Trà My đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức chung lòng mở đường giao thông liên thôn, liên nóc theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đối với mỗi kilômét đường, huyện hỗ trợ 90 tấn xi măng và 50 triệu đồng kinh phí vận chuyển vật liệu, bà con nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động, tự khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ làm đường. Các cơ quan chức năng được huyện chỉ đạo trực tiếp xuống khảo sát tại cơ sở, lựa chọn những tuyến đường cấp thiết để đầu tư trước nhằm phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân, các tuyến phải nối liền các điểm trường học, trạm y tế… Khâu tuyên truyền, vận động được sát sao xuống tận các thôn, nóc và được nhân dân đồng tình mạnh mẽ.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: Khi và chỉ khi giải quyết dứt điểm bài toán về giao thông mới có thể tạo động lực để người dân nhanh chóng thoát nghèo bền vững, mới có thể đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My về đích. Trong khi nguồn lực nhà nước có hạn, huyện đưa ra phương án huy động sức dân, huy động nguồn lực xã hội hóa để làm đường GTNT. Huyện hỗ trợ toàn bộ xi măng cho bà con, hỗ trợ tiền vận chuyển cát sạn lên công trình, hỗ trợ gạo để bà con nấu ăn trong những ngày làm đường. Nam Trà My quyết tâm trong 5 năm tới có 100km đường dân sinh tiếp tục được mở. Riêng trong năm 2016, sẽ đầu tư thêm 20km đường dẫn tới các thôn bản; ít nhất mỗi xã có 2 - 3 khu dân cư, bản nóc có đường GTNT được cứng hóa. |
Không chỉ tham gia ngày công, nhiều đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, M’nông… còn hiến đất ở, đất vườn, cây cối, hoa màu để những tuyến đường mới băng qua các thôn nóc, xóa đi cách trở về giao thông. Nơi những thôn nóc xa xôi, niềm mơ ước có được con đường thuận lợi để đi lại, sinh hoạt đã thành hiện thực; niềm vui nhân đôi trong ánh mắt người già, trẻ nhỏ…
Ông Nguyễn Đình Tân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nam Trà My cho hay, từ sự hỗ trợ của huyện, 9 xã trên địa bàn (trừ xã Trà Leng) đã triển khai san lấp tổng cộng 10km nền đường GTNT, chiều rộng từ 2,5 - 3m, trong đó có 5km đã đổ bê tông phần mặt đường. Huyện đã cấp đủ 365 tấn xi măng và 500 triệu đồng hỗ trợ đến các địa phương, thúc đẩy tiến độ thi công. “Có thể nói, để có những kết quả bước đầu đó là sự vào cuộc rất lớn của cả hệ thống chính trị ở Nam Trà My, từ cấp huyện tới xã, thôn bản và sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Bên cạnh làm tốt tuyên truyền, đội ngũ cán bộ tăng cường gần dân, sát dân, hỗ trợ các địa phương trong khâu quản lý, giám sát không để thất thoát vật liệu, hư hỏng công cụ lao động cũng như kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật. Người dân đã tự nguyện đóng góp 5.000 ngày công lao động cùng nhiều diện tích đất vườn, đất ở để những con đường được mở ra. Nguồn xã hội hóa được góp sức từ các doanh nghiệp, đơn vị cũng là động lực để các địa phương hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của mình” - ông Tân nói.
Con đường từ sức dân
Nóc Mô Chai (thôn 1, xã Trà Linh) có hàng chục hộ sinh sống. Đường lên nóc trước đây vốn là con đường đất, dốc đứng, chỉ cần trời mưa xuống là nhão nhoẹt, trơn trượt, đi bộ gian nan, xe máy thì “đứng bánh”. Người dân nóc Mô Chai vẫn luôn mơ ước có con đường không còn gập ghềnh, cách trở. Một ngày, khi nghe nói nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng, kinh phí làm đường lên nóc, bà con chỉ việc chung tay góp công sức, ai nấy hồ hởi trong bụng. Trai tráng thi nhau xuống suối Sông La sát chân núi Ngọc Linh cõng cát về, trộn vật liệu, vận chuyển, đổ vật liệu làm đường; còn trẻ em, phụ nữ lo bếp núc, gùi thức ăn, nước uống tiếp tế cho đàn ông, trai tráng những ngày thi công. Từ những nỗ lực đó, tuyến đường bê tông dài hơn 1,5km dẫn từ đường liên xã Trà Linh lên nóc Mô Chai đã hoàn thành trong niềm phấn khởi. Bà Hồ Thị Hoa (52 tuổi, trú nóc Mô Chai, thôn 1, Trà Linh) chia sẻ: “Chúng tôi vui lắm! Từ khi có đường, lũ trẻ đi lại đỡ vất vả. Hàng ngày các cháu tự đến trường ai nấy cũng yên tâm hơn, nhất là trời mưa”. Niềm vui của bà Hoa cũng là niềm vui của đồng bào Xê Đăng ở nóc Mô Chai này. Từ nay, nhờ có đường dẫn lối về nóc, nhân dân đi lại thuận tiện, buồng chuối, con heo, con gà cũng được dễ dàng chuyển đi bán để giúp người dân có thu nhập. Đã tuổi 70, nhưng với tinh thần của người đảng viên, già Hồ Văn Bông vẫn hàng ngày chung sức cùng với cánh đàn ông trai trẻ của nóc Mô Chai để làm đường. Già Bông chia sẻ: “Tuổi cao sức yếu, nhưng là một đảng viên, già phải tham gia tích cực để người dân tin tưởng mà làm theo”.
Làng Măng Lin (thôn 2) nằm cách trung tâm xã Trà Vân chưa tới 3km, nhưng do đường sá gập ghềnh cách trở, đời sống của đồng bào Ca Dong càng gặp nhiều khó khăn. Không đường, việc đi lại của trẻ đến trường vất vả, việc tiêu thụ nông sản trong vùng càng gian nan. Vậy nên, khi nghe vận động làm đường, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Cả làng, ai nấy xắn tay vào việc, từ san đường cho tới gùi cát…, cặm cụi, cần mẫn hết ngày này qua ngày khác, để rồi tuyến đường dài 1km, rộng 3m đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong dịp tết vừa qua. “Có đường là hết cách trở, xe máy đã đi tới tận nhà, tận làng rồi, xóa bớt cảnh tăm tối. Đêm hôm lỡ có ai ốm đau thì có xe cộ chở đi tới trạm y tế hay tới bệnh viện đỡ phải khiêng võng vất vả lội đường đất trơn trượt như trước” - một người dân làng Măng Lin trải lòng. Tất nhiên, để có những con đường bê tông này, biết bao mồ hôi, công sức của người dân đã đổ xuống bởi do vực sâu suối nhiều, rất ít cát sạn nên nhiều người phải đi gùi cát sạn ở những nơi rất xa mới đủ để đổ bê tông.
Lâu nay, người dân nghèo miền núi vốn quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nên, để đồng bào thay đổi nhận thức, hưởng ứng làm theo, lãnh đạo địa phương phải triển khai những cái gì thiết thực nhất, gắn liền như máu thịt với họ trong đời sống, sinh hoạt. Từ đó, có thể thấy cách làm của huyện Nam Trà My là hướng đi đúng đắn hợp lòng dân. Bài học sát dân, gần dân, tạo sự đồng thuận trong dân là thành quả mà Đảng bộ và chính quyền Nam Trà My đã và đang hướng tới.
BÍCH LIÊN